(Thethaovanhoa.vn) - Buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ VH-TT&DL với đại diện Tổng cục TDTT và Liên đoàn bóng đá Việt Nam chiều qua (18/4) xung quanh kế hoạch chuẩn bị cho Đại hội VFF khóa VIII thực sự đã thu hút được sự quan tâm, chú ý đặc biệt của dư luận, những người hâm mộ bóng đá nước nhà. Phiên họp này thậm chí còn thu hút báo giới hơn cả trận đấu của U19 Việt Nam tại giải giao hữu Suwon JC Cup 2018, nơi thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã để thua U19 Mexico với tỷ số 0-4.
- Chủ tịch VFF thấy tiếc khi bầu Đức bỏ họp
- VFF làm việc với Bộ về bầu Đức, U19 Việt Nam gặp Mexico chiều nay
- Nóng cùng Đại hội VFF
Tất nhiên, tính chất, phạm vi ảnh hưởng, sức lan tỏa của hai sự kiện này đối với những người yêu bóng đá nước nhà là khác hẳn nhau. Nhưng rõ ràng, ở thời điểm này, vị trí Chủ tịch VFF, thay thế ông Lê Hùng Dũng điều hành hoạt động của cả nền bóng đá Việt Nam thực sự là "ghế nóng", nhiều người muốn ngồi và người hâm mộ thì tò mò, quan tâm xem đó là ai, tài đức đến đâu, có xứng đáng hay không?
Mặc dù vậy, những thông tin có được sau cuộc làm việc của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT và Liên đoàn bóng đá Việt Nam là không nhiều. Thời điểm cụ thể tổ chức Đại hội VFF theo như thông tin từ ông Lê Hùng Dũng là chậm nhất là 30 ngày sau khi được Bộ Nội vụ cấp phép cho tổ chức. Bên cạnh đó, quan điểm của Bộ VH-TT&DL như Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã trao đổi sau với lãnh đạo Tổng cục TDTT và VFF tại buổi làm việc là rà soát lại công tác chuẩn bị, xem xét lại các tiêu chí chọn lựa các chức danh chủ chốt, cụ thể là vị trí Chủ tịch VFF. Chỉ riêng câu chuyện này đã khiến dư luận, báo chí nảy sinh nhiều luồng dư luận khác nhau trong suốt thời gian qua, hình ảnh bóng đá Việt Nam nói chung vì thế cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.
Đã hơn một lần nếu không muốn nói là rất nhiều lần, ở rất nhiều cuộc phỏng vấn, trả lời báo chí trong thời gian ngắn vừa qua, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF khóa VII Đoàn Nguyên Đức bày tỏ sự bức xúc của mình, không chỉ vì tiêu chí lãnh đạo VFF khi tham gia ứng cử phải có bằng Đại học. Ông Đức thậm chí còn có những phản ứng tiêu cực với một vài cá nhân ở VFF và khẳng định sẽ không tham gia ứng cử để làm nhiệm vụ tại VFF khóa VIII. Những phát ngôn mạnh mẽ, thậm chí gây tranh cãi trên mặt báo, sau đó lan truyền tại mạng xã hội là không đáng có, nhất là trong bối cảnh bóng đá Việt Nam phần nào đã lấy lại được niềm tin và tạo hiệu ứng tích cực từ thành công của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018. Và để đảm bảo cho tính công khai, minh bạch, Thường trực VFF thời gian tới sẽ phải lấy ý kiến của BCH về việc xem xét bỏ tiêu chí bằng cấp Đại học như ý kiến của Bộ VH-TT&DL.
Song song với đó, kế hoạch chuẩn bị Đại hội, xin ý kiến của Bộ Nội vụ về thời điểm tổ chức cũng không thể bị đình lại chậm trễ hơn.
VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, điều hành hoạt động của cả nền bóng đá nên cuộc bầu chọn những người lãnh đạo của tổ chức này được dư luận quan tâm là điều hết sức bình thường. Nhưng không phải từ nghị trường, trong phòng họp, ở sân cỏ ngoài kia vẫn còn nhiều điều khác cần được những người làm chuyên môn quan tâm, từ chất lượng các trận đấu tại V-League, điều kiện sân bãi, vấn đề trọng tài, thẻ phạt hay bạo lực sân cỏ... Rồi chuyện bóng đá nữ làm sao để được quan tâm nhiều hơn, từ đó thực hiện được ước mơ dự World Cup như người Thái đã 2 lần liên tiếp làm được.
Tất cả những bài toán, vấn đề đó đặt ra thách thức không hề nhỏ cho người đứng đầu VFF nhiệm kỳ VIII tới đây chứ câu chuyện không đơn giản chỉ giải quyết tiêu chí có hay không cần bằng Đại học là đủ.
Lâm Chi
Tags