(Thethaovanhoa.vn) - Đúng ngày các đàn anh, đồng đội U23 Việt Nam đang được cả nước tôn vinh vì thành tích á quân VCK U23 châu Á 2018 tại Thường Châu thì Tiến Linh nuốt nước mắt sang Singapore phẫu thuật chấn thương. Trái tim anh lúc đó cũng như tan nát!
Lặng nhìn đồng đội rực rỡ ở Thường Châu
Chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2018, Tiến Linh là 1 trong số 30 cầu thủ U23 Việt Nam được HLV Park Hang Seo triệu tập vào danh sách. Tuy nhiên, cánh cửa đã đóng sập với chàng tiền đạo người Bình Dương khi chỉ đúng 1 ngày sau khi có mặt ở đội tuyển, anh bị lật cổ chân, đứt dây chằng vì một pha va chạm với đồng đội khi đá đối kháng.
Nhớ lại buổi đầu gặp thầy Park, Linh cho biết, lên đội tuyển được 2 ngày nhưng chỉ nhìn thầy Park từ xa. Anh không dám bắt chuyện với thầy vì ngại ngùng, sợ bị đàm tiếu: “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Gặp thầy Park, chỉ cúi đầu chào từ xa như chào một người lớn tuổi vô tình gặp trên đường đời.
Pha va chạm tưởng bình thường nhưng khi kiểm tra y tế, Tiến Linh điếng người khi nhận thông báo bị chấn thương đứt dây chằng, phải sang Singapore để mổ. May mắn khi đó chi phí mổ 500 triệu đồng của Tiến Linh có nhà tài trợ, không thì biết lấy đâu ra số tiền lớn đó?
Có một sự trùng lặp do tình cờ hay là số phận tặng cho Linh một nghịch cảnh để rèn cho Linh ý chí mạnh mẽ hơn với bóng đá – một nghề nghiệp tỏa sáng chỉ có một thời điểm ngắn ngủi nhưng đầy rẫy những vực thẳm khó lường:.
Ngồi xem đồng đội tỏa sáng ở Thường Châu, Linh như bị “tự kỷ ám thị”. Anh mừng cho U23 Việt Nam nhưng lòng không khỏi ai oán cho số phận sao lại cay nghiệt với mình đến thế. Bố mẹ Tiến Linh khi ấy cũng trải qua hai cảm xúc hỗn độn, mừng cho đội tuyển U23 Việt Nam, mừng cho đồng đội của con đã giành được thành quả lớn. Nhưng, lại nghĩ cám cảnh cho tương lai của con trai mình, liệu sau chấn thương này con trai có thể tiếp tục sự nghiệp với trái bóng được nữa không?
Ngày U23 Việt Nam đem vinh quang về cho Tổ quốc từ Thường Châu, Trung Quốc cũng chính là ngày Tiến Linh lặng lẽ cùng một phiên dịch ra sân bay sang Singapore mổ chấn thương dây chằng.
Tiến Linh bồi hồi nhớ lại: Lúc ấy, Tiến Linh cầm điện thoại xem cảnh đội tuyển U23 trở về trong tiếng reo hò, cổ vũ không ngớt của hàng triệu người yêu bóng đá Việt Nam. Nếu không bị chấn thương, có lẽ Tiến Linh cũng có cơ hội góp mặt cùng đồng đội trong trận bóng kinh điển ấy, cũng sẽ có trong đoàn người trở về trong tiếng reo hò không ngớt của người hâm mộ. Và rồi, từng dòng nước mắt lại trào ra trong nỗi cô đơn và tủi thân vô hạn.
Suốt chuyến bay sang Singapore, Linh không chợp mắt, cứ nhìn mông lung ra ngoài trời với một tâm trạng mênh mang khó tả. Dường như khi ấy, vực thẳm của sự nghiệp đang ở trước mặt.
Chỉ cần thiếu kiên nhẫn một chút, là đủ buông tay. Bác sĩ phẫu thuật cho Tiến Linh bên Singapore chỉ biết đó là một cầu thủ bóng đá đến từ Việt Nam, không biết gì nhiều hơn về Tiến Linh. Linh phải đeo nẹp một tháng trời sau ca mổ, cứ mong tháo nẹp từng ngày để tập luyện trở lại.
Sau khi đi mổ dây chằng về, thầy Trần Minh Chiến đã cho Tiến Linh một cơ hội nghìn vàng. Đó là trận Bình Dương đá với Hải Phòng vòng 8, lượt đi V-League 2018. Tiến Linh được tung vào sân và ghi một bàn thắng.
Cảm giác tự tin trở lại cùng bàn thắng như một cú hích lớn sau một thời gian dài khủng hoảng vì chấn thương. Bàn thắng trước Hải Phòng là viên gạch đầu tiên đánh dấu sự trở lại của Tiến Linh với 15 bàn thắng ghi được ở V-League năm đó, đoạt danh hiệu Vua phá lưới nội.
Tuy nhiên, thời điểm đó Tiến Linh vẫn chưa thể cạnh tranh được vị trí với Hà Đức Chinh, Anh Đức. Nhưng cuối năm 2018, Tiến Linh lại được gọi lên AFF Cup và được ở lại sau bao cánh cửa đóng lại, thì cũng có một cánh cửa mở ra .
