Bỏ qua những hạn chế mang tính muôn thuở, nửa chặng đường đã qua của V-League 2022 thực sự có nhiều nét tươi mới, đáng phấn khởi.
1. Đầu tiên, phải nhắc đến sự đón nhận của khán giả. Rất dễ nhận ra, người xem đã đến các sân đông hơn, một tín hiệu đáng mừng. Nhớ lại nhiều trận đấu ở mùa giải 2020 không thể đón khán giả hoặc có tạo điều kiện thì khán giả cũng không dám mạo hiểm đến sân bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. V-League 2021 còn bi đát hơn khi giải đấu phải hủy sau khi bóng đã lăn được 12 vòng.
Mất gần 6 tháng (từ tháng 9/2021 đến tháng 2/2022), người hâm mộ bóng đá mới được đến sân để xem giải chuyên nghiệp. Cần phải nhắc lại, khán giả còn bị thử thách sự kiên nhẫn, cảm giác “đói” bóng đá quốc nội khi V-League 2022 đá được 4 vòng phải nghỉ đến gần 4 tháng, nhường sân cho ĐTQG và U23 Việt Nam.
Rõ ràng, hiệu ứng sôi động từ SEA Games 31 ở Việt Trì, Cẩm Phả, Thiên Trường đã kéo khán giả đông đảo cho V-League. Thành công của ĐTQG, U23 Việt Nam giống như chất xúc tác tạo ra cảm hứng mãnh liệt cho người xem. Nhưng V-League phải hiểu rằng, yếu tố “đói” bóng đá nội hay cảm hứng từ ĐTQG sẽ nhanh chóng bị bão hòa nếu người xem không tìm thấy niềm vui mỗi cuối tuần đến sân cổ vũ.
Vì thế, lúc này V-League cần trân quý điều đó đồng thời phải làm sao tạo ra được sức hút của chính giải đấu để níu chân người hâm mộ. Sau hơn 2 năm “ngấm đòn” vì dịch giã, bóng đá nước nhà biết phải làm gì để dần dà thoát khỏi những trì trệ cố hữu lâu nay. Một khi đã oằn mình vượt qua được những “khúc cua” gian khó nhất, hầu hết những ai đang tham gia hoạt động bóng đá đều như hồi sinh khi được cùng nhau làm bóng đá.
Các CLB đã ý thức về việc phải đầu tư nghiêm túc, chỉn chu cho bóng đá. Mỗi đội bóng, tự thân các cầu thủ đã tôn trọng khán giả, trân quý và trọng nghề đá bóng mình đang theo đuổi. Sẽ thấy đa phần các CLB đều có sự lột xác về nhiều mặt. Một Hà Nội FC ngày càng chuyên nghiệp, giữ bản sắc, phát huy thương hiệu của mình. SLNA với nhà đầu tư mới đã dần lấy lại vị thế với chất “Nghệ” thấm đẫm nơi cầu thủ. Bình Định đã đầu tư rất lớn để rồi được mệnh danh như “PSG Việt Nam”. Hay như Đà Nẵng đang làm lại cùng “dòng máu trẻ” địa phương dưới bàn tay nhào nặn của HLV Phan Thanh Hùng.
Khép lại lượt đi, Hà Nội FC đang nắm “cờ” trong tay nhưng trước đó, ở vạch xuất phát đã có nhiều ứng viên hô xung phong “đua vô địch”. Hà Nội FC, Viettel, SLNA, Bình Định, HAGL đã lộ rõ tham vọng muốn xưng vương. Có lẽ, chỉ 2 đội bóng TP.HCM là trì trệ, dậm chân tại chỗ nếu không muốn nói đã thụt lùi.
2. Được chơi bóng với những khán đài sôi động cùng sự dõi theo của người hâm mộ, rõ ràng đã kích thích cầu thủ rất nhiều. Câu chuyện cầu thủ trẻ liệu có cơ hội thi thố ở sân chơi khốc liệt như V-League hay không bước đầu đã có lời giải.
Một “bộ ngũ” tuổi đôi mươi thường xuyên ra sân đá chính, đá ấn tượng được xem như điểm nhấn lớn nhất từ SHB Đà Nẵng. Chân sút U20 Bùi Vĩ Hào cạnh tranh lành mạnh cùng đàn anh Nguyễn Tiến Linh, tìm được chỗ đứng ở Bình Dương. Bộ đôi U23 Vũ Đình Lâm, Nguyễn Thanh Nhân vẫn được Kiatisuk sử dụng ở HAGL trong khi Đinh Xuân Tiến, Hồ Văn Cường, Hồ Khắc Lương đóng góp vào thành công của SLNA.
Ở lượt về, cầu thủ chơi rất hay trong màu áo U19 Việt Nam Khuất Văn Khang sẽ có cơ hội chơi bóng tại V-League năm nay. CLB Viettel đã quyết định đăng ký tiền đạo trẻ này vào danh sách đội 1, cùng hàng loạt cầu thủ U23 trước đó như Phan Tuấn Tài, Nhâm Mạnh Dũng, Nguyễn Xuân Kiên. Một làn sóng trọng dụng tài năng trẻ đã được các CLB áp dụng. Đấy là một tư duy hết sức tích cực, bởi lâu nay vì áp lực thành tích, các đội bóng chủ yếu sử dụng các cầu thủ thành danh, cùng ngoại binh, làm ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phát triển của nhiều ngôi sao trẻ.
HLV Park Hang Seo và Gong Oh Kyun liên tục thân chinh dự khán để tuyển chọn lực lượng cho ĐTQG và U23 Việt Nam. Được thi đấu dưới sự thẩm định của ông Park, ông Gong đã tạo thêm động lực thi đấu cho các cầu thủ hòng lọt vào mắt xanh các HLV trên tuyển.
Nhìn vào những áp đảo của Hà Nội FC khi khép lại lượt đi đã chuyển tải thông điệp quan trọng: Quyết tâm cao độ cùng vũ khí tinh thần là chưa đủ. Các CLB chuyên nghiệp Việt Nam cần xây dựng hướng đi mới hơn, dựa trên nền tảng kinh tế vững mạnh, công tác đào tạo trẻ phải bền bỉ. Đó như những nền tảng để có được một CLB chuyên nghiệp thực thụ.
Vui mừng trước rất nhiều biến chuyển tích cực của giải chuyên nghiệp nhưng những điểm yếu cốt tử vẫn còn đó để dấy lên nỗi lo. Ví như sự yếu kém trọng tài, bạo lực sân cỏ; pháo sáng hay biểu hiện chưa chuẩn mực ở một số nhóm cổ động viên. Giai đoạn lượt về sẽ quyết định nhiều thứ quan trọng, cần có những bài học kinh nghiệm rút ra để điều chỉnh, giảm thiểu những sai sót như đã có.
Cùng chờ những nét tích cực hơn nữa cho chặng đường còn lại của giải đấu.
Trần Tuấn
Tags