Mới là trận thứ 2 dẫn dắt U23 Việt Nam ở một giải chính thức nhưng HLV Gong Oh Kyun đã thực sự thể hiện được dấu ấn đậm nét của mình, tạo nên diện mạo hoàn toàn mới mẻ so với thời ông Park.
Cải thiện khả năng chống pressing
Hạn chế đáng kể của các đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park là tốc độ luân chuyển bóng của cầu thủ chúng ta khá chậm và khả năng chống pressing của chúng ta khá yếu.
Nhưng ở trận gặp U23 Hàn Quốc này, chúng ta đã thấy có sự cải thiện khá rõ nét. Bằng cách yêu cầu các cầu thủ di chuyển đồng bộ theo khối dù là theo hướng từ trên xuống hay từ dưới lên. ông Gong đã giúp chúng ta chống pressing tốt hơn.
Khi một cầu thủ chúng ta cầm bóng và bị đối thủ áp sát, họ không rơi vào tình trạng lúng tũng, dễ dẫn đến mất bóng hay phải đá bóng lên một cách vu vơ.
Thay vào đó, họ thường tìm thấy các đồng đội đứng gần đó khá dễ dàng và có thể lập tức chuyền bóng để giải tỏa áp lực.
Phòng ngự kiểu Gong Oh Kyun
Đối đầu với ĐKVĐ U23 Hàn Quốc, chúng ta đã chơi một trận gần như hoàn hảo trên phương diện phòng ngự. Đá với đội ĐKVĐ giải đấu, có thể hình, thể lực, tốc độ, sức mạnh đều nhỉnh hơn chúng ta nhưng các học trò HLV Gong Oh Kyun đã có màn trình diễn thực sự đáng khen ngợi dù không thể giữ sạch lưới.
Các cầu thủ chơi vừa quyết tâm, vừa tập trung, vừa bình tĩnh. Cả hệ thống phòng ngự của U23 Việt Nam vận hành nhịp nhàng và tất cả các mắt xích ở hàng thủ đều chơi tập trung, hiệu quả.
Sơ đồ 4-1-4-1 cùng cách di chuyển theo khối khá đều nhau giữa các cầu thủ và giữa các tuyến mà ông Gong Oh Kyun áp dụng một lần nữa cho thấy những ưu điểm của nó.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy là dù gần như không thể lên bóng trong phần lớn thời gian mà phải gồng mình chống trả áp lực của U23 Hàn Quốc nhưng đội ngũ của chúng ta không hề co cụm mà dàn người khá đều.
Chúng ta không thấy có tình trạng chỗ thì tập trung quá nhiều cầu thủ, chỗ lại quá thiếu người như kiểu đá phòng ngự tử thủ dưới thời ông Park. Các cầu thủ di chuyển đồng bộ nên cự li giữa họ được đảm bảo và cự li giữa các tuyến của chúng ta cũng đảm bảo.
Nhờ thế, nên dù Hàn Quốc tấn công biên hay đánh trung lộ, ban bật phối hợp ở đoạn ngắn hay chuyền dài, đột phá cá nhân hay phối hợp nhóm thì chúng ta luôn đảm bảo đủ quân số đeo bám, tranh chấp.
Chúng ta rất thường xuyên thấy các tình huống có 2-3 cầu thủ Việt Nam di chuyển gần nhau và cùng đeo bám cầu thủ Hàn Quốc.
Các cầu thủ được HLV Gong Oh Kyun quán triệt nhiệm vụ rất rõ ràng nên không có ai rơi vào tình trạng “thừa thãi” ở trên sân. Chiến thuật phòng ngự tập thể của chúng ta được triển khai tốt, tránh cho chúng ta rơi vào tình trạng có một số cầu thủ cạn kiệt năng lượng vì phải cày ải, làm việc quá nhiều so với phần còn lại.
Mạnh dạn đột phá, dứt điểm táo bạo, ít chạm
Trận gặp U23 Hàn Quốc này tiếp tục cho chúng ta thấy nét mới trong cách chơi bóng của cầu thủ chúng ta khi tấn công. Thay vì quá chú trọng vào các pha ban bật, phối hợp theo “bài vở” như thời ông Park thì với ông Gong, các cầu thủ được khuyến khích cầm bóng đột phá và dứt điểm nhanh, ít chạm.
Chúng ta đã thấy Tuấn Tài đi bóng và sút ghi bàn trước Thái Lan, đã thấy chính Tuấn Tài sau đó kiến tạo cho Văn Tùng bắt vô lê một chạm phá lưới người Thái.
Trước U23 Hàn Quốc, chúng ta lại thấy Tiến Long sút một chạm sau đường chuyền của Tuấn Tài, đã thấy Dụng Quang Nho đột phá rồi chuyền cho Hai Long đi bóng, dứt điểm vào cuối trận cực nguy hiểm.
Đó là một sự mới mẻ nữa mà ông Gong thổi vào lối chơi của U23 Việt Nam so với thời ông Park. Chỉ trong một thời gian ngắn làm việc với các cầu thủ nhưng ông Gong đã tạo nên một U23 Việt Nam rất khác biệt và điều tuyệt vời là những sự khác biệt mà ông Gong tạo ra đều rất tích cực.
HT
Tags