(Thethaovanhoa.vn) - V-League năm nay ngắt quãng, thời gian các CLB dành cho các đội tuyển nhiều nên cả họ lẫn BTC đều rất ám ảnh khi không có tính ổn định.
- Trưởng BTC V.League Nguyễn Minh Ngọc: 'Khán giả cần phải chuyên nghiệp'
- Cuộc đua vô địch V.League 2017: 30 chưa phải là Tết!
- V.League 'đánh bạc' với cầu thủ ngoại
Khó tìm ngoại binh
Hiện có 32 ngoại binh và 7 cầu thủ nhập tