(Thethaovanhoa.vn) - Không phải HLV đương nhiệm Sirisak Yodyardthai hay Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan Somyos Pumpanmuang mà giới truyền thông xứ chùa Vàng đã chính thức Việt Nam đã phế truất đội bóng quê hương họ để chiếm lấy vị trí số 1 Đông Nam Á.
Sự thừa nhận ấy không chỉ đến sau khi đội tuyển Việt Nam đánh bại Thái Lan với tỷ số 1-0 tại King’s Cup 2019 vừa mới đây mà là hệ quả của cả một quá trình kéo dài suốt 2 năm qua. Đó là những thăng tiến của bóng đá Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018, ASIAD, AFF Cup cho tới ASIAN Cup hay vòng loại U23 châu Á 2020.
Bóng đá Việt Nam không chỉ thắng Thái Lan trong một trận đấu cụ thể như tại King’s Cup hay vượt lên trước người láng giềng ở một giải đấu mà trong một chuỗi sự kiện.
VIDEO: Highlights Thái Lan 0-1 Ấn Độ (King's Cup 2019)
Bên cạnh nỗ lực của BHL và các cầu thủ, yếu tố may mắn, khả năng tận dụng cơ hội, điều bắt buộc phải có khi thi đấu thể thao, bóng đá Việt Nam bứt lên trước sự cạnh tranh của Thái Lan theo tờ Siam Sport là do tập trung vào những kế hoạch ngắn hạn để đội tuyển Việt Nam cải thiện được vị trí trên bảng xếp hạng FIFA, đào tạo đội ngũ HLV từ đội ngũ các cựu cầu thủ, sử dụng họ làm trợ lý ở các cấp độ ĐTQG, sát cánh cùng HLV trưởng người nước ngoài và sau cùng là kế hoạch dài hạn do GĐKT cùng VFF vạch ra.
Song song với đó, sự phát triển của các Trung tâm, Học viện bóng đá như PVF, mời chuyên gia ngoại như HLV Philippe Troussier trở thành người quy hoạch, vạch ra đường hướng phát triển cho chiến lược đào tạo cầu thủ trẻ.
Chính từ những yếu tố làm nên cú bứt phá ngoạn mục đó, truyền thông cũng như người hâm mộ Thái Lan hy vọng, những người làm bóng đá nước mình có thể lấy đó làm bài học để chấn chỉnh lại hướng đi, từng bước lấy lại vị thể của mình. Sự thành công trong bóng đá luôn có tính thời điểm và chu kỳ.
Người Thái từng tự tin khẳng định vị thế số 1 Đông Nam Á của mình một cách vững chắc nhưng giờ, họ đã phải chấp nhận thực tế, ngôi vị ấy đang thuộc về bóng đá Việt Nam. Chỉ có thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, nhận ra những điểm còn yếu, thua kém của mình thì bóng đá Thái Lan hay kể cả Việt Nam mới có thể khẳng định chắc chắn vị thế của mình hoặc lấy lại những gì từng có trong quá khứ nhưng nay đã để tuột mất.
“Đội tuyển Việt Nam đã vô địch AFF Cup 2018 và ít nhất cho đến khi giải đấu này tiếp tục diễn ra năm 2020 thì chúng tôi vẫn đang là đội vô địch”, HLV Park Hang Seo đã trả lời như thế ở buổi họp báo trước trận đấu Việt Nam và Thái Lan tại King’s Cup 2019.
Sự tự tin ấy là phù hợp và cá nhân HLV Park Hang Seo và BHL, các cầu thủ đội tuyển Việt Nam xứng đáng có thể trang bị sự tự tin ấy cho mình. Nhưng chính thầy Park đã hơn một lần nhắc nhở các học trò, cảnh báo họ, không được phép chủ quan hay tự mãn trong bất kỳ trận đấu nào, trước bất cứ đối thủ nào, dù ở giải đấu chính thức hay đơn thuần chỉ là một trận giao hữu.
Luôn coi trọng sự đoàn kết, tinh thần tập thể, chiến đấu không ngừng nghỉ, đó là bí quyết để HLV Park Hang Seo cùng các cấp độ đội tuyển của bóng đá Việt Nam thành công tại các giải đấu khu vực cũng như châu lục trong thời gian qua.
Thái Lan trên thực tế đã mất vị trí số 1 Đông Nam Á vào tay bóng đá Việt Nam dù có không muốn thừa nhận đi chăng nữa. Nhưng như thế không có nghĩa, bóng đá Việt Nam chúng ta có thể ngủ quên trên chiến thắng, không có gì ở người Thái cần và đáng để học hỏi. Chẳng hạn như việc điều chỉnh lịch thi đấu ở giải trong nước để tạo điều kiện cho các CLB dành sức lực để có thể thi đấu tốt tại đấu trường châu lục cấp CLB – AFC Cup.
Ở mặt này, Thái Lan đang làm tốt hơn bóng đá Việt Nam đấy!
Minh Tiến
Tags