Sau Quang Hải đến lượt một ngôi sao bóng đá Việt Nam khác là Huỳnh Như cũng sang châu Âu chơi bóng. Nhưng cùng lúc, Đặng Văn Lâm lại từ Nhật trở về với môi trường V-League hòng bảo đảm suất thi đấu ở AFF Cup 2022.
Đón nhận như thế nào?
Dù vẫn còn thi đấu nhưng có thể nói Huỳnh Như đã là huyền thoại của bóng đá nữ Việt Nam với một sự nghiệp đủ đầy và vượt trội. Hình ảnh của Huỳnh Như trên poster quảng bá World Cup nữ 2023 là chi tiết độc nhất vô nhị với bóng đá Việt Nam tính đến thời điểm này.
Nhưng năm nay Huỳnh Như đã 31 tuổi, đó chắc chắn không phải là độ tuổi có thể cống hiến được nhiều hơn cho đội bóng mới, chưa nói gì đến các giới hạn về thể lực và nhịp điệu chơi bóng quá khác biệt giữa bóng đá nữ Việt Nam so với châu Âu. Đội bóng Lank FC đến từ Bồ Đào Nha có vẻ đã chủ ý nhắm đến việc sở hữu một “thành viên World Cup” trong đội hình của mình.
Đấy là một thương vụ khôn ngoan của họ, nếu nhìn ở góc độ này, chúng ta sẽ có cảm nhận thoải mái hơn thay vì kỳ vọng quá nhiều vào khả năng thành công của Huỳnh Như tại châu Âu. Nói cho cùng, với Huỳnh Như, có hay không có chuyến đi này cũng không làm cho sự nghiệp của cô thêm hay bớt đi sự lẫy lừng.
Tất nhiên là chuyến đi của Huỳnh Như có ý nghĩa riêng của nó, dù có thành công hay không. Nói gì thì nói, cô là cầu thủ có “đẳng cấp World Cup” và nhiều thành viên khác của đội tuyển nữ Việt Nam cũng thế. Bản hợp đồng của Lank FC nhắc đến một chi tiết mà dường như bóng đá Việt Nam không nhớ đến, đó là cơ hội đến từ những dấu ấn mang tầm thế giới.
Đó là một trong những lý do khiến cho HLV đã từng vô địch World Cup là Giustozzi Diego Raul chọn lựa thách thức với futsal Việt Nam, đơn giản vì ông sẽ dẫn dắt đội bóng từng 2 kỳ tham dự World Cup liên tiếp. Không có thành tựu đó, sẽ khó mà thuyết phục. Thực tế thì dù sẽ phải chi một số tiền lớn để trả lương, nhưng theo tiết lộ của VFF, cũng phải mất đến gần nửa năm đàm phán thì futsal Việt Nam mới chốt được với HLV Giustozzi.
Chúng ta có thói quen đón nhận những chiến tích World Cup của futsal, U20 hay bóng đá nữ theo kiểu “kỳ tích” nhưng đã đến lúc phải biết cách tận dụng những cơ hội đó để tránh đi vào lối mòn.
Lấy ví dụ như trường hợp của đội U20 dự World Cup trẻ năm 2017. Đây là một sự kiện rất lớn nhưng “đời sống” của nó lại rất ngắn ngủi. Trong một loạt sự kiện liên quan đến những đội U16 hay U19 gần đây, không thấy ai nhắc đến chiến tích của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn để làm động lực nữa.
Thay vào đó, chúng ta lại loay hoay với mục tiêu vào chung kết hay vô địch các giải tầm Đông Nam Á trong khi niềm cảm hứng lớn hơn nhiều, gần gũi hơn nhiều lại bị lãng quên.
Đừng “ăn đong” hiện tại
Sự vất vả của Quang Hải trong hành trình tìm chỗ đứng tại Pau FC, hoặc có thể là những ngày sắp tới của Huỳnh Như ở Lank FC, cho thấy nếu có vui thì cũng vừa phải, chừng mực.
Quang Hải được ra sân thi đấu chính thức, nhưng cái ranh giới giữa anh và các đồng nghiệp đi trước như Văn Hậu hay Công Phượng dường như chưa khác biệt nhiều lắm. Nếu không thực sự tỏa sáng, đóng góp vào những bàn thắng, chiến thắng thì chuyện Quang Hải trở lại ghế dự bị rồi ngồi đó dài dài rất dễ xảy ra. Mà đã ngồi dự bị, dù là với lý do nào, thì có khác gì nhau?!
Trường hợp của thủ thành Đặng Văn Lâm là ví dụ. Ngồi dự bị ở Muanthong United đến mức phải tự phá bỏ hợp đồng để đi sang Nhật Bản, nhưng vẫn phải dự bị. Cùng hoàn cảnh nên không thể nói là sự nghiệp tiến lên được. Việc quay lại V-League để có thể ra sân thường xuyên, là lựa chọn không thể nào khác của Đặng Văn Lâm. Nhưng sau hơn 2 năm thi đấu ở nước ngoài, có lẽ thủ môn Việt kiều này cũng đã thấy được giới hạn.
Vì các chuyến xuất ngoại của từng cầu thủ Việt Nam chỉ là một dạng thành công mang tính cá nhân, được hưởng lợi từ những “cơn địa chấn” mà bóng đá Việt Nam tạo ra trong 5 năm gần đây. Nhưng điều quan trọng nhất là các sự kiện đó lại không làm thay đổi được gì hệ thống bóng đá nội địa.
Ở Hà Nội FC, Quang Hải đã được chơi trong hệ thống có vẻ như xây dựng để phù hợp với anh. Hơn nữa, Hà Nội FC quá mạnh so với phần còn lại của V-League nên chỉ cần chút vượt trội là Hải đã tạo ra sự khác biệt. Sang Pau FC, điều đó không còn và năng lực chơi bóng độc lập rất yếu của các cầu thủ Việt Nam đã bộc lộ. Vấn đề không hẳn nằm ở Quang Hải, mà là môi trường V-League anh từng chơi không có gì giống với Ligue 2.
Ý nghĩa lớn nhất của việc chơi bóng thường xuyên, chơi trong môi trường cạnh tranh, đa dạng chiến thuật, nằm ở chỗ đó. Futsal Việt Nam dự 2 kỳ World Cup, muốn làm tốt hơn thì phải thuê thầy từng vô địch, thì mới tiến bộ.
Trong khi đó, Việt Nam từng có tuyển U dự World Cup, nhưng các thế hệ sau thì chỉ mơ ... số 1 Đông Nam Á, nên đá mãi cũng chẳng vô địch được thì không có gì lạ. Bản thân cầu thủ Việt Nam như Quang Hải, Huỳnh Như hay Văn Lâm có chất lượng để chơi bóng đỉnh cao nhưng nơi mà họ xuất phát thì vẫn còn môi trường yếu tính cạnh tranh thì cũng khó mà tiến bộ sự nghiệp.
Niềm vui được nhìn cầu thủ Việt Nam thành công ở châu Âu hay Nhật Bản vẫn còn ở rất xa. Sẽ còn xa hơn nữa khi chúng ta chỉ mãi vỗ tay chúc mừng mà chẳng làm gì cả.
Long Khang
Tags