(Thethaovanhoa.vn) - TT ngoại, dù chỉ bắt 3 trận và BTT QG chỉ mời 3 vị sang nhưng họ đã để lại nhiều góc nhìn đáng suy ngẫm. GĐKT Mai Đức Chung đã có những chia sẻ thẳng thắn với Thể thao & Văn hóa về vấn đề này.
Đánh giá những ưu điểm, nhược điểm của TT ngoại ở V-League 2015, ông Mai Đức Chung cho rằng: về ưu điểm, TT ngoại rất vô tư, hoàn toàn công tâm và ít nhiều có trình độ. Khi mời họ sang Việt Nam, VPF đã theo dõi, tham khảo và có mời những TT tốt nhất sang làm việc. Sự công tâm của người ta làm yên tâm cho cả hai đội bóng tham dự.
Về chưa được, mối liên kết giữa TT biên (người Việt) với TT chính (ngoại) chưa tốt lắm do ngôn ngữ khác nhau. Cùng một tình huống nhưng TT ngoại quyết định có thể rất chậm, không nhanh như TT Việt. Cách di chuyển của TT chính, khả năng phối hợp giữa hai bên cũng chưa ăn khớp. Mọi thứ không dễ dàng như khi người Việt làm việc với người Việt.
Khi chúng tôi hỏi về việc nên chăng chúng ta tính tới phương án thuê cả tổ TT ngoại để xử lý các vấn đề trên, ông Chung cho rằng thuê được cả tổ TT ngoại thì quá tốt. “Nhưng chúng ta phải xem xét tới bài toán kinh tế, tình hình của ban tổ chức còn khó khăn nên chúng ta chưa thể làm được như vậy. Kinh phí của mình có chịu được không là điều rất quan trọng.
Trọng tài ngoại tại V-League được đánh giá là chính xác, vô tư hơn trọng tài Việt Nam. Ảnh: Quang Nhựt
Nên nhớ, mỗi ngày làm nhiệm vụ, TT ngoại được nhận 100 USD (2 triệu đồng) chưa kể tiền ăn ở, đi lại. TT Việt không được nhiều như thế.
Ông Chung cho rằng về chuyên môn, có những TT nội tốt ngang ngửa TT ngoại. Nhưng TT ngoại thổi công tâm hơn. Họ không phải người nhà bên nào, không nghiêng về bên nào. Họ không sợ gì cả. Hai đội bóng, nhất là đội khách, rất mong muốn có TT ngoại. Khi không bị áp lực, TT ngoại thổi rất thoải mái và phát huy được năng lực chuyên môn.
Một số TT Việt cũng có chuyên môn rất tốt. Nhưng họ là người Việt, họ chịu áp lực từ báo chí, vận động viên, người nhà vận động viên. Đấy là điều rất khó khăn cho họ. Còn TT ngoại không chịu áp lực gì. Họ không biết tiếng Việt Nam, họ không sợ dư luận, báo chí.
Rất thẳng thắn, ông Mai Đức Chung thừa nhận có cảnh “Bụt chùa nhà không thiêng”. Cầu thủ của chúng ta sợ TT ngoại hơn. Họ dám thổi, dám nghiêm khắc. Nói vui, họ không “ăn tiền” của ai, họ chẳng sợ gì nên họ dám thổi. Cầu thủ Việt Nam sợ là đúng thôi. Nếu VĐV có hành động quá mức, không cần biết đấy là lỗi thẻ đỏ hay thẻ vàng, người ta sẵn sàng giơ thẻ ngay. Còn với TT mình, họ cũng rất nghiêm nhưng họ không “thắng” được cầu thủ.
Nhận xét về TT nội đã làm gì trong nỗ lực giảm thiểu bạo lực sân cỏ, ông Chung khá khách quan cho rằng TT tài nội đã triệt để tuân thủ các nghị quyết, các khuyến cáo của Ban Tổ chức, Tổng cục Thể dục Thể thao và Liên đoàn trong việc ngăn chặn bạo lực. Trên mặt bằng chung, họ đã tạo ra nhiều tiến bộ.
Chúng ta không nên phủ nhận tất cả. Nhưng ở một vài trận đấu, bạo lực vẫn tồn tại. “Tôi mong các TT nội phải kiên quyết hơn. Trận nào cũng như trận nào. Đã là TT thì phải vô tư cầm cân nảy mực, phải dám thổi, không sợ hãi bất kỳ điều gì.
Các đội bóng, ban huấn luyện, các cầu thủ, cổ động viên cũng cần chuyên nghiệp hơn. TT cũng có sai có đúng. Nhưng chúng ta nên góp ý trong cuộc họp chứ không nên gây chuyện ở sân".
Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa
Tags