Đang có nhiều thông tin cho rằng Quang Hải sẽ cập bến một đội bóng tại Ligue 2 (Pháp). Việc giành suất đá chính cũng như hòa nhập tại đội bóng mới ở trời Âu sẽ thử thách lớn đối với Quang Hải.
Từ bài học của Công Vinh
Môi trường bóng đá châu Âu luôn rất khắc nghiệt đối với những cầu thủ từ Đông Nam Á. Việc thích nghi ở châu Âu do vậy là điều rất khó khăn. Lê Công Vinh từng khoác áo CLB Leixoes của Bồ Đào Nha vào năm 2009 theo dạng cho mượn và anh gặp trở ngại trong quá trình hòa nhập.
“Năm 2009, tôi sang Bồ Đào Nha thi đấu cho CLB Leixoes. Sang bên ấy sự thật mới phũ phàng làm sao. Tôi ở hai tháng không được chuyền bóng, tập lủi thủi một mình dù tôi rất cố gắng hòa nhập. Các cầu thủ nhìn tôi theo kiểu không biết tôi sang đây làm gì. Tất cả không ai thân thiện với mình cả. Nhưng sau hai tháng cắn răng chịu đựng và miệt mài tập, tôi đã dần dần được thay đổi sự đối xử”, Công Vinh chia sẻ về quãng thời gian chơi bóng cho Leixoes.
Rõ ràng, ở một môi trường xa lạ, việc tìm được tiếng nói chung với các đồng đội, cũng như thể hiện được khả năng là thách thức lớn. Để vượt qua được thách thức này là điều không hề đơn giản khi mà các cầu thủ xung quanh nói thứ ngôn ngữ khác, chơi thứ bóng đá với trình độ cao hơn hẳn và có nền văn hóa khác đối với người mới gia nhập CLB, đặc biệt đó lại là cầu thủ đến từ khu vực Đông Nam Á, nơi ít được biết đến tại châu Âu.
Công Vinh là cầu thủ hàng đầu của Việt Nam vào thời điểm đó nhưng anh từng không thể thao kịp các bài tập ở Leixoes. Rốt cuộc, Công Vinh đã phải nỗ lực rất nhiều để không bị bỏ lại phía sau.
“Những ngày đầu mới sang, tôi gần như không thể theo kịp vì khối lượng bài tập nặng và nhịp độ vận động nhanh. Khi đủng đỉnh giữ bóng như ở Việt Nam là lập tức mất bóng vì đối thủ ập vào rất nhanh. Trong những pha áp sát cầu môn, tôi cũng không đánh đầu chính xác được do chưa quen với các quả tạt rất căng và nhanh của đồng đội. Cố gắng quá nên có nhiều lúc tôi suýt bị chuột rút. Mỗi lần như thế tôi lại đấu tranh tư tưởng và buộc mình không được dừng lại”, Công Vinh chia sẻ.
Công Vinh không ghi được bàn nào khi anh thi đấu tại giải VĐQG Bồ Đào Nha cũng như Cúp quốc gia Bồ Đào Nha cho Leixoes. Tuy nhiên những kinh nghiệm tích lũy ở Leixoes đã giúp Công Vinh hòa nhập nhanh hơn khi anh sang Nhật Bản thi đấu cho CLB Consadole Sapporo và tạo được dấu ấn ở đây.
Quang Hải cần làm gì để chinh phục Ligue 2?
Cách đây 3 tháng, HLV của CLB Đông Á Thanh Hóa - Ljubo Petrovic, cho rằng Quang Hải cần giảm cân nếu muốn chơi bóng ở châu Âu: "Như hôm nay, tôi thấy Quang Hải hơi thừa cân. Nếu vẫn thừa cân như vậy, cậu ấy sẽ không chơi bóng được ở châu Âu đâu. Cầu thủ thừa cân sẽ bị gạt ra ngoài ngay". Đây chính là điều đầu tiên mà Quang Hải cần thực hiện để chuẩn bị cho hành trình tới châu Âu.
