(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc đua sắp trở lại sẽ khiến các CLB phải mở hết tốc độ để tung cú nước rút sau quãng thời gian gián đoạn vì dịch bệnh. Sự khốc liệt là rất dễ nhận thấy với một lịch thi đấu trung bình hơn 4 ngày/trận, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao.
1. Tính trung bình từ vòng đấu bù thứ 3 diễn ra ngày 13/3 và khép lại ở vòng 10 (hết ngày 18/4), mỗi CLB phải chơi liên tục với mật độ khoảng hơn 4 ngày/trận. Điều này có nghĩa cứ sau mỗi trận đấu vừa khép lại, các đội bóng không còn thời gian để nghỉ ngơi hay đúc rút kinh nghiệm mà các HLV sẽ động viên tinh thần học trò hướng ngay về phía trước. Thậm chí, đội bóng sẽ phải về phòng khách sạn, thu dọn đồ đạc để sẵn sàng di chuyển ra sân bay ngay hôm sau (nếu thi đấu sân khách vòng kế tiếp) hoặc trở về nhà tự nghỉ ngơi (nếu được đá sân nhà vòng sau). So với năm ngoái, thời điểm thi đấu gấp gáp sắp tới đây còn nặng nề và áp lực hơn.
Cụ thể, V-League 2020 chứng kiến hai lần gián đoạn buộc VPF phải đổi lịch. Bắt đầu từ vòng 3 ngày 5/6 và trải qua 9 vòng đấu liên tiếp trước khi dừng lại sau vòng đấu thứ 11 hồi tháng 7, trung bình các CLB có hơn 5 ngày để chuẩn bị 1 trận đấu. Đến lần thứ 2 vào tháng 9 đến tháng 11, V-League hoàn tất giải với mật độ trung bình gần 5 ngày/trận.
Chất lượng giải do đó không thể cao bằng mật độ trung bình 1 tuần/trận như tính toán ban đầu của VPF. Tuy nhiên trong bối cảnh chặng đặng đừng, được chơi bóng trở lại lúc này thay vì phải tập chay nhiều tháng ròng rã với các cầu thủ có thể hơn cả một đặc ân. Khi bóng lăn, đồng nghĩa với những sự tích cực như họ sẽ được duy trì phong độ, tiền thưởng… Tuy nhiên, rủi ro cũng rất lớn khi các CLB như TP.HCM của HLV Polking đã tuyên bố, ông đã sẵn sàng chiều sâu đội hình để thay thế người gặp chấn thương khi cần.
Đây là thời điểm các CLB chứng tỏ sự chuyên nghiệp qua các HLV thể lực. Họ có trách nhiệm giúp ích cho các cầu thủ sớm hồi phục và đạt trạng thái tinh thần hưng phấn cho lượt trận kế tiếp. Các HLV trưởng ngoài vạch ra chiến lược trên sân cỏ, còn phải tính toán lợi thế cho đội nhà bằng một tầm nhìn xa. Chưa đòi hỏi đến yếu tố chuyên nghiệp bắt buộc cầu thủ phải có, chỉ một bước đi sai lầm lúc này cũng có thể đánh đổi bằng công cốc cả một mùa bóng chuẩn bị.
2. V-League 2021 sẽ diễn ra 8 vòng đấu liên tục và chắc chắn trận nào cũng có thể xem như “chung kết” với các CLB. Khi ĐKVĐ Viettel lặn ngụp dưới đáy bảng bằng vị trí thứ 11 (1 điểm sau 2 trận), Á quân Hà Nội FC xếp bét bảng với 2 trận toàn thua, chắc chắn cuộc đua sẽ không ít bất ngờ. Trong hoàn cảnh các CLB ở tốp đầu đang có phong độ cao như B.Bình Dương, Hải Phòng, SHB Đà Nẵng biết cách chắt chiu từng điểm số 1 thì không dễ họ chấp nhận bị lật đổ. Đặc biệt, V-League hiện tại không chứng kiến khoảng cách quá chênh lệch ở các đội bóng cũng nơi bất ngờ luôn có đất tồn tại.
Ở Top 6 bấy giờ, Hải Phòng, Sài Gòn FC, Đông Á Thanh Hóa và T.Bình Định là những CLB không được đánh giá cao về chiều sâu lực lượng. Sài Gòn FC thậm chí phụ thuộc nhiều vào Đỗ Merlo, chân sút ghi cả 2 bàn giúp CLB có 6 điểm sau 3 vòng. Việc đưa tân HLV Shimoda lên thay HLV Vũ Tiến Thành cũng chưa chắc sẽ giúp đội bóng này duy trì thành tích cao. Sài Gòn FC tính toán dài hạn cho tương lai và năm nay có vẻ không phải là thời điểm để họ hái quả ngọt.
Đội bóng cùng thành phố với họ là CLB TP.HCM sốt sắng đầu tư trên thị trường chuyển nhượng. Họ chấp nhận chơi cả 3 ngoại binh Brazil trên hàng công và hỗ trợ là Lee Nguyễn. Đội bóng chi đậm nhất V-League quyết tâm lớn, nhưng có vẻ chưa thỏa mãn triết lý bóng đá của HLV Polking. TP.HCM nếu không lọt TOP 6 sau lượt đi sẽ thực sự là thảm họa.
Việc VPF rút số đội đua vô địch từ 8 xuống còn 6 năm nay cũng là vấn đề lớn với nhiều CLB có tham vọng. Trong đó như đã đề cập, Hà Nội FC lẫn Viettel phải sớm vùng dậy nếu không muốn mất cả uy danh sau mùa giải này. Hà Nội FC đón sự trở lại của tiền vệ Moses giúp HLV Chu Đình Nghiêm có thể thở phào. Viettel với triết lý chắc chắn của HLV Trương Việt Hoàng có thể không còn lạ lẫm cho đối thủ, nhưng khi ông có Ngọc Hải trở lại ở vị trí trung vệ, hàng thủ của đội bóng áo lính sẽ cứng cáp hơn.
Những CLB tiềm ẩn khả năng gây bất ngờ sau giai đoạn 1 chính là T.Bình Định, HAGL. Hai đội bóng này sẽ chạm trán ở vòng 3 để phân tài cao thấp tại Pleiku. T.Bình Định chưa biết thua, còn HAGL phải dựa vào lợi thế sân nhà để có thêm 3 điểm. Trận đấu dù chưa nói lên nhiều điều nhưng có thể phần nào đoán định được năng lực chinh phục TOP 6 của cả hai.
Nhóm cuối bảng năm nay có đến 8 CLB và nhiều khả năng những cái tên quen thuộc như Nam Định, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, SLNA sẽ vật lộn với chính mình như trước. Than Quảng Ninh cũng là một “ứng viên” cho suất xuống hạng năm nay sau giai đoạn chật vật đầu mùa. 4 cái tên còn lại rất khó đoán định, đặc biệt khi Hà Nội FC lẫn Viettel đang “chiễm chệ” dưới đáy bảng sau 2 lượt đầu.
... và ông Park hưởng lợi
Bóng lăn trở lại giúp các cầu thủ có được niềm vui, và cũng giúp HLV Park Hang Seo thở phào để ông tính toán tập trung cho đội tuyển Việt Nam nhằm thi đấu nốt các trận còn lại của vòng loại thứ 2 bảng G World Cup 2022 khu vực châu Á. Điều lo lắng nhất đương nhiên là chấn thương của các trụ cột. Tuy nhiên, rủi ro trong bóng đá là điều bất cứ HLV nào cũng cần sẵn sàng đón nhận.
Theo lịch mới 8 trận kế tiếp mà VPF mới công bố, có 4 CLB phải đá 7 vòng do họ đã chơi vòng 3 trước khi tạm nghỉ. Sài Gòn FC sẽ có trận đấu ở vòng 4 diễn ra vào ngày 19/3 và khép lại vòng 10 vào ngày 17/4. Họ đá 7 trận trong vòng 29 ngày. Ba CLB còn lại gồm SLNA, Thanh Hóa, Nam Định đá 7 trận trong vòng 30 ngày. Than Quảng Ninh và Viettel là 2 đội đá 8 vòng đấu trong 33 ngày, trung bình 4,1 ngày/trận như Sài Gòn FC. SHB Đà Nẵng và Hà Nội FC có nhiều thời gian chuẩn bị hơn các đối thủ khi họ đá 8 trận trong 36 ngày, trung bình 4,5 ngày/trận. B.Bình Dương, T.Bình Định, HAGL, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cũng có lợi thế tương đối với 8 trận đấu trong 35 ngày. |
Việt Hằng
Tags