(Thethaovanhoa.vn) - VFF gần như đã gạt sang một bên tiêu chí đầu tiên quan trọng, khi ký hợp đồng thời hạn 3 năm với HLV người Hàn Quốc - Park Hang Seo, đấy là "có hiểu biết nhất định về bóng đá Việt Nam".
- Xuân Trường bất ngờ khi HLV Park Hang Seo dẫn dắt tuyển Việt Nam
- HLV Lê Thụy Hải: 'Chắc ông Park Hang Seo sẽ hơn Toshiya Miura’
- Trước Park Hang Seo, chưa HLV Hàn Quốc nào thành công tại Việt Nam
Trong mắt ông Park, bóng đá Việt như trang giấy trắng, như chính ông thừa nhận trong ngày đàm phán thành công. Cũng cần phải nhắc lại, hiểu biết về nền bóng đá và các giải đấu quốc nội, là tiêu chí cốt lõi, mỗi khi VFF đăng đàn tuyển HLV cho các ĐTQG.
Nhưng thực tế là, không phải ai hiểu bóng đá Việt Nam, cũng thành công. Thậm chí đến ngay các HLV như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, rồi Nguyễn Hữu Thắng cũng thất bại. Do thời thế, cơ chế, năng lực huấn luyện hay vì lý do nào khác? Đến ngay chúng ta cũng chưa thực sự hiểu được chính mình. Hơn 25 năm kể từ khi hội nhập trở lại với bóng đá khu vực, Alfred Riedl và Henrique Calisto, vẫn là 2 HLV thành công nhất, khi dẫn dắt các đội tuyển quốc gia. Còn lại, từ thầy ngoại đến thầy nội khác, đều một mẫu số chung là thất bại và ra đi không kèn trống.
Ở góc nhìn khách quan, có thể thấy tiêu chí "am hiểu bóng đá Việt Nam" đã trở nên cũ kỹ và không cần thiết để duy trì nữa. Nói ra, có khi lại còn là trò cười. Nền bóng đá Việt Nam, cũng như hệ thống các giải đấu và chân rết của nó, có vị trí khá khiêm tốn trong khu vực và châu lục, chứ đừng nói thế giới.
Phải sòng phẳng với nhau như thế để vẽ lại các lộ trình, thay vì cứ lơ lửng, như người bị ảo giác suốt thời gian dài qua. Chúng ta thuê các chuyên gia hoặc HLV nước ngoài, là để tận dụng (không tận thu) chất xám của họ nhằm cải thiện tình hình. Chỉ đơn giản thế thôi, đừng đao to búa lớn.
Trở lại với Park Hang Seo. Ở góc độ nào đó, vị HLV người Hàn Quốc này khá giống với Franko Goetz (năm 2011), cũng với lý lịch trích ngang khá kêu. Nhưng thu lại, Park Hang Seo na ná như Toshiya Miura hơn, vốn ở quá xa bóng đá đỉnh cao (dẫn dắt CLB ở giải hạng 3), cùng tầm vóc khiêm tốn, cùng thuộc tính của người Á châu. Ông Park từng là trợ lý của Guus Hiddink, nhưng đến ngay cả thuyền trưởng người Hà Lan cũng đã trở nên cũ kỹ với bóng đá hiện đại.
Vẫn có câu: "Bút sa gà chết". Ngay cả khi Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc tiến cử, cũng như sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân (về quỹ lương chẳng hạn) thì chắc chắn VFF vẫn phải thẩm định nhân vật sẽ gắn bó với các ĐTQG trong 3 năm tới, với một chiến dịch cũng không có gì là nặng: Đòi lại ngôi vương AFF và đổi màu huy chương SEA Games. Chiến dịch vòng loại Asian Cup 2019 vẫn đang khá ổn. Chuyện U23 ở giải châu Á 2018 tới đây chỉ là viển vông, bởi chúng ta khó thể với tới, khó gây bất ngờ.
Lịch sử các đời thầy nội và ngoại chứng minh rằng, đội tuyển quốc gia (hoặc U23) mà thành công, chiếc ghế lái trưởng có thể được giữ, nền bóng đá cũng như các giải đấu có thể sẽ tốt hơn. Ngược lại, đội tuyển thất bại, thì đến Park hay ông nào đó ngồi ghế nóng cũng không yên. Bóng đá là thành tích, thành bại luận anh hùng, chứ không ai nói hay cho nhau được, bởi quảng cáo chỉ là quảng cáo mà thôi. Nói "đánh bạc" với Park Hang Seo là thế!
Tùy Phong
Tags