(Thethaovanhoa.vn) - Từ chỗ được AFC đánh giá cao trong chương trình Tầm nhìn châu Á những năm 2007-2011, bóng đá Long An rơi vào khủng hoảng những năm gần đây cũng bởi “bỏ quên” đào tạo trẻ. Và để làm từ gốc, họ phải học tập TP.HCM.
- Khởi động Trại hè BĐ thiếu niên Toyota 2017 tại TP.HCM
- Công Phượng, Tuấn Anh tái xuất tại TP.HCM
- Giải bóng đá nữ VĐQG 2017: TP.HCM 1 vô địch lượt đi
Trưởng đoàn CLB bóng đá Long An Lê Minh Trí cho biết, một trong những nguyên nhân khiến CLB lặn ngụp ở V-League thời gian qua chính là việc thiếu hụt tài năng địa phương. Khi nền kinh tế khó khăn, bóng đá không còn là mảnh đất lành cho các nhà tài trợ, CLB bỗng dưng điêu đứng vì không có thế hệ kế cận chất lượng.
Với vị trí chót bảng hiện tại, Long An cũng không thể trông cậy nguồn lực sẵn có do không đảm bảo chất lượng. Để tìm đường trụ hạng mùa này, CLB chỉ đôn lên đội 1 thủ thành Văn Việt và phải chạy đôn đáo nhiều nơi để mượn về những cái tên như Thành Long (từ đội hạng Nhất Đắk Lắk), Trung Hiếu (mượn của S.Khánh Hòa BVN). Lãnh đạo CLB cho hay cái khó lúc này là không đội bóng nào chịu nhả quân chất lượng dù họ chịu chi hơn mức bình thường.
Là một thế lực lớn của bóng đá miền Tây và có truyền thống không kém nhiều CLB V-League, bóng đá Long An từng phát triển nhờ vào hệ thống giải đấu phong trào ở các huyện, thị xã trong tỉnh từ cuối thập niên 2000, dưới sự hỗ trợ của Chương trình “Tầm nhìn châu Á dự án Long An” của AFC.
Những tài năng của bóng đá địa phương như Tài Em, Văn Giàu, Quang Sang… cũng trưởng thành từ các giải phong trào của tỉnh. Nhưng do những khó khăn chung, không tìm được nguồn tài trợ nên giải tạm ngưng 3 năm trở lại đây.
Khi đơn vị Đồng Tâm không còn gắn thương hiệu vào đội bóng, người làm bóng đá Long An đã mường tượng ra kịch bản khó khăn phía trước. Và chỉ có cách khởi động lại phong trào, họ mới có nguồn lực để tồn tại dài lâu.
Học tập “người hàng xóm” TP.HCM, Long An quyết tâm làm bóng đá từ gốc thông qua bóng đá học đường. Tin vui đến cho họ khi ngày 11/6, LĐBĐ Long An đã tìm được 1,8 tỷ đồng hỗ trợ từ công ty Cần Tiến Đạt.
Số tiền này sẽ được dùng để đào tạo trẻ thông qua việc tổ chức các giải đấu bóng đá học đường cho học sinh tiểu học, trung học. Cụ thể, từ năm 2017 đến năm 2019, dự kiến mỗi năm Liên đoàn sẽ tổ chức nhiều giải đấu cho các em học sinh ở các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh.
Dự kiến có gần 300 trường học trong tỉnh sẽ tham gia các giải đấu và đây là cơ sở để người làm bóng đá Long An tuyển chọn nhân tài đưa vào các trường năng khiếu của tỉnh để đào tạo.
Ông Đỗ Hữu Lâm, Chủ tịch LĐBĐ Long An, cho biết: “Việc gây dựng lại những giải đấu bóng đá học đường sẽ giúp các em nuôi dưỡng đam mê và tài năng. Trong các giải đấu, người làm bóng đá sẽ tuyển chọn các em có năng khiếu để đưa vào trường năng khiếu tỉnh để đào tạo.
Bóng đá Long An hy vọng sẽ có thêm những nhân tài cung cấp cho đội 1 CLB và xa hơn là ĐTQG như trường hợp của tuyển thủ Phan Văn Tài Em, Nguyễn Tấn Tài, Nguyễn Tài Lộc…”
V.H
Thể thao & Văn hóa