Tại Ligue 2 hay các giải đấu khác của châu Âu, nền tảng thể lực luôn là một trong những yếu tố hàng đầu để đánh giá các cầu thủ. Quang Hải vì thế cần rèn luyện để có thể chất tốt, đáp ứng cường độ thi đấu cao tại châu Âu.
Trên thực tế, sau khi rời Hà Nội FC do hết hợp đồng, Quang Hải đã làm việc với HLV thể lực riêng trong thời gian ăn tập tại CLB Cần Thơ để giúp anh có được hiệu suất thi đấu cao trong tương lai. Tuy nhiên Quang Hải vẫn còn phải làm nhiều điều khác để hòa nhập với môi trường bóng đá tại châu Âu và trong số đó, có cả những vấn đề ở bên ngoài sân cỏ.
Tờ Main Stand (Thái Lan) của Thái Lan có một bài viết phân tích mọi khía cạnh về những thách thức mà ngôi sao Chanathip Songkrasin gặp phải khi anh sang Nhật thi đấu cho Consadole Sapporo, trong đó gồm thời tiết, thức ăn, ngôn ngữ, văn hóa, mối quan hệ bên ngoài sân cỏ với các đồng đội…
Chanathip cũng gặp khó khăn giống với Công Vinh, khi mà lúc đầu các cầu thủ ở Consadole Sapporo không chịu chuyền bóng cho anh và tất cả chẳng có ai nói tiếng Thái.
Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Chanathip ý thức được việc tạo dựng mối quan hệ tốt với những đồng đội ở trong đội bóng là điều rất quan trọng. Việc học ngôn ngữ mới (tiếng Nhật) cũng như chủ động giao lưu với những đồng đội đã giúp cầu thủ người Thái Lan xóa đi những rào cản, khiến anh được chào đón tại CLB mới.
Cầu thủ Ishii Kengo, người từng chơi bóng cùng Chanathip tại Consadole Sapporo nhớ lại: “Chanathip là người dễ hòa đồng và vui tính. Quan trọng nhất, Chanathip thích giúp đỡ người khác và luôn tỏ ra tốt bụng. Nhiều cầu thủ trong đội là bạn bè với cậu ấy. Chanathip rất tích cực học tiếng Nhật và sau vài tháng, cậu ấy hiểu lối chơi của đội bóng. Từ việc chỉ ngồi dự bị, Chanathip giành được suất đá chính. Có một lần, Chanathip mời tôi tới nhà dùng bữa với cậu ấy. Chanathip ở trong bếp nấu món Pad Thai (mì xào kiểu Thái) khiến tôi rất ấn tượng”.
Từ trường hợp của Chanathip, Quang Hải cũng cần gây dựng được mối quan hệ tốt với mọi người trong đội bóng mới, cũng như học ngoại ngữ để giao tiếp với các đồng đội.
Ngoài ra, anh cần phải thể hiện được khả năng để giành được suất đá chính tại đội bóng mới. Đây cũng là thử thách cực lớn đối với Quang Hải và cả những cầu thủ Việt Nam từng sang châu Âu trước đây như Công Vinh, Công Phượng hay Văn Hậu.
Sau tất cả, mọi người sẽ chỉ nhìn vào việc liệu các cầu thủ xuất ngoại có thể giành được vị trí chính thức và thể hiện khả năng trên sân cỏ hay không.
Sự cạnh tranh vị trí ở các đội bóng hàng đầu tại châu Âu là rất khốc liệt. Nếu không có đủ quyết tâm và bản lĩnh, sẽ rất khó để những cầu thủ đến từ khu vực có trình độ bóng đá thấp hơn làm nên chuyện.
Vì là cầu thủ nước ngoài, Quang Hải cần tập luyện và nỗ lực nhiều hơn cả những cầu thủ bản địa để giành suất đá chính.
Phía trước Quang Hải không phải là con đường trải hoa hồng mà là muôn trùng chông gai với những thách thức cực đại. Chỉ có việc vượt qua những giới hạn, không ngừng cải thiện bản thân mới có thể giúp Quang Hải chinh phục trời Âu.
Sơn Tùng
Tags