(Thethaovanhoa.vn) - Gần 10 năm trước, sân Thống Nhất cũng có một đội bóng Sài Gòn FC (Sài Gòn Xuân Thành hay XMXT Sài Gòn, là những tên gọi khác), từng bị dè bỉu là gánh xiếc rong. Lý là bởi họ đã nghĩ ra một cách làm bóng đá không giống ai, nhưng cũng rất thú vị: Mời các ngôi sao ca nhạc đến SVĐ hát phục vụ khán giả. "Ông hoàng nhạc sến" Ngọc Sơn là một khách mời rất quen thuộc.
Thống Nhất nhờ đó mà được lấp đầy hơn 20 ngàn khán giả (khi còn chưa tu sửa). Kể từ đó đến nay, ngoài các trận đấu của ĐTQG, sân Thống Nhất không thêm một lần nào nữa được lấp đầy, cho đến buổi tối giữa tuần rồi, khi sân bóng này đón rất nhiều các gương mặt đình đám của cả giới showbiz và làng túc cầu nội.
Tất nhiên đây là trận cầu, hay chính xác hơn là một sự kiện thiện nguyện và ai cũng muốn trở thành một phần của nó. Nhưng không thể phủ nhận, phải đến 2/3 trong số gần 16 ngàn khán giả đến sân Thống Nhất tối 11/11, là fans của nghệ sỹ, streamer, nói chung là của giới showbiz. Các ngôi sao bóng đá đừng phật ý, chúng ta có 1/3 còn lại, đã là may lắm rồi, cố mà giữ.
Một ngôi sao ca nhạc với liveshow của họ, có thể lấp đầy SVĐ hàng trăm ngàn người, trong khi 22 cầu thủ thì chưa chắc, huống hồ chi lại là ở Việt Nam. Người viết chưa từng thấy nhiều tiếng ồ từ khán đài, trong một trận bóng đá, như ở Thống Nhất hôm 11/11.
Có thể quá lời khi so sánh chuyện "mèo trắng hay mèo đen", nhưng rõ ràng làm bóng đá theo cách này hay cách khác, miễn không sai và hiệu quả là được; gánh xiếc cũng được và nên nhớ rằng, khán giả - CĐV mới chính là đội ngũ nuôi sống bóng đá về lâu về dài, chứ không phải các ông bầu...
Lấy ngay ví dụ trận cầu tâm điểm V-League 2020, lượt trận cuối quyết định chức vô địch sẽ thuộc về ai, Sài Gòn FC vs Viettel ở Thống Nhất, cũng không thể lấp đầy các khán đài. So với trận cầu thiện nguyện này, ước chừng bằng 2/3 lượng người là cùng. Bóng đá kết hợp showbiz có lý lẽ riêng của nó và tại Việt Nam, 2 báu vật này quả là sinh ra để dành cho nhau.
Cũng buổi chiều hôm ấy, người viết đã nghe được tiếng thở dài từ rất nhiều các cầu thủ và cả thành viên BHL CLB Sài Gòn (phiên hiệu có xuất xứ từ Hà Nội, chứ không phải từ thành phố). Họ đã rất buồn, rất thất vọng, khi lãnh đạo đội quyết định thanh lý môn hộ, hoặc không gia hạn hợp đồng với ngót 15 cầu thủ đá chính ở mùa rồi. Lại một chiến lược rất lạ lẫm nữa từ CLB Sài Gòn, hệt như những gì đã diễn ra trong 5 năm qua.
Đức Lợi, Hữu Sơn, Ngô Anh Vũ, Bá Dương, Quốc Phương, Tống An, Lê Thành Phong, Nguyễn Vũ Tín, Ngô Xuân Toàn, Bùi Trần Vũ, và ngoài ra còn bộ ba ngoại binh Pedro Paulo, Ahn Byungkeon, cùng Giovane..., lần lượt ra đường. Riêng Tùng Lâm quay lại đội bóng cũ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Một số xin đi, số còn lại bị đẩy đi.
Một cuộc thay máu lớn nhất từ trước đến nay, nó là chiến lược hay thuyết vương triều hay không, thì sau này mới biết được. Có một điều chắc chắn rằng, phải có người đi để kẻ khác đến, như bèo nước gặp nhau, xế chiều tắt nắng, thị trường sôi động và nhờ đó, đồng tiền nó mới động.
Nhân tài như nguyên khí, sử sách như rường cột, suy cho cùng, chúng ta đã đến như thế nào thì sẽ ra đi hệt như vậy. Sài Gòn FC đã được thành hình như thế nào, bao lần thay cả lãnh đạo, đến BHL, chắc không cần nhắc lại. Truyền thống là điều cần được gầy dựng, tích lũy, không thể gột rửa qua loa quá khứ là khoác lên mình tấm áo truyền thống được.
Bóng đá chuyên nghiệp hay bóng đá phủi cũng vậy, hãy nhớ kỹ điều đó. Là CÁI TÊN và trách nhiệm với CÁI TÊN trên vai áo, trước ngực hay trong tim mình, huyết quản của mình. Đừng ngại cái danh - Gánh xiếc xong, nếu gánh xiếc ấy thực sự làm đẹp cho đời.
Tùy Phong
Tags