(Thethaovanhoa.vn) - Trước cái bóng quá lớn của thế hệ “đàn anh” từng giành ngôi Á quân VCK U23 châu Á 2018, SEA Games 30, nhiệm vụ của HLV Park Hang Seo và cộng sự là đánh thức và khai phóng được lứa tài năng mới của U22 Việt Nam.
Với những thành tích tốt trong ba kỳ vòng loại U23 châu Á gần nhất, U23 Việt Nam được chọn làm hạt giống số 1 vòng loại U23 châu Á 2022. Lá thăm may rủi đưa thầy trò HLV Park Hang Seo vào bảng I dễ thở với Hong Kong Trung Quốc, Myanmar và Đài Loan Trung Quốc.
Mới nhất, do Triều Tiên rút lui nên Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tổ chức thêm một lễ bốc thăm để tạo sự cân bằng giữa các đội bóng ở các bảng đấu. May mắn tiếp tục song hành với U23 Việt Nam khi Hong Kong được đưa vào bảng K với Nhật Bản, Campuchia.
Chỉ thi đấu với hai đối thủ, ngoài ra, lịch thi đấu của U23 Việt Nam quá thuận lợi (đá 2 trận trong 4 ngày còn hai đối thủ đá 2 trận trong 2 ngày), thầy trò HLV Park Hang Seo đang gặp “vận đỏ”. Tất nhiên, đây cũng chỉ là một trong những yếu tố khách quan để giúp U23 Việt Nam có nhiều cơ hội lọt vào vòng chung kết U23 châu Á 2022. Rõ ràng, ngoài sự may mắn, các học trò của HLV Park Hang Seo cần thể hiện bản lĩnh, nhất là khi U23 Việt Nam từng giành ngôi Á quân ở sân chơi này.
VCK U23 châu Á là giải đấu đưa tên tuổi HLV Park Hang Seo ra với thế giới. Ngôi vị Á quân ở tại Trung Quốc vào năm 2018 là tiền đề để chiến lược gia người Hàn Quốc có những thành công vang dội cùng bóng đá Việt Nam.
Thế nhưng, cần nhìn nhận khách quan, ông Park từng thất bại một giải đấu duy nhất so với mục tiêu đề ra cũng chính ở VCK U23 châu Á. Đó là vào năm 2020 ở Thái Lan, U23 Việt Nam không thể vượt qua vòng bảng. Trong gần 4 năm ở Việt Nam, HLV Park Hang Seo từng ở đỉnh cao danh vọng và từng nếm trải thất bại đầu tiên cũng tại sân chơi U23.
Thất bại trên đất Thái chỉ ra quá nhiều vấn đề với U23 Việt Nam. Nên nhớ, tại giải đấu đó, chúng ta có đến 7 cầu thủ từng làm nên chiến tích lịch sử ở Thường Châu; gồm cả Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Hà Đức Chinh, Đình Trọng, Tiến Linh, Thành Chung. Ấy vậy, U23 Việt Nam vẫn thất bại theo cách ngậm ngùi nhất: không thắng ba trận vòng bảng.
Ngoài việc không còn là ẩn số thì nguyên nhân được chỉ ra là U23 Việt Nam không còn sở hữu đội hình đồng đều, khoảng cách giữa đá chính – dự bị khá lớn. Và hơn hết, đó là kinh nghiệm thi đấu giữa các cầu thủ từng giành Á quân và lứa cầu thủ mới.
Đó là sự chênh lệch có thể thấy được. Nhưng, lứa cầu thủ mới đó cũng từng chinh chiến ở sân chơi U20 World Cup 2017 như Hoàng Đức, Huỳnh Tấn Sinh, Đỗ Thanh Thịnh, Thanh Sơn, Việt Hưng,… Ấy vậy, họ không thể khỏa lấp chỗ trống từ “đàn anh” để lại.
Giờ đây, HLV Park Hang Seo cùng các cộng sự bắt đầu với một lứa cầu thủ hoàn toàn mới. Ở đó, ông có quá ít cá nhân nổi trội. Thậm chí, ông Park còn “đãi cát tìm vàng” với cầu thủ thi đấu ở hạng Nhì. Chỉ Đoàn Văn Hậu là cái tên sáng giá có thể góp mặt ở sân chơi này ở độ tuổi 23. Song, trình độ của hậu vệ này đã có độ chênh với đồng nghiệp cùng trang lứa.
Thử thách là rất lớn với ông Park cho nhiệm vụ đánh thức một lứa cầu thủ U23 mới. Ông từng thất bại ở 2020 và đó là bài học kinh nghiệm để nhà cầm quân người Hàn Quốc rút tỉa. Có thể thấy, sự chuẩn bị của lứa cầu thủ hiện tại chỉn chu hơn. Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng trong hơn 1 năm qua, VFF cùng HLV Park Hang Seo đã xây dựng các kế hoạch ngắn hạn như tập trung ngắn ngày ở nhiều đợt khác nhau.
Khi dịch bệnh bùng phát, U22 Việt Nam được tạo mọi điều kiện tập trung theo hình thức “bong bóng”. U22 Việt Nam có đến gần 2 tháng cho vòng loại U23 châu Á 2022. Trước đó là vô số các đợt tập trung ngắn hạn. Điều này được nhìn nhận theo khía cạnh tích cực khi tất cả đã hành động ngay sau thất bại ở Thái Lan.
Kết quả vẫn ở tương lai nhưng ngay từ bây giờ, người hâm mộ có thể chờ đợi HLV Park Hang Seo sẽ tìm ra những nhân tố tài năng cho bóng đá nước nhà ở lứa U23 hiện tại.
Gia Bình
Tags