“Cậu là một cầu thủ tốt, tôi sẽ chú ý đến cậu”
Sau lần gặp thầy Park Hang Seo trong 2 ngày ngắn ngủi rồi đi mổ chấn thương bên Singapore, Tiến Linh và thầy không có bất kỳ cuộc gặp thân mật nào. Nhưng một ngày trong chuyến tập huấn chuẩn bị cho AFF Cup 2018 tại Hàn Quốc, thầy Park đột ngột gọi Tiến Linh vào trong phòng nói chuyện riêng: “Cậu là một cầu thủ tốt, tôi sẽ chú ý tới cậu”.
Câu nói ngắn gọn của nhà cầm quân Hàn Quốc khi ấy như một tấm vé thông hành tiễn những cảm xúc thất bại suốt một thời gian dài của Tiến Linh đến một quỹ đạo khác. Liều doping tinh thần đúng thời điểm của thầy đã giúp Tiến Linh tự tin, thăng hoa cùng ĐTVN vô địch AFF Cup sau 10 năm chờ đợi, vô địch SEA Games 2019 sau hơn nửa thế kỷ khao khát.
Năm 2021, sau những thất bại liên tiếp tại vòng loại thứ 3 World Cup và AFF Cup 2022, Việt Nam đối mặt với Trung Quốc vào sáng mồng 1 Tết. Thầy Park chịu rất nhiều áp lực trước trận đấu này. Bởi thắng Trung Quốc và Thái Lan luôn khiến người hâm mộ vui mừng. Thắng Trung Quốc là chiến thắng cả về tâm lý cầu thủ, tâm lý người hâm mộ và cũng là chiến thắng đầu năm giúp tâm lý toàn đội thêm hưng phấn.
Tiến Linh chia sẻ: “Chiến thắng 3-1 trước Trung Quốc khiến thầy Park phấn khích, thầy vô phòng thay đồ la hét sung sướng như trẻ thơ”.
Tiến Linh là người sống nội tâm, nên anh rất dễ bị tổn thương khi không ghi được bàn. Khi ghi bàn thắng ở trận bán kết SEA Game 31, Tiến Linh có màn cởi áo ăn mừng gây chấn động SVĐ Phú Thọ, bị phạt thẻ vàng. Lúc gặp riêng học trò, thầy Park hỏi: “Sao cởi áo để lấy thẻ vàng vậy?” Tiến Linh đáp: “Con vui quá thầy ơi!”.
Đấy là bàn thắng khẳng định “thương hiệu Tiến Linh”. Lúc ăn mừng HCV SEA Game 31, thầy Park ôm Tiến Linh và nói ngắn gọn hai tiếng: “Thank you!”. Tiến Linh thấy mình may mắn, vinh dự vì được tham gia SEA Games 31 tại sân nhà, được khán giả cổ vũ. Bởi chưa biết đến bao giờ Đại hội Thể thao Đông Nam Á mới quay lại sân nhà. Chỉ biết lúc đó chắc Linh đã giải nghệ.
*****
Mọi người thường gọi Tiến Linh là “ngôi sao cô đơn trên hàng tiền đạo” nhưng thầy Park không quan tâm điều đó. Ông luôn chủ trương tinh thần đoàn kết của một tập thể, bàn thắng là của cả một tập thể đóng góp. Thầy coi học trò ai cũng như nhau, không quá cưng chiều trò nào. Tiền đạo thì tập kiểu tiền đạo, hậu vệ tập kiểu hậu vệ, thủ môn tập kiểu thủ môn.
Nhắc về thầy Park, Tiến Linh chia sẻ cảm xúc mộc mạc: “Thầy Park có tinh thần không bỏ cuộc, mạnh mẽ, quyết đoán. Phẩm chất ấy của thầy, các cầu thủ, đặc biệt là một tiền đạo như Tiến Linh cần phải học hỏi. Về Bình Dương, Tiến Linh cũng mang những tinh hoa được học hỏi từ người thầy Hàn Quốc về để phục vụ cho CLB”.
Trong cuộc sống hằng ngày, những lúc không tập luyện, Tiến Linh và thầy Park không đùa nhau không chịu được. Khi thì facetime, video call, hoặc gọi điện. Dù thầy chỉ than với học trò một câu “Thầy stress quá!”, nhưng Tiến Linh có thể hiểu gánh nặng đè lên vai thầy trước sứ mệnh mà thầy đang chèo lái con thuyền ĐTQG đến những bến bờ vinh quang mới.
Thầy Park chưa từng ghé nhà Tiến Linh ở Bình Dương chơi lần nào nhưng trong lòng những cầu thủ ĐTQG Việt Nam, thầy Park như một người thầy, người cha. Hơn thế nữa, thầy là người đã thay đổi góc nhìn của những người yêu bóng đá trong khu vực về vị thế của Việt Nam, một đội bóng không bỏ cuộc trước bất kỳ một đối thủ nào.
Tiến Linh đã có “chỗ đứng” vững chắc không chỉ trong lòng nhà cầm quân Park Hang Seo, mà trong lòng những người yêu bóng đá, chàng tiền đạo cắm này rồi ngày mai sẽ trưởng thành, sẽ tìm một bến đỗ mới như những đàn anh Đặng Văn Lâm, Quang Hải…
Tiến Linh cũng không giấu được khát vọng một ngày nào đó được ra nước ngoài thi đấu. Anh chia sẻ điểm đến mơ ước: “Tiến Linh rất thích Nhật Bản vì tinh thần chiến đấu, chiến thuật, kỷ luật của Nhật Bản rất cao. Nền bóng đá họ đang ở một đẳng cấp thế giới nên cầu thủ Việt Nam được chơi bóng ở Nhật Bản đã là niềm tự hào lớn”.
Đón đọc kỳ cuối: Nếu phải chia tay thầy Park…
Lý Thu Thủy