Sự ra đi của chiến lược gia người Hàn Quốc khiến bóng đá Việt Nam đối diện mất mát lớn và có vẻ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chưa sẵn sàng phương án thay thế. Hoặc nếu có, người tiếp tục sau ông Park sẽ đối diện nhiều hoài nghi về năng lực chinh phục thành công.
Từ Afred Ridle đến Henrique Calisto, bóng đá Việt Nam đã sang trang mới với cái tên HLV Park Hang Seo. Đó chính là chiến lược gia duy nhất ở kỷ nguyên hiện đại có thể giúp bóng đá Việt Nam đi từ thành công này tới kỳ tích nọ.
Và dù thừa hiểu 5 năm là quá đủ để khép lại một hành trình, nhiều CĐV vẫn tiếc nuối và lo ngại về tương lai của nền bóng đá không có sự góp mặt của ông thầy người Hàn Quốc.
Nhiều CĐV đã tranh luận sôi nổi về vấn đề này, nhưng trên tất cả, họ đa số gửi lời cảm ơn ông thầy 65 tuổi về những chiến tích mang về cho bóng đá Việt Nam. Thành công của ông Park chắc chắn là áp lực hữu hình đè nặng cho những chiến lược gia đang được VFF nhắm đến để thay thế HLV sinh năm 1957.
Đã có không ít cái tên đã được đưa vào tầm quan sát của VFF, nhưng không ai dám chắc chắn về sự phù hợp hay đòi hỏi về thành tích cho tân HLV trưởng đội tuyển quốc gia. Đầu tiên là số tiền lương không nhỏ. HLV Park Hang Seo nhận được lúc này vào khoảng 50 nghìn USD/tháng, và VFF đã phải vận động nhiều nguồn để đáp ứng cho hợp đồng mới của ông Park trong vài năm qua.
Tân HLV của “Những chiến binh sao vàng” có thể được đảm bảo mức tương tự, nhưng con số này được cho là cao so với bóng đá Việt Nam, nó vẫn chưa là gì khi nhìn ra xung quanh. Ví dụ điển hình như Indonesia, HLV Shin Tae Yong vô tình được Liên đoàn Bóng đá nước này tiết lộ nhận lương tới 1,5 triệu USD/năm. Ông thầy người Hàn Quốc nhận hơn 2,5 lần số tiền mà HLV Park Hang Seo có được ở Việt Nam. Dù đồn đoán HLV Shin Tae Yong có thể sang dải đất hình chữ S làm việc, nhưng chắc chắn tài chính để trả cho ông này là một vấn đề lớn đối với người làm bóng đá nước nhà hiện tại.
Tại Thái Lan, HLV Alexandre Polking cũng được đảm bảo mức lương khoảng 80 nghìn USD (gần 2 tỷ đồng/tháng). Ông Polking và tân HLV Kim Pan Gon của Malaysia nhận lương tháng đều không thấp hơn HLV Park Hang Seo. Chưa kể để mời họ, Liên đoàn bóng đá các quốc gia này phải chấp nhận một đội ngũ trợ lý đi kèm HLV trưởng và số tiền bỏ ra không hề nhỏ.
Trên thực tế, HLV Park Hang Seo không hề thiệt thòi so với những đồng nghiệp khu vực khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Vì dù lương thấp hơn, ông Park vẫn có nhiều nguồn thu nhập từ vô số nhãn hàng lớn nhờ thương hiệu mình gây dựng. Không chỉ vật chất, lịch sử nền bóng đá cũng ghi nhận, “lãi tình cảm” mà ông Park có được từ người hâm mộ Việt Nam cũng chưa từng có người tiền nhiệm nào thực hiện được.
Tuy nhiên, khi ông Park đã nhìn thấy ngưỡng giới hạn của bản thân và nền bóng đá, kết cục trong thông báo ngày 17/10 là tốt cho tất cả. Di sản của ông Park để lại cho người kế thừa không đơn giản chỉ là áp lực, mà nó còn là động lực để bóng đá Việt Nam cải tiến chuyên nghiệp hơn và tự tin hướng ra biển lớn.
Lúc này, bóng đá Việt Nam vẫn thừa tiềm năng từ các lò đào tạo trẻ trong nước được duy trì xuyên suốt và nguồn lực xã hội, tình yêu với môn thể thao vua không thiếu. Thành công mà ông Park đạt được một phần là kết quả của sự gặt hái những nền tảng đã có, nền bóng đá đã chọn đúng người, đúng thời điểm.
Gong Oh Kyun hơn ai hết là người chứng thực điều này khi vừa dẫn dắt U23 Việt Nam đã tạo ấn tượng tích cực hồi tháng 6 vừa qua. Những chiến lược gia đẳng cấp như Shin Tae Yong của Indonesia, Kim Pan Gon của Malaysia hay Alexandre Polking đều thừa nhận giá trị của bóng đá Việt Nam và nhờ đó ông Park đã tận dụng được.
Bóng đá Việt Nam chưa quen với cuộc sống thiếu HLV Park Hang Seo, nhưng hãy cứ lạc quan nhìn về phía trước khi biết đâu, những cột mốc mới sẽ hình thành từ chính lúc này.
Việt Hà
Tags