(Thethaovanhoa.vn) - Khách mời bàn tròn của Thể thao & Văn hóa tuần này là ông Dương Nghiệp Khôi, nguyên Phó TTK VFF, nguyên trưởng BTC V-League, một người có thể nói là rất am hiểu các ngóc ngách của bóng đá Việt Nam, với một bụng kinh nghiệm quản lý và tổ chức giải đấu. Ông vừa xuất bản cuốn tự truyện “Vì một ngôi sao”, chạm nhiều góc mờ của làng cầu Việt.
- Ông Dương Nghiệp Khôi và 'đại án' trọng tài
- Ông Dương Nghiệp Khôi tái xuất ở sân chơi 'phủi'
- Phó TTK Dương Nghiệp Khôi bật mí lý do chia tay VFF
Vì một ngôi sao
* Thể thao & Văn hóa: Tôi đã đọc một số chương trong tự truyện của ông. Nói thật với ông là, tôi không cảm thấy thỏa mãn cho lắm, khi một vài chi tiết - nhân vật, ông lại viết tắt, hoặc không đề cập trực diện. Vậy, nguồn cơn nào khiến ông ra sách, chỉ tặng chứ không bán?
- Ông Dương Nghiệp Khôi: Đã là tự truyện thì dĩ nhiên nói về cuộc sống thăng trầm của một đời người. Tuy nhiên, tôi lại có may mắn là được sống và trải nghiệm cùng với đời sống bóng đá Việt trong gần bốn mươi năm. Làm công tác đào tạo các cầu thủ trẻ kế cận cho TP.HCM và quốc gia, sau đó lại trực tiếp tham gia điều hành các giải đấu chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp tại VFF.
Tôi đã được tận mắt chứng kiến những thăng trầm của các đội bóng, HLV, cầu thủ và những nhà quản lý, những "sự cố" bóng đá nước nhà. Nhưng nếu chỉ như vậy thì cũng chưa đủ "vốn liếng" cho tôi viết tự truyện. Điều may mắn nhất cho tôi là được đồng hành với hai đội tuyển bóng đá U19 Việt Nam từ năm 2013 đến năm 2017.
Tôi đã trực tiếp chứng kiến từ những bước đi đầu tiên của các cầu thủ trẻ trên trường đấu quốc tế, được nhìn thấy họ dần trưởng thành và đỉnh cao là họ giành quyền tham dự vòng chung kết U20 thế giới. Đó là thành tích đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam, đó cũng là mơ ước của cả một đời người làm bóng đá như tôi.
Chính một phần vì lẽ đó, tôi viết cuốn tự truyện này để ghi lại dấu ấn mà thế hệ cầu thủ này mang lại, nó cũng tiếp nối truyền thống từ các lớp cầu thủ đàn anh trước đây.
* Thể thao & Văn hóa: “Vì một ngôi sao” gắn trên ngực áo, hẳn ông muốn gửi gắm thông điệp màu cờ sắc áo đến các cầu thủ, đặc biệt là người trẻ. Biên độ rộng hơn, ông cũng muốn nhắn nhủ đến những người làm bóng đá Việt Nam hãy vì lợi ích chung của nền bóng đá, cũng như các giải đấu, thay vì đấu đá, tư lợi và thậm chí hạ bệ nhau bằng cả chiến dịch.
Bóng đá Việt Nam trước thềm Đại hội khóa VIII sinh quá nhiều “biến”. Chuyện gì đang xảy ra vậy và nếu không giải quyết triệt để các tồn tại, chúng ta không khó để đoán được tương lai u ám của nền bóng đá, các ĐTQG, cũng như hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam?
- Ông Dương Nghiệp Khôi: Trong một lần lên đấu pháp tại Bahrain, HLV Hoàng Anh Tuấn có hỏi các cầu thủ: "Theo các con, đội mình có mấy ngôi sao?". Các cầu thủ ngơ ngác nhìn nhau không ai trả lời được, thầy Tuấn chỉ vào ngực áo các cầu thủ: "Đội chúng ta chỉ có một ngôi sao, đó là ngôi sao trên lá cờ Tổ quốc ở ngực áo các con đó".
