(Thethaovanhoa.vn) - Sau trận thua FLC Thanh Hoá ở vòng 2 V-League 2018, HLV trưởng CLB TP.HCM đồng thời là cựu thuyền trưởng đội tuyển Việt Nam, Toshiya Miura, đã phàn nàn về chất lượng mặt cỏ nói chung ở Việt Nam và sân Thanh Hoá nói riêng quá tệ. Tệ đến mức đội bóng của ông Miura không thể triển khai các ý đồ về kỹ - chiến thuật.
- HLV Miura chê sân Thanh Hóa, Tiến Dũng tiếp tục nhận lời khen
- HLV Miura sẽ giúp đội của Công Vinh lọt top 3
- Quang Hải không có người đại diện ở Đức, HLV Miura lộ đội hình trước V-League 2018
Đúng là CLB TP.HCM cũng chẳng có bài gì mà thi triển, trước một đối thủ vượt trội, nhưng nhắc nhở hay chính xác là đòi hỏi của ông Toshiya Miura là chính đáng, cần xem xét nghiêm túc.
Trong nhiều năm, tính bằng chiều dài lịch sử V-League, người trong cuộc đã nghe "rát lỗ tai" về mặt sân không đủ chuẩn để tổ chức các trận bóng đá chuyên nghiệp. Một số CLB thậm chí còn bị AFC tước suất dự giải châu lục, cũng vì yếu tố sân bãi, hạ tầng thi đấu không đảm bảo. Nhưng tại sao và như thế nào, chúng ta vẫn để tình trạng này tiếp diễn. Nên nhớ, nếu bạn muốn hướng tới một sản phẩm bóng đá chất lượng, thì mặt thảm thi đấu là yếu tố quan trọng đầu tiên.
Tại Thai Premier League, đội bóng sở hữu sân gần như không tập luyện trên sân thi đấu vào mỗi cuối tuần. Người ta dành hàng nhiều giờ mỗi tuần để tu dưỡng mặt cỏ, để rồi chỉ kẻ sân một ngày trước khi trận đấu diễn ra. Sân Old Trafford của Manchester United, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi và có nguy cơ quá tải như hồi Olympic London 2012, với môn bóng đá được diễn ra ở đây, các kỹ sư và nhân viên cam đoan rằng, họ có thể thay mới một mặt cỏ “sơ cua” khác, nếu BTC trận đấu yêu cầu.
Dài dòng như thế để thấy hết tầm quan trọng của mặt cỏ lớn đến đâu với chất lượng trận đấu và giải đấu, xa hơn là chất lượng một sản phẩm bóng đá để bán. Sân Lạch Tray trong nhiều mùa giải qua, bị liệt vào hàng tệ nhất nhì V-League, nhưng không có biểu hiện nào cho thấy, họ sẽ cải thiện điều này. Về mùa Đông, mặt sân này không khác gì đám ruộng, khi cỏ bị chết, dưới mưa phùn, các đôi giầy đinh xục lên toàn bùn đất, hôi thối. Đến sân bóng phong trào cũng không tệ đến thế.
Cách đây mấy ngày, khi xem xong trận Hải Phòng gặp HAGL, cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam và CLB Hải Phòng - Nguyễn Quang Hải, đã phải thốt lên rằng, mặt sân quá tệ. “Người làm bóng đá không thể không vui khi khán giả đang dần quay lại xem bóng đá Việt Nam... Nhưng họ đang tận hưởng những trận đấu hạng cao nhất Việt Nam trên những mặt sân quá xấu... Bao giờ bóng đá Việt mới được thi đấu trên những mặt sân đẹp, khi kinh phí làm mặt sân không quá cao. Đã đến lúc chuyên nghiệp thật sự về mọi thứ”, Hải viết trên trang cá nhân, kèm theo tấm ảnh chụp sân Lạch Tray qua màn hình tivi.
Vấn đề rõ ràng không phải là kinh phí, một thời gian quyền lợi giữa Nhà nước (sở hữu sân) và tư nhân (đội bóng thuê sân) cũng được đem ra bàn, để rồi “cha chung không ai khóc”, nhưng tất cả, chỉ là đổ bởi, tại. Nhiều đội bóng xem mặt cỏ xấu còn là một thứ vũ khí?! BTC đã đến lúc phải đưa ra những chế tài, thay vì thoả hiệp, nếu họ còn có ý định hướng đến một sản phẩm bóng đá tử tế, bắt mắt.
Tùy Phong
Tags