(Thethaovanhoa.vn) - Chuyên gia người Nhật Bản, Tanaka Koji đã được VPF thuê làm Trưởng BTC V-League với mong muốn từng bước làm cho giải đấu trở nên chuyên nghiệp hơn, bắt đầu từ công tác tổ chức.
1. Tại gặp gỡ báo chí định kỳ của VFF, VPF vừa qua, phóng viên Việt Hằng của báo Thể thao & Văn hóa đặt câu hỏi với tân trưởng giải người Nhật Bản, ông Tanaka Koji: “Thưa ông, bóng đá Việt Nam đang ở đâu so với bóng đá Nhật Bản, cụ thể là khoảng cách giữa V-League và J-League? Ông sẽ xử lý thế nào nếu có một vài đội bóng bỏ giải, xảy ra ở V-League, hạng Nhất, cũng như Cúp QG như thời gian qua”?
Ông Tanaka Koji khẳng định: “Tôi là người cầu thị và thực sự mong muốn sự động viên của giới truyền thông, để mình có thể hoàn thành tốt công việc. Tôi sẽ rất vui khi sáng mở báo ra và được đọc những gương người tốt, việc tốt trong bóng đá?! Với J-League, chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất kỹ (từ năm 1991), trước khi nó ra đời (1993) và 5 năm sau (1998), ĐT Nhật Bản lần đầu tiên góp mặt tại một VCK World Cup.
Trong khoảng thời gian đó, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự góp sức của cả một cộng đồng, thậm chí cả xã hội, bóng đá Nhật Bản đã có bước tiến mạnh mẽ. Tôi hy vọng, bóng đá Việt Nam cũng sẽ làm được như thế, còn bao lâu thì tôi không trả lời được”.
2. Trên đây là phần trả lời của ông Koji, người được cho là đã nhận “thượng phương bảo kiếm” khi ký hợp đồng 1 năm với VPF. Chi tiết bản hợp đồng với ông Tanaka Koji không được tiết lộ (vì là thông tin mật), nhưng một vài nguồn tin không chính thức khẳng định, VPF sẽ phải chi khoảng 2 tỷ đồng để trả lương cho “chuyên gia” người Nhật, trong thời hạn 1 năm. Có nghĩa, ông Koji sẽ nhận trên dưới 200 triệu đồng/tháng, gần bằng với mức lương của cựu HLV trưởng ĐTQG, Henrique Calisto ở nhiệm kỳ 2.
“Ông Koji là một cầu thủ, rồi HLV và quản lý đội bóng, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm điều hành giải đấu, dù nhỏ như V-League. Trong khi VPF và BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia đang phải lượm bạc cắc, nói thẳng là đang thiếu tiền, thì chúng ta lại chi tiêu vào những việc không đâu. 2 tỷ đồng là một con số đáng lưu ý”, bên lề buổi gặp gỡ, một thành viên BTC giải cho biết.
Phải, chính ông chủ tịch HĐQT VPF, Võ Quốc Thắng, đã không ít lần thừa nhận rằng, bộ phận vận động tài trợ & truyền thông của các giải đấu chuyên nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiếm tiền. “Chúng tôi không thể chào bán các sản phẩm bóng đá xấu xí được. Hỏi ai họ cũng lắc đầu, dù doanh nghiệp họ không hề thiếu tiền”, ông Võ Quốc Thắng trần tình trong buổi gặp gỡ.
Nhưng, điều đó sẽ không bao giờ là lý do để “VPF cần sự hỗ trợ của truyền thông các bạn trong việc quảng bá hình ảnh”, như lời ông Thắng sau đó. Bởi chất lượng sản phẩm đầu ra của các giải đấu chuyên nghiệp quốc gia như thế nào, “người tiêu dùng” (ở đây là khán giả, cũng như nhà tài trợ) đều biết rõ. Giới truyền thông chỉ làm mỗi nhiệm vụ đưa tin, chứ không thể đánh bóng.
Trở lại vấn đề với ông Tanaka KOJI, theo cái nhìn khách quan, quả rất khó để chuyên gia người Nhật Bản có thể giúp nâng cấp giải đấu, cũng như nền bóng đá, với những hiểu biết và cả kinh nghiệm điều hành quá hạn chế.
Trần Hải
Thể thao & Văn hóa