Lời nói đó như chạm vào trái tim tôi, lúc ấy tôi thực sự xúc động, ngẫm lại cuộc đời mình cũng chính vì ngôi sao ấy mà mình cam chịu vất vả, khó khăn bộn bề để theo bóng đá suốt 36 năm, đó chính là lý do để chúng tôi làm việc và hy vọng.
Ngay sau chiến tích tại Bahrain, tôi đã hình dung được tựa đề cuốn sách tự truyện của mình, đó là: "Vì một ngôi sao". Tôi khẳng định rằng: Thế hệ HLV và cầu thủ của chúng ta đang có họ luôn hướng về ngôi sao vàng lấp lánh trên lá cờ Tổ quốc, chúng tôi tin rằng họ sẽ là những người phất cao ngọn cờ để truyền cảm hứng đến người dân Việt Nam.
Điều đó đã thành hiện thực vào tháng 1/2018 tại Thường Châu - Trung Quốc và tôi hy vọng rằng sẽ còn nhiều lần nữa trong những giải đấu tiếp theo.
Ngôi nhà VFF- sợ nhất là bất hòa, mất đoàn kết
Trong tự truyện, tôi cũng dành một chương nói về ngôi nhà VFF. Muốn ngôi nhà được khang trang đẹp đẽ thì rất cần sự đoàn kết và đồng lòng từ các thành viên của VFF. Chính họ phải có trách nhiệm lựa chọn ra những người có tài, có đức để lãnh đạo theo định hướng phát triển bóng đá Việt Nam trong nhiều năm tới.
Tôi đã trực tiếp điều hành nhiều mảng công việc chuyên môn, cũng hiểu mình phải chịu nhiều áp lực lớn vì mình đang điều hành một môn thể thao "vua", môn thể thao được nhiều người yêu thích nhất, nhiều người quan tâm nhất, vậy áp lực là lẽ thường.
Chúng tôi sợ nhất là có sự bất hòa, mất đoàn kết từ bên trong nội bộ, đặc biệt là hàng ngũ lãnh đạo nếu có, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các phòng, ban, của đội ngũ cán bộ nhân viên.
Ngôi nhà VFF do biết bao nhiêu công sức của nhiều thế hệ xây dựng nên, vì vậy mỗi người hãy làm tốt phần việc của mình cũng là đã đóng góp cho phong trào bóng đá, rồi cũng sẽ đến lúc các bạn sẽ gặt hái được thành quả cùng chung với những chiến tích mà bóng đá sẽ mang lại cho chúng ta.
Cần xây lại nền móng cho bóng đá chuyên nghiệp
* Thể thao & Văn hóa: Về kinh nghiệm quản lý và tổ chức thi đấu, có thể nói, ông rất tinh nhuệ. Trong các giai đoạn khác nhau, ngoài công việc ở Ban TTK, Ban Thi đấu thuộc VFF, ông còn nhiều năm làm trưởng giải. Vậy ông đã có những gợi ý gì để công tác tổ chức, điều hành giải cũng như các đội bóng phát triển bền vững hơn?
- Ông Dương Nghiệp Khôi: Sau 18 năm thử nghiệm giải bóng đá chuyên nghiệp của chúng ta cũng đã có nhiều đổi mới và phát triển, bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần phải khắc phục. Đổi mới trước hết là chúng ta đã có cơ quan điều hành giải riêng VPF, một cơ quan tổ chức giải chuyên nghiệp theo mô hình của các nước có nền bóng đá tiên tiến.
Những năm gần đây, VFF đã áp dụng cơ chế cấp phép cho các CLB trước khi tham dự giải V-League hàng năm, điều này cũng giúp cho cơ sở vật chất của các CLB ngày càng hoàn thiện hơn để phục vụ khán giả và đáp ứng yêu cầu chuyên môn của các trận đấu.
