(Thethaovanhoa.vn) - Gunung Bromo, ngọn núi lửa đang hoạt động (lần phun trào gần nhất năm 212), là một phần của dãy Tengger, Đông Java, rất gần với "chảo lửa" Pakansari, Bogor (Tây Java), nơi ĐT Việt Nam giao đấu với Indonesia, trận bán kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2016 vào chiều nay. Lại có câu, đừng đùa với lửa.
20 năm, chúng ta mới lại thắng được Indonesia, lần này là trận giao hữu "lượt về" tại Mỹ Đình. Thoạt nghe, nhiều người sẽ giật mình, song sự thật là, bóng đá Indonesia trong quá khứ và cả hiện tại, luôn là đối thủ lớn của Việt Nam. Xét về thành tích, tuy là họ chưa một lần vô địch AFF Suzuki Cup (hay Tiger Cup trước đây), nhưng cũng có tới 4 lần vào chơi trận cuối cùng (so với 2 của Việt Nam). Liên tiếp 3 kỳ Asian Cup, từ UAE 1996 đến Bắc Kinh 2004, Indonesia đều vượt qua vòng loại, đường hoàng tiến vào VCK, cho đến lần gần nhất năm 2007, họ tham dự giải vô địch châu Á với tư cách đồng chủ nhà (giống Việt Nam). Quả đáng nể.
Từ màu áo (bã trầu) đến lối chơi rực lửa, dựa trên nền tảng sức mạnh cơ bắp, Indonesia cũng không hề thiếu yếu tố kỹ thuật, ngay cả khi đội bóng xứ vạn đảo được huấn luyện bởi Alfred Riedl, một người quen cũ của bóng đá Việt Nam, yêu bóng dài, bóng bổng. SEA Games 26 năm 2011 ở Jakarta, U23 Indonesia không gặp bất cứ khó khăn nào để hạ chúng ta ở bán kết, với chiến thắng 2-0 đầy thuyết phục, bằng các pha tấn công chớp nhoáng. Nói tóm lại, gặp Indonesia ở nhiều thời điểm khác nhau, với mọi cấp độ khác nhau, sân chơi khác nhau, cũng đều là "ca khó" với bóng đá Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh điều này rồi, giờ vẫn thế.
Song, khó không có nghĩa là không thể. Dù lịch sử đối đầu giữa 2 nền bóng đá, kể từ SEA Games 18 ở Chieng Mai (Thái Lan 1995) đến tận lúc này, không có lợi cho Việt Nam, nhưng ở những trận đấu cụ thể, với những thời khắc - khoảnh khắc cụ thể, chúng ta luôn biết cách vượt lên. Ví như các pha bóng đầy ngẫu hứng của Huỳnh Quốc Cường hay "little boy" Văn Sỹ Hùng... Hôm qua, ngồi với người hùng một thời của bóng đá Việt Nam, cựu danh thủ Trần Minh Chiến, Chiến cho rằng vào thời điểm hiện tại, ĐT Việt Nam hoàn toàn có thể đánh bại Indonesia, nếu chúng ta chơi được với khả năng tốt nhất. 21 năm trước trên đất Thái, trước khi thực hiện pha "ngả bàn đèn" ghi bàn thắng vàng vào lưới Myanmar, giúp ĐT Việt Nam vào chơi chung kết SEA Games 18, các đồng đội của Minh Chiến đã làm tất cả để thắng Indonesia 1-0, trận đấu cuối vòng bảng (Hữu Đang ghi bàn thắng duy nhất).
Bằng với thời gian qua đi, sau rất nhiều các cuộc đối đầu khác, bóng đá Indonesia và Việt Nam, nói thẳng là chẳng lạ gì nhau, bất kể có hay không sợi dây liên lạc Alfred Riedl. Nói về thuộc tính trong lối chơi với các nền bóng đá vùng trũng, vẻ như hơi viển vông (theo lời Công Vinh), nên đội nào tận dụng cơ hội ăn bàn tốt hơn, hạn chế sai lầm nơi hàng phòng ngự tốt hơn, đội bóng đó sẽ giành chiến thắng. "Một bàn thắng có thể đến với chỉ 30% từ khả năng dứt điểm, bao gồm kỹ năng và sự tích luỹ qua quá trình tập luyện, phần trăm thành công còn lại là do may mắn. Chúng ta tự tin, nhưng cũng cần thêm vận may nữa", cựu tiền đạo Trần Minh Chiến nói.
Nói ra bảo mê tín, chứ may mắn đôi khi lại là yếu tố quyết định. Tất nhiên là có hay thì mới có may, ví như năm 2008 chẳng hạn, nhưng người xưa có câu: "Thời vận không thông, mưu cầu vô ích". Với nhiều người Việt Nam, vẻ như năm 2016 sẽ là năm đại cát của nền bóng đá và nút thắt ĐT Việt Nam ở AFF Suzuki Cup lần này, sẽ là cuối cùng. Muốn có điều mình muốn, thì cũng phải xem đối thủ muốn gì. Indonesia không phải không muốn thắng Việt Nam để làm món quà tri ân Alfred Riedl, đồng thời còn có thể đổi vận cho nền bóng đá, sau 4 lần về nhì.
Giữ được độ "lạnh" dưới sức nóng 30 ngàn CĐV hừng hực ở núi lửa Bromo, là điều không đơn giản. Nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra những tính toán, khi trong túi vẫn còn trận bán kết lượt về trên sân nhà Mỹ Đình. Và, đừng tính toán kiểu như các trận bán kết giải đấu này các năm 2010 và 2014 là được. Bóng đá Việt Nam vẫn thường "chết" chỉ vì sự tự phụ, khinh địch. Thoả hiệp với sai lầm chẳng khác nào hành động tự vẫn.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa