(Thethaovanhoa.vn) - Trước trận đấu với U20 Argentina, cả Công Phượng lẫn HLV Hữu Thắng đều tuyên bố đầy tự tin nhưng thực tế cho thấy họ đã không hình dung được đầy đủ đẳng cấp vượt trội của ứng viên vô địch U20 thế giới năm nay.
- U20 Việt Nam cổ vũ cho U22 Việt Nam đấu với U20 Argentina
- TRỰC TIẾP, U22 Việt Nam 0-5 U20 Argentina: Minh Long bất lực nhận bàn thua thứ 5 (Hiệp 2)
- 19h00 ngày 14/5, U22 Việt Nam - U20 Argentina: Tham vọng thầy trò Hữu Thắng
- U22 Việt Nam thiếu quân vì chấn thương, HLV Hữu Thắng đẩy thủ môn lên đá tiền đạo
- HLV Hữu Thắng bật mí lý do để Công Phượng làm đội trưởng U22 Việt Nam
U20 Argentina “lên lớp” cho U22 Việt Nam
Một đội bóng đã 6 lần vô địch giải U20 Thế giới thì đội bóng ấy phải hết sức toàn diện và khó lường. Đội bóng ấy sở hữu những nguồn lực đa dạng và có chiều sâu. U20 Argentina cho thấy họ là đối thủ mà chúng ta không thể đánh giá được hết sức mạnh của họ nếu chỉ dựa vào việc phân tích và quan sát họ thi đấu trong một trận giao hữu.
Vấn đề là ở chỗ họ chỉ xem hai trận giao hữu với U20 và U22 Việt Nam là những trận đấu tập dượt nhẹ nhàng mà họ không cần và không có lí do gì để bung hết sức mạnh và thi triển hết các ngón nghề của mình. Và thực tế là họ đã không chơi hết sức. Nhưng ngay cả khi U20 Argentina không đá hết sức, họ vẫn thắng dễ chúng ta, vẫn phòng ngự nhàn nhã và ghi những bàn thắng mà với chúng ta thì đó là những pha làm bàn hết sức đặc biệt, hết sức khó và có tính bất ngờ cao nhưng với họ thì hết sức bình thường.
Đúng là 3/5 bàn thua của U22 Việt Nam bắt nguồn từ những pha phạm lỗi (của Văn Khánh), để mất bóng (của Thanh Bình), chuyền sai (của Văn Kiên) nhưng ở những vị trí ấy, trong những bối cảnh ấy, chưa chắc đối thủ khác đã có thể phá lưới Phí Minh Long. Nhưng khi trái bóng trong chân các ngôi sao của U20 Argentina thì hiểm họa có thể ập đến bất cứ lúc nào, theo bất cứ cách nào mà đối thủ của họ không sao lường hết được.
Đấy là sự khác biệt lớn về đẳng cấp giữa một đội bóng đang tìm cách thử thách giới hạn bản thân để biết mình thực sự đang đứng ở đâu trước khi đá vòng loại U23 Châu Á và xa hơn là Sea Games vào tháng 8 tới (U22 Việt Nam) với một đội bóng mà đẳng cấp hàng đầu thế giới đã được khẳng định từ lâu và chỉ tập dượt để làm nóng trước khi sang Hàn Quốc dự VCK U20 Thế giới (U20 Argentina). Nếu U22 Việt Nam chỉ cần ghi được một bàn thắng kiểu như U20 Argentina thực hiện ở Mỹ Đình hôm nay, chúng ta sẽ coi đó là pha kết thúc ở đẳng cấp cao. Nhưng với U20 Argentina, đó chỉ là 1 bàn thắng như vô số bàn thắng khác họ từng ghi được và sẽ còn ghi trong tương lai. Đấy chính là khác biệt giữa hai đội bóng.
Nhìn cách U20 Argentina pressing cực nhanh khi không có bóng, xử lý tình huống khi phòng ngự (sẵn sàng phạm lỗi chiến thuật khi cần thiết, chọn vị trí) và những pha xử lý bóng lúng túng của chúng ta khi bị áp sát nhanh (nhiều lần chuyền sai, để mất bóng), chúng ta lại càng thấy đối thủ của U22 Việt Nam ở đẳng cấp thế nào. Và phải nhấn mạnh lần nữa là những gì chúng ta thấy ở Mỹ Đình cũng như ở sân Thống Nhất trước đó mới chỉ là một phần của đẳng cấp mà U20 Argentina phô diễn mà thôi. Những gì tinh túy nhất họ chỉ thể hiện ở VCK U20 thế giới.
Tốc độ là vấn đề nghiêm trọng của U22 Việt Nam
Có một thống kê khiến chúng ta thấy rõ sự chênh lệch đẳng cấp ghê gớm giữa hai đội bóng. Suốt cả trận đấu, U22 Việt Nam, đội bóng với nhiều nhân tố dự kiến sẽ là nòng cốt chơi ở vòng loại U23 Châu Á và Sea Games 29, không tung ra nổi cú sút trúng đích nào về khung thành U20 Argentina trong khi đối thủ đã thực hiện hàng tá pha dứt điểm trúng khung gỗ của Phí Minh Long ngay cả khi đội bóng áo đỏ thường duy trì được số đông cầu thủ trong vòng cấm ở hiệp 1.
Câu hỏi: vì sao U22 Việt Nam (chơi phối hợp bóng ngắn, nhỏ như HLV Hữu Thắng tuyên bố) không tạo ra nổi cơ hội ghi bàn rõ rệt nào trước khung thành U20 Argentina? Trả lời: U22 Việt Nam đúng là đã chơi lối chơi phù hợp nhất với khả năng của mình nhưng chúng ta vẫn bộc lộ hạn chế cố hữu là tốc độ luân chuyển bóng quá chậm, tốc độ di chuyển không bóng rất chậm, khả năng chuyển trạng thái từ phòng ngự sang phản công nhanh là quá yếu nên mỗi khi U22 Việt Nam lên bóng thường xảy ra tình trạng thiếu người tham gia trong khi đối thủ vẫn có khá đông người phòng ngự.
Các cầu thủ của chúng ta gần như không kịp tư duy phải chạy chỗ như thế nào hoặc họ không đủ tốc độ để bứt ra khỏi đối thủ nên các pha phối hợp bóng của chúng ta thường rất luẩn quẩn, dễ đoán. Các cầu thủ áo đỏ luôn nhận bóng ở những vị trí mà đối thủ đã áp sát nên họ nhanh chóng bị mất bóng. Hạn chế về tốc độ và thể lực chính là yếu tố quyết định khiến chúng ta không thể đe dọa đối thủ ở Mỹ Đình hôm nay. Dù sao thất bại này cũng là bài học quý giá cho U22 Việt Nam để chúng ta biết mình đang ở đâu, cần phải cải thiện những gì trước khi đội tuyển bước vào vòng loại U23 Châu Á và Sea Games 29.
HT
Tags