Các đội bóng đã thi đấu khá cống hiến, hết mình để phục vụ người hâm mộ, hiện tượng chia điểm, nhường điểm ngày càng ít đi, các trận đấu trung thực hơn. Công tác an ninh, an toàn của BTC trận đấu địa phương ngày càng tiến bộ và đảm bảo.
Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề tồn tại mà chúng ta phải quan tâm. Đầu tiên là văn hoá ứng xử, đó là điều rõ nét nhất đang còn nhức nhối tại V-League. Hiện tượng đá xấu, đá thô bạo mang tính triệt hạ đối phương vẫn còn, HLV có hành vi nóng giận quá mức, khán giả đốt pháo sáng liên tục trên khán đài, cầu thủ có hành vi quá mức với trọng tài.
Việc giáo dục cho các HLV, cầu thủ cần phải được các CLB quan tâm nhiều hơn nữa, VPF nên phối hợp với VFF (Ban trọng tài và Ban kỷ luật) đến từng CLB trong thời gian nghỉ giữa hai lượt đi và về để giảng thêm cho các HLV và cầu thủ hiểu về luật, quy chế, điều lệ và phương pháp ứng xử trên sân.
Một số trọng tài hoặc trợ lý có những sai sót gây ảnh hưởng đến kết quả trận đấu, điều này giải đấu nào cũng xảy ra, không chỉ riêng ở Việt Nam. Tuy nhiên, cái mà người ta nghi ngại là trọng tài sai về tư tưởng, điều này thì rất cần sự nghiêm khắc của Ban Trọng tài và VFF, có vậy mới tạo được niềm tin đối với các thành viên tham dự giải.
* Thể thao & Văn hóa: Vậy, ông có thể đưa ra các kiến giải, để giải đấu tiến lên chuyên nghiệp, sau 18 năm “quá độ” không? Nó sẽ bắt đầu từ khâu nào trước nhất?
- Ông Dương Nghiệp Khôi: Trong phần kết của tự truyện tôi cũng đã đưa ra một số giải pháp để giúp cho giải đấu của chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn. Đầu tiên là kết cấu của mỗi CLB chuyên nghiệp nên như tổ chức một công ty cổ phần, như vậy tính bền vững của CLB sẽ cao hơn (hiện nay nhiều CLB chỉ do một công ty hoặc một người làm chủ); CLB chuyên nghiệp cần phải gắn kết với địa phương, cần được sự quan tâm sâu sắc của chính quyền địa phương, thường xuyên có những liên hệ với cộng đồng. (Điều mà CLB bóng đá Hà Nội đã thay đổi và làm rất tốt, khán giả sân Hà Nội ngày một đông hơn).
Công ty VPF nên có cuộc họp với các cổ đông, các CLB để lập ra một bản thỏa thuận chung "vì một nền bóng đá sạch" trong đó quy định những điều bắt buộc các CLB phải thực hiện, nếu CLB nào vi phạm thì tự mình loại ra khỏi cuộc chơi. (Bóng đá Nhật đã làm rất tốt vấn đề này, do vậy giải J-League thu hút rất đông khán giả, cầu thủ ứng xử rất Fair-play).
VFF thì cần chú trọng cho công tác đào tạo trọng tài trẻ dài hạn, thường xuyên được thực tập ở các giải phong trào, giải trẻ, để có một thế hệ trọng tài tài năng và phẩm chất tư cách tốt, có vậy mới góp phần xây dựng bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam. Các CLB bắt buộc phải xây dựng đội ngũ cổ động viên cùng với nếp cổ vũ có văn hóa.
Theo tôi, đó là những điểm cần nhất hiện nay để nâng cao chất lượng giải đấu chuyên nghiệp của chúng ta. Nếu được như vậy, các CLB cũng sẽ có thêm nhiều kinh phí từ bản quyền truyền hình, quảng cáo, thu bán vé. Các cầu thủ sẽ có nhiều động lực trong tập luyện và thi đấu, sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho các đội tuyển quốc gia.
* Thể thao & Văn hóa: Xin cảm ông về cuộc trao đổi thẳng thắn, chúc ông mạnh khỏe và thành công với những dự án mới!
TÙY PHONG (thực hiện)
Tags