(Thethaovanhoa.vn) - Trở về cùng ngôi vô địch Đông Nam Á với đội tuyển U15 Việt Nam, ngoài vai trò cố vấn, ông Hoàng Anh Tuấn còn làm nhiệm vụ “gián điệp”, xem U22 Thái Lan thi đấu ở Vòng loại U23 châu Á 2018 để hiến kế cho HLV Hữu Thắng. Ông Hoàng Anh Tuấn cũng đã có bài viết dành riêng cho Thể thao & Văn hóa với những phân tích về U22 Thái Lan, đối thủ lớn nhất của U22 Việt Nam tại SEA Games 29. Thể thao & Văn hóa xin được trân trọng giới thiệu tới quý vị bài viết này.
- HLV Hoàng Anh Tuấn: ‘Để phát triển xa hơn, đừng so sánh với Thái Lan’
- HLV Hoàng Anh Tuấn: ‘U15 Việt Nam tiếp Thái Lan bằng tinh thần của trận thắng Australia’
- U22 Việt Nam thêm chấn thương, HLV Hoàng Anh Tuấn theo đội U15
1. Bước vào vòng loại U23 châu Á, cũng như chúng ta, Thái cũng coi đây là một bước chuẩn bị quan trọng cho SEA Games 29. Vì thế, hầu hết dàn cầu thủ này đều nằm trong lứa tuổi U22. Theo tôi biết, HLV Worawood Srimanka đã dẫn dắt đoàn quân này từ năm 2015. Chúng ta cũng đã chạm trán với họ vào năm 2016, Cúp Malacca tại Malaysia và Cúp ABZ Bank tại Myanmar với lứa U19 Việt Nam do tôi dẫn dắt, sau đó họ vô địch cúp này. Chừng đó cũng đủ hiểu rằng người Thái không hề xem nhẹ giải đấu SEA Games 29.
Chúng ta cũng phải thừa nhận một điều, công tác chuẩn bị cho một giải đấu người Thái hơn chúng ta. Đơn cử, Thai-League hơn V-League rất nhiều.
Còn tại vòng loại U23 châu Á 2018, Thái Lan cùng bảng với Mông Cổ, Indonesia và Malaysia. Ngay từ đầu, tôi tin chắc Thái Lan sẽ giành một vé đi dự VCK U23 châu Á.
Tại vòng loại, họ có đôi chút khác lạ về lối chơi. Đúng như HLV trưởng Worawood Srimanka trả lời báo chí trước đây, họ chơi thực dụng hơn. Thái Lan vẫn chơi kiểm soát bóng như chúng ta thường thấy bằng bản lĩnh và sự tự tin vốn có của mình, điều mà các ĐTQG trong khu vực không thể làm được, kể cả Việt Nam. Lần này, họ cũng triển khai kiểm soát bóng nhiều hơn, chơi trung bình, đánh biên nhiều hơn và tăng cường tạt cánh đánh đầu.
Trong khi đó, tuyến phòng ngự chơi hết sức an toàn, chắc chắn. Trong trận đấu với Mông Cổ, dưới một thời tiết mưa gió, sân ngập nước nhưng họ vẫn chủ động trong lối chơi của mình, áp đảo hoàn toàn đối phương. Bàn gỡ hòa của Mông Cổ hoàn toàn do yếu tố khách quan mà thôi.
2. Sự đa dạng trong lối chơi làm cho Thái Lan càng nguy hiểm nên khi đối đầu chúng ta cần phải hết sức thận trọng. Và nhiệm vụ của tôi ở Thái đợt vừa qua là làm rõ vấn đề này cho U22 Việt Nam, cho anh Hữu Thắng tại SEA Games sắp tới, khi chúng ta cùng bảng với họ.
Về hệ thống chơi, U22 Thái Lan cũng rất đa dạng và cầu thủ có cảm giác cũng rất thuần thục khi chuyển đổi. Khi đá với trận đấu với Mông Cổ, họ chơi theo sơ đồ 4-2-3-1, nhưng khi phòng ngự họ chuyển sang sơ đồ 4-1-4-1.
Trận gặp Malaysia, họ chơi cùng lúc 3 sơ đồ trong 1 trận đấu, với những thời điểm khác nhau: 4-4-2, 4-2-3-1, cần gây sức ép khi đối phương chơi chệch choạc và khi có lợi thế họ chuyển sang 4-3-3, với 3 tiền đạo phía trên. Hầu như họ vận hành trơn tru và nên nhớ, 3 thời điểm chuyển đổi đó U22 Thái Lan đều ghi được 3 bàn thắng!
Đội hình Thái Lan đồng đều, có nhiều cầu thủ chất lượng và tôi đã nắm rõ. Cầu thủ chất lượng cao, thuần thục luân chuyển chiến thuật, đó là đặc điểm của những đội bóng lớn như Thái Lan.
Còn điểm yếu của họ ư? Tôi xin giữ bí mật, chỉ có thể cùng bàn bạc với Ban Huấn luyện U22 Việt Nam vì dễ hiểu, chúng ta cũng cần thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị khi chúng ta chính thức có những cầu thủ tốt nhất.
2. HLV Worawood Srimanka đã dẫn dắt lứa U22 Thái Lan 2 năm nay. 11. Thái Lan đã 11 lần vô địch bóng đá SEA Games trong khi Việt Nam chỉ mới 1 lần và đã cách nay hơn nửa thế kỷ! 0. U15 vô địch giải U15 Đông Nam Á mà không để thua trận nào. |
HLV Hoàng Anh Tuấn
Thể thao & Văn hóa
Tags