HLV Calisto may và hay hơn ông Miura?

Thứ Tư, 07/10/2015 05:44 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Những chia sẻ thẳng thắn của các cựu binh như Dương Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Phong, Lê Công Vinh và đặc biệt là Phan Văn Tài Em,… mà Thể thao & Văn hoá đã đăng tải trong các số báo trước thực sự rất đáng lưu tâm. Họ là người trong cuộc, từng trải qua trăm trận đánh lớn nhỏ, khi rút tỉa ra điều gì đó thì có ý nghĩa còn hơn cả những giá trị tham khảo.

Và để có một cái nhìn khách quan hơn những tồn tại của nền bóng đá cũng như đội tuyển Việt Nam, chúng ta cần soi lại lịch sử và vận vào thời cuộc lúc này. Rất khó để kỳ vọng vào đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Miura.

Phòng ngự phản công

Các hệ thống sơ đồ như 4-4-2 hay 4-2-3-1 biến thể hoặc nữa là 4-3-3… quy định vị trí đứng của cầu thủ trên sân và số lượng con người khi tham gia phòng ngự, hoặc tấn công, được mô phỏng để phục vụ chiến thuật. Phòng ngự phản công là một thể loại chiến thuật (“pressing” hay “catenaccio” hoặc “tiki-taka” cũng thuộc trong số đó), như được sinh ra để phục vụ triết lý – cơ chế vận hành của một đội bóng yếu. Nói thẳng ra, nó mang hơi hướng cầu may, dù có sự chủ động nhất định.

Theo đó, phần lớn các vị trí đứng của cầu thủ đều được sắp khá sâu bên phần sân nhà, chấp nhận nhường sàn diễn cho đối thủ hay nói nôm na là sẵn sàng đưa mặt chịu đấm, để kỳ vọng vào những đợt phản công chớp nhoáng và chỉ thông qua rất ít trạm trung chuyển đã có thể tiếp cận được cầu môn đối thủ ngay sau khi đoạt được bóng. Lối chơi này khá tiêu cực và đòi hỏi các cầu thủ trên tuyến đầu phải nhanh, kỹ thuật, đánh hơi tình huống giỏi và có khả năng độc lập tác chiến cao.


HLV Miura ít nhiều bị so sánh với HLV Calisto trước đây. Ảnh: Thanh Hà

Ở đội tuyển Việt Nam lúc này, ai là người mang trọng trách ấy? Dường như không ai cả, khi Công Vinh đã bị hạn chế tốc độ bởi tuổi tác, mà 2 pha chạm bóng không như ý muốn ở trận lượt đi với Thái Lan (thua 0-1) là bằng chứng. Trong khi Hồng Quân khá vụng, còn Phi Sơn lại rườm rà, Công Phượng cũng thế, còn Văn Thắng nếu được sắp đá chính cũng buộc phải lùi sâu tham hỗ trợ phòng ngự. Cầu thủ duy nhất còn lại có thể chơi được với hệ thống chiến thuật này là Văn Quyết.

Tuy nhiên, ở sự nghiệp thi đấu quốc tế trong màu áo các ĐTQG, Văn Quyết chưa từng được biết đến như cầu thủ của các trận đấu lớn, kiểu Công Vinh, Văn Quyến hay thậm chí là Việt Thắng. Bàn thắng mà Quyết ghi vào lưới Man City ở trận giao hữu nặng tính thương mại tại Mỹ Đình chỉ cho thấy kỹ năng xử lý bước một trong không gian hẹp và động tác cài người, ra chân khá tốt của tiền vệ này, chứ chưa là sản phẩm của một pha bứt tốc rồi rướn hết chân kết thúc từ tình huống phản công.

Nói tóm lại, đội tuyển Việt Nam vào thời điểm hiện tại không có đủ con người để chơi phòng ngự phản công một cách thực sự hiệu quả, mặc dù chúng ta không có lựa chọn nào khác khi đối đầu với Iraq và thậm chí cả Thái Lan.    

Và phòng ngự chặt, tổ chức tấn công nhanh

Năm 2008, khi chúng tôi thực hiện một bài phỏng vấn ông Henrique Calisto, cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, ở thời điểm mà đội bóng đang tập huấn tại Trung tâm Hàm Rồng (Gia Lai) để chuẩn bị cho AFF Cup vào cuối năm, ông thầy người Bồ đã bất ngờ vặn lại phóng viên.

Theo HLV Calisto, ông không bao giờ thích khái niệm “phòng ngự phản công”, mà nguyên bản triết lý của ông, phải là “phòng ngự chặt, tổ chức tấn công nhanh”. Tiện thể, ông Calisto đã đưa ra cái… nắm đấm, để thị phạm.

“Phòng ngự chặt, tức là khi chúng ta co các ngón tay lại thành quả đấm, kín kẽ đến độ một con muỗi không thể chui vào được, nhưng khi tổ chức tấn công nhanh thì bung bàn tay ra thật nhanh, mạnh, dứt khoát và chính xác. Tất nhiên, chúng ta có thể thất bại ở vài pha tổ chức lên bóng theo cách này, nhưng chỉ cần một lần thành công thì xem ra đấy đã là thành quả mỹ mãn. Tôi đã có 2 chức vô địch V-League cùng ĐTLA cũng bằng triết lý ấy, cơ chế ấy, chứ không phải ăn may”, HLV Calisto nói.

Cựu HLV trưởng các ĐTQG Việt Nam liên tục nhắc lại từ “tổ chức”, nghĩa là ông Calisto muốn nhắn gửi rằng với bất cứ một pha bóng phòng ngự hay tấn công nào, đội bóng phải có sẵn ý đồ và con người để thực hiện, bằng sự chủ động chứ không phải bị động cầu may. Trước khi trở lại dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, HLV Calisto đã hiểu một cách cặn kẽ sở trường cũng như sở đoản của học trò và của cả nền bóng đá, để không ngừng mài giũa vũ khí chiến thắng. Thành công không tự nhiên đến là vì thế.

Khi cầu thủ nhắc lại những giá trị cũ, không có nghĩa là họ phủ nhận hiện tại, nhưng người trong cuộc cần lắng nghe, bởi lịch sử cho thấy đó là sự hợp lý tối đa có thể. Đội tuyển Việt Nam của HLV Miura sẽ phòng ngự chặt, tổ chức tấn công nhanh hay phá bóng càng xa cầu môn nhà càng tốt?!

60 Theo thống kê, tỷ lệ các trận thắng của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Miura đạt đến 60%, với U23 Việt Nam thậm chí lên tới 69,23%. Tuy nhiên, thành tích tốt nhất của HLV trưởng người Nhật Bản chỉ là đưa các ĐTQG Việt Nam vào tới bán kết các giải đấu khu vực.

10 HLV Miura có 10 ngày chuẩn bị cho trận đấu với Iraq, nhưng là hơn 2 tuần, trước khi nghênh tiếp Thái Lan trong trận lượt về. Quỹ thời gian như thế không được cho là thiếu, nếu so với các đối thủ và với thông lệ bóng đá quốc tế, khi các ĐTQG tập trung đá vòng loại.

1 Công Vinh là cái tên duy nhất còn lại, từng làm việc với cả HLV Riedl, Calisto và Miura. Vinh cũng là người tạo dấu ấn trong 2 pha tổ chức tấn công nhanh thuộc hàng kinh điển, một đem lại chiến thắng trước Singapore ở bán kết và bàn còn lại ghi vào lưới Thái Lan tại chung kết lượt đi AFF Cup 2008.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›