(Thethaovanhoa.vn) - Vừa là HLV trưởng vừa là thủ lĩnh của đội bóng, nên quyết định chia tay SLNA đột ngột của HLV Hữu Thắng chắc chắn ít nhiều gây hoang mang cho các cầu thủ. Và ở trong tình thế này người ta đang lo sợ sẽ xảy ra hiệu ứng domino (tháo chạy khỏi xứ Nghệ) nhấn chìm tên tuổi SLNA.
Nếu SLNA tan rã, sự tiệc nuối ấy không chỉ xảy ra với những người yêu bóng đá xứ Nghệ, mà còn cả với chính nền bóng đá. Nền bóng đá sẽ mất đi những thương hiệu cỡ bự, mất đi sự quan tâm của người hâm mộ, bởi đơn giản, xưa nay khán giả xứ Nghệ là sắc màu chủ đạo trên các khán đài sân cỏ V-League.
Sâu xa hơn, khi không nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng yêu bóng đá, uy tín giải đấu giảm xuống, việc tìm kiếm hợp đồng tài trợ sẽ trở nên khó khăn với các nhà tổ chức.
Với SLNA, nếu đội bóng tan rã thì thứ mà họ mất đi chính là niềm tự hào, bản sắc của một đội bóng có bề dày truyền thống bậc nhất Việt Nam. Đồng thời, người hâm mộ xứ Nghệ sẽ mất đi đứa con tinh thần mà họ hằng yêu mến. Buồn nhất là các cầu thủ SLNA, bởi đa phần đều còn rất trẻ, họ sẽ đi đâu về đâu khi tên tuổi của mình chưa đủ sức hút với các đội bóng khác.
Đáng nói hơn, nếu rơi vào cảnh thất nghiệp, họ biết phải làm gì khi chưa được trang bị đủ những kỹ năng để đối phó với cuộc sống không bóng đá…
Tất nhiên, vẫn phải thừa nhận nỗ lực của SLNA, bởi trong vòng xoáy kim tiền khắc nghiệt của bóng đá chuyên nghiệp mà họ vẫn có thể tồn tại đến hôm nay. Thậm chí, việc họ nhiều lần vượt qua khó khăn bằng “nội lực” của mình cũng khiến các đội bóng khác phải trầm trồ, khen ngợi.
Nhưng đó chưa thể là cách làm mang lại giá trị bền vững, càng không đảm bảo cho một SLNA miễn nhiễm với các cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo.
Quyết định chia tay SLNA của Hữu Thắng để lại nhiều sự nuối tiếc, nhưng rất có thể nó sẽ là hồi chuông đánh thức cảnh tỉnh với những người ở lại, để họ hiểu ra vấn đề, quyết tâm hơn trong việc thực hiện một cuộc cách mạng xã hội hóa bóng đá quyết liệt ở xứ Nghệ nhằm giúp SLNA phát triển một cách bền vững.
Tuệ Chính
Thể thao & Văn hóa
Tags