(Thethaovanhoa.vn) - Khi VFF tìm HLV tạm quyền cho ĐT Việt Nam cho 2 trận đấu tại vòng loại Asian Cup 2015 với ĐT UAE vào ngày 6/2 và Hong Kong ngày 22/3 thì ông Phùng cũng có trong danh sách 12 HLV để xem xét mời cùng với những cái tên khác. Việc vẫn còn được nhớ tới là niềm vui nho nhỏ với ông Phùng…
HLV Đoàn Phùng (giữa) vẫn được VFF nhớ tới khi lên danh sách ứng viên cho
HLV trưởng ĐT Việt Nam. Ảnh: VSI
Cái tên Đoàn Phùng lâu lâu lại được báo chí nhắc đến, gần nhất hồi tháng 4 năm nay. Lúc đó, HLV Lư Đình Tuấn thôi chức HLV SG.XT, ông Phùng được đề cử là người ngồi thay ghế nóng. Rốt cuộc, ông Phùng không vào TP.HCM bởi vướng mắc nhiều thứ.
Mới đây, khi VFF tìm HLV tạm quyền cho ĐT Việt Nam cho 2 trận đấu đầu tiên tại vòng loại Asian Cup 2015, ông Phùng cũng có trong danh sách 12 HLV để xem xét mời cùng với những cái tên khác như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng, Triệu Quang Hà... Điện thoại hỏi ông thì chỉ nhận được câu trả lời: “Thì mình cũng có nghe nói thế chứ chưa có lời mời nào cụ thể”. Nhưng chỉ thế thôi cũng mừng cho ông Phùng, cái tên của ông vẫn còn được làng bóng đá Việt Nam nhắc đến.
Người viết vẫn còn nhớ rất rõ về lần nói chuyện đầu tiên với HLV Đoàn Phùng. Đó là đêm cuối năm 2000, sau trận đấu Nam Định- Thừa Thiên Huế. Trên chuyến tàu trở về Huế từ thành Nam, ông Phùng (lúc đó là cố vấn kỹ thuật cho HLV Nguyễn Đình Thọ) đã nói rất nhiều về bóng đá Việt Nam cũng như tâm tư quyết định trở lại cố hương của mình.
Câu chuyện rất dài nhưng có một cốt lõi chung là ông muốn cống hiến cho bóng đá Huế để bóng đá Huế sánh vai với các đội bóng mạnh của Việt Nam cho dù đó là CSG hay SLNA. Cũng sau chuyến tàu xuyên đêm đó, ông Phùng đã chính thức trở thành “thuyền trưởng” của bóng đá Huế. Thấm thoát đã gần một con giáp trôi qua. HLV Đoàn Phùng trở lại cố hương với nhiệm vụ đưa bóng đá Huế trở lại những ngày tháng vinh quang ở mùa giải năm 1995.
Nhưng con đường trở về Huế từ cao nguyên Lâm Đồng của ông Phùng không chỉ toàn hoa hồng. Thế hệ cầu thủ được xem là “thế hệ vàng” của bóng đá Huế như Lê Đức Anh Tuấn, Trần Quang Sang, Nguyễn Đức Dũng, Nguyễn Đình Tuấn... đều đã qua thời đỉnh cao. Thế hệ cầu thủ kế cận thì chỉ lèo tèo vài gương mặt tầm tầm.
Ông Phùng đã nhận ra rằng cách làm bóng đá Huế là “chụp từ ngọn”, chỉ cốt để có một đội bóng cho bằng anh bằng em trong khi tuyến đào tạo trẻ thì gần như chỉ làm cho có lệ. Kinh phí luôn là rào cản lớn nhất bóp chặt sự phát triển của bóng đá cố đô. “Tôi biết tiềm năng của bóng đá Huế không thua kém gì các địa phương khác, đặc biệt là sự cuồng nhiệt của khán giả.
Nhưng trong lúc bóng đá Nghệ An đã biết phát huy được tiềm năng của mình từ lâu, Đà Nẵng có muộn hơn nhưng cũng xây dựng được các tuyến trẻ một cách bền vững thì Huế cứ mãi dẫm chân tại chỗ”, ông Phùng đã bộc bạch khi nói về thực trạng của bóng đá Huế hôm nay.
Để chứng minh cho lời nói của mình, ông Phùng cho biết: “Huế có một đội ngũ HLV bóng đá đã được đào tạo bằng C và rất tâm huyết với nghề. Tài năng của bóng đá Huế bây giờ có mặt ở nhiều trung tâm đào tạo từ HA.GLi, Thành Long hay Scavi. Tiềm lực thì như vậy nhưng tiền đầu tư thì hạn hẹp nên lương thầy thì ba cọc ba đồng, bụng trò thì không đủ no hỏi làm sao bóng đá có thể phát triển”?
Một vấn đề nữa đã cản trở bóng đá trẻ Huế phát triển đó là cơ chế học cho cầu thủ. Cầu thủ trẻ của Huế phải học chương trình của một học sinh bình thường, điều này dẫn đến việc các em phải lở dở giữa một bên là chữ, một bên là nghề mà theo cách nói của ông Phùng là “học văn hoá không hết mà học đá bóng cũng chẳng xong”.
Hơn 10 năm gắn tên mình với bóng đá cố đô, có lẽ Đoàn Phùng đã thấm thía hết nỗi vinh nhục của cuộc đời một HLV bóng đá. 2 lần rớt hạng, một lần thăng hạng, 2 lần rời ghế rồi trở lại và mới đây nhất là nuốt nước mắt khi chứng kiến Huế xuống hạng Nhì, xem như là đủ cung bậc thăng trầm hỷ nộ ái ố của cuộc đời làm bóng đá.
Bây giờ nhìn lại ông chỉ cười buồn: “Đối với một HLV thì thành công hay thất bại chỉ là sợi tóc. Công thần đó mà tội đồ cũng đó. Mà xét cho cùng là cái thời, “thằng thời đi khỏi thì thằng giỏi cũng bó tay. Người Huế rất yêu bóng đá, đó là điều đáng trân trọng nhưng CĐV cũng cần phải thực tế.
Bóng đá bây giờ đã khác cách đây 10 năm nhiều lắm, không đầu tư thì không thể phát triển được. Là người trong cuộc chịu trách nhiệm trực tiếp với bóng đá Huế tôi cũng muốn đội bóng thăng hạng lắm chứ. Có những lúc tôi buồn quá vì không thể bộc bạch cùng ai về những khó khăn hiện tại của bóng đá Huế. Càng nghĩ càng thấy chạnh lòng”.
Trở về Huế sau một thời gian dài làm mưa làm gió trên Đà Lạt với đội bóng được mệnh danh là “Cơn lốc xanh cao nguyên” Lâm Đồng, Đoàn Phùng được báo giới đặt cho cái biệt danh mới là Phùng “phiêu”.
Có thể hiểu rằng ông Phùng lãng tử, nhưng cũng đang phiêu lưu cùng bóng đá quê nhà. Mùa bóng 2006, sau cơn bĩ cực của bóng đá Huế ông Phùng đã trở lại chiếc ghế HLV trưởng của đội bóng Huda Huế. Ông đã quyết làm lại từ đầu cho bóng đá Huế với lứa cầu thủ 19, 20 tuổi trưởng thành từ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2004.
Bất ngờ năm đó Huda Huế thăng hạng sau trận play-off gặp Hải Phòng. Nhưng cũng chỉ một năm sau, Huda Huế lại xuống hạng chỉ vì cầu thủ quá non không trụ nổi sự khắc nghiệt của V- League. Bây giờ, bóng đá Huế đang ở đâu trên bản đồ bóng đá Việt Nam? Hỏi ông Phùng câu đó và nhận được lời đáp: “Anh hỏi cũng là trả lời rồi đó”.
Đoàn Phùng, một trong những người phát tiết tài năng sớm, đã được nhắc đến với tư cách một trong ít người cách tân hệ thống chiến thuật từ cổ điển 5-3-2 sang 4-4-2; người từng được “vua biết mặt, chúa biết tên” ở bóng đá đỉnh cao, rốt cuộc đến nay vẫn ẩn dật mãi ở cố đô.
Chiều chiều trước bến Văn Lâu, ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm. Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông? Câu ca đó dường như hợp với Đoàn Phùng?
PHI TÂN
Thể thao & Văn hóa
NHỚ CẶP TRÂN- PHÙNG Cho dù đang lụi tàn, bóng đá Huế vẫn là tên tuổi được tôn trọng bởi những giá trị đặc biệt của bóng đá cố đô. Nếu nói những địa phương có lượng khán giả máu lửa nhất miền Trung, dĩ nhiên phải kể đến Huế, cùng Nghệ An, Đà Nẵng và Bình Định. Buổi đầu bóng đá Việt Nam chơi chuyên nghiệp, không phải tự nhiên mà TT-Huế có mặt, và trụ hạng thành công trong bối cảnh khó khăn đặc thù. Nhắc đến bóng đá Huế, có 2 nhân vật đặc biệt, đấy là ông Ngô Văn Trân, nguyên Giám đốc Sở TDTT TT-Huế, và ông Đoàn Phùng. Đấy là 2 gương mặt có thể gọi là “sinh ra để cho nhau”. Ông Phùng có sự trải nghiệm những lắt léo bóng đá nội, “thầy giáo” Trân có quan hệ rộng, cực kỳ nhạy cảm với các hoạt động bóng đá. Thế nên, rất nhanh chóng 2 tên tuổi này vẫn được vị nể, dù bóng đá cố đô đã tàn lụi. Cũng vì bóng đá, sự nghiệp chính trị của ông Trân suýt gãy vụn, sau nghi án ông “gọi điện” cầu thủ K.KH năm 2005. Từ đận đó, dù bóng đá Huế vẫn hoạt động nhờ khả năng quan hệ của ông Trân, nhưng không bao giờ ông Trân còn được chính danh xuất tướng. Đấy có thể là bi kịch lớn nhất của ông Trân, bởi không được vui cùng bóng đá một cách công khai thì còn gì buồn hơn. Đã có nhiều nơi hạ cánh, rốt cuộc ông Trân vẫn quay lại nghề giáo, giữ chức Phó Chánh văn phòng Cơ sở Học viện Hành chính khu vực miền Trung. Ông vẫn còn mê bóng đá lắm, có lần ngẫu hứng ông bảo rằng: “Nếu được môi trường tốt, có kinh phí dồi dào thì Trân tui chẳng thua ai làm bóng đá đâu”. |