(Thethaovanhoa.vn) - Người viết từng có cơ duyên theo dõi “thế hệ vàng” của SLNA với những tên tuổi một thời như Văn Sỹ Hùng, Nguyễn Hữu Thắng, Phan Thanh Tuấn, Phạm Anh Tuấn, Ngô Quang Trường, Đặng Quốc Cường, Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Thủy... Khi ấy, trung vệ Hữu Thắng đã là đội trưởng, không chỉ của SLNA mà cả ĐTQG.
- Vì sao HLV Hữu Thắng là ngôi sao lớn nhất của tuyển Việt Nam?
- HLV Hữu Thắng đã điều chỉnh chiến thuật, con người cực hay trước Malaysia
- HLV Nguyễn Hữu Thắng chưa nghĩ tới đối thủ ở vòng bán kết
1. Đầu thập niên 90, Hữu Thắng cùng các bạn đồng trang lứa chính thức có suất trong đội 1 SLNA ở thời điểm “đội quân xứ Nghệ” vẫn chưa vươn lên tầm của một “thế lực”. Chính bởi không thể so với những Thể Công, Cảng Sài Gòn, Đồng Tháp hay CA TP.HCM, nên để trụ lại hạng các đội mạnh của bóng đá Việt Nam thời ấy, SLNA chọn lối đá “rắn”, đôi khi đến mức thô bạo, cầu thủ nào cũng hừng hực “máu lửa” mỗi khi ra sân.
Lứa trẻ SLNA khi ấy (trong đó có Hữu Thắng) vốn được đào tạo bài bản hơn, kỹ thuật tốt hơn so với lứa những đàn anh (như Hà Thìn, Xuân Vinh, Quang Hải, Đình Nghĩa, Phi Đại, Xuân Thủy, Đình Đài...), nhưng sau 1-2 mùa “chuyển giao” cũng ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi cách chơi bóng ấy, đặc biệt các vị trí ở hàng hậu vệ.
Chính nhờ kỹ thuật tốt hơn lứa trước (nhờ vậy ít bị phạt hơn sau những pha vào bóng quyết liệt), lại sẵn tư chất thủ lĩnh (nhiều người bảo cái “chất” ấy của Thắng đã được truyền lại cho Huy Hoàng sau này), nên Hữu Thắng mau chóng nhận được sự tin tưởng của HLV Nguyễn Thành Vinh, được giao 1 vị trí trung vệ dập chính thức (thời ấy phổ biến đội hình chiến thuật 5-3-2, với 5 hậu vệ, gồm 1 hậu vệ thòng và 2 trung vệ dập).
Chỉ 2 năm sau, Hữu Thắng đã được gọi vào đội tuyển Việt Nam tham dự SEA Games 18 (1995) và ít lâu sau đó được giao phó chiếc băng đội trưởng của SLNA khi mới mới 24 tuổi. Cái “uy” của một thủ lĩnh được Thắng thể hiện rất sớm và rất rõ, không chỉ từ cách anh chỉ huy hàng phòng ngự mà cả trong cuộc sống thường ngày (sau này Thắng cũng trực tiếp đùm bọc, giúp đỡ một số đồng đội cũ gặp khó khăn trong cuộc sống).
Chuyên môn giỏi đã đành, tính tình lại cương trực, thẳng thắn, sẵn sàng “vỗ mặt” bất kỳ ai khi “chướng tai, gai mắt”, nhưng Hữu Thắng luôn được nể trọng bởi sự cư xử đầy nghĩa khí với đồng đội.
Những điều ấy giúp Thắng nổi bật trong thế hệ của mình, và như giới chuyên môn từng bàn luận: Nắm được Thắng như nắm được cả “phần hồn” của SLNA giai đoạn 5 năm cuối thập niên 90 – khi lứa cầu thủ cùng thời với Hữu Thắng, Sỹ Hùng hay Thanh Tuấn nở rộ tài năng.
Lối chơi của Hữu Thắng khiến ngay cả các danh thủ như Lombardo hay Vialli của Juventus khi sang thi đấu tại Việt Nam cũng phải ngán ngại. Còn Lê Huỳnh Đức, tiền đạo số 1 của đội tuyển Việt Nam và CA TP.HCM một thời, cũng từng thú nhận: “Ngại nhất là phải đối mặt với Hữu Thắng!"
Trong màu áo đội tuyển Việt Nam, Hữu Thắng (với áo số 4 quen thuộc) cũng mau chóng có được 1 suất trung vệ dập chính thức, đá cặp với Thiện Quang (CA TP.HCM) hoặc Đỗ Khải (Hải Quan). Tới SEA Games 19 (năm 1997), khi mới 26 tuổi thì anh đã được HLV Colin Murphy giao luôn chiếc băng đội trưởng, trẻ hơn mọi đội trưởng của ĐTQG trước đó. Thật tiếc rằng những chấn thương liên miên khiến Thắng quyết định chấm dứt sớm nghiệp cầu thủ khi chưa tới tuổi 30!
2. Nhưng việc giải nghệ cầu thủ sớm cũng giúp Hữu Thắng có cơ hội sớm chuyển sang “ngã rẽ” mới. Bóng đá đã trở thành lẽ sống, là niềm đam mê của anh. Trong vai trò một trợ lý HLV ở SLNA, anh vừa âm thầm “học nghề” từ chính thầy ruột Nguyễn Thành Vinh, vừa đăng ký theo học các lớp HLV do VFF tổ chức.
Tròn 5 năm sau khi treo giày, bởi những biến cố của SLNA, Thắng được giao ghế HLV trưởng của “đội quân xứ Nghệ” lần đầu vào năm 2005 (khi mới 34 tuổi). Tiếc rằng sau đó xảy ra những vụ lùm xùm sau đó lại khiến sự nghiệp cầm quân của anh phải tạm thời gián đoạn.
Năm 2009, HLV trẻ Nguyễn Hữu Thắng khiến giới chuyên môn trong nước không khỏi ngỡ ngàng khi dẫn dắt Hà Nội T&T vượt khó thành công, không những thoát khỏi nguy cơ rớt hạng mà còn vươn lên hạng 4 chung cuộc của V-League.
Chừng ấy đủ để khẳng định vị thế của anh trước khi trở về với SLNA, chính thức kề vai sát cách với các học trò và dìu dắt đội quân xứ Nghệ vượt qua những sóng gió, thử thách khắc nghiệt tại đấu trường V-League. Ngôi vô địch V-League 2011, khi anh tròn tuổi 40, thật sự là một “trái ngọt” tuyệt vời, một “ấn chứng” cho năng lực cầm quân đánh trận của vị tướng trẻ này!
Cũng kể từ đó, cái tên Hữu Thắng luôn được xem như một lựa chọn hàng đầu (cùng với Lê Huỳnh Đức) mỗi khi VFF bước vào một đợt tuyển chọn HLV cho đội tuyển. Nhưng mãi tới năm 2016, 2 năm sau khi chia tay SLNA (đồng thời cũng từ chối hàng loạt lời mời hấp dẫn từ B.Bình Dương, Thanh Hóa hay Than Quảng Ninh) để theo học bằng HLV chuyên nghiệp, Nguyễn Hữu Thắng mới chính thức nhận lời ngồi vào chiếc “ghế nóng” của đội tuyển Việt Nam trong “chiến dịch AFF Suzuki Cup 2016”.
Chuyên môn tốt, rất cầu tiến, quyết liệt trong công việc và thẳng thừng loại bỏ “tư tưởng ngôi sao” trong hàng ngũ cầu thủ, không ngoa khi người ta ví Hữu Thắng như một “soái ca” của bóng đá Việt Nam.
Có lẽ không cần phải nói nhiều về những áp lực mà Hữu Thắng phải đối mặt trước thềm AFF Suzuki Cup năm nay (ngay cả việc anh lựa chọn danh sách 23 tuyển thủ sang Myanmar trong đó có tới 11 cầu thủ “gốc Nghệ” cũng từng bị dư luận soi mói và chỉ trích). Nhưng giờ đây, khi đội tuyển Việt Nam đã chắc ngôi đầu bảng và sớm giành vé vào bán kết thì mọi người đều đã có câu trả lời thuyết phục từ Nguyễn Hữu Thắng cho mọi mối nghi ngờ.
Thiết tưởng chúng ta hãy đặt niềm tin ở HLV Hữu Thắng và các học trò trước những cuộc đấu đầy khó khăn sắp tới, đấy có lẽ chính là sự ủng hộ thiết thực và ý nghĩa nhất vậy!
2 Cùng với HLV Huỳnh Đức, HLV Hữu Thắng là 1 trong 2 ứng viên sáng giá nhất để thay thế HLV Toshiya Miura khi ông thầy người Nhật từ chức. 11 HLV Hữu Thắng phải chịu rất nhiều sức ép khi có tới 11 người trong danh sách 23 tuyển thủ Việt Nam dự AFF Suzuki Cup 2016 có gốc gác Nghệ An - Hà Tĩnh. 26 Khi còn là cầu thủ, Hữu Thắng đã được trao băng thủ quân đội tuyển Việt Nam khi mới 26 tuổi. |
HỮU BÌNH
Thể thao & Văn hóa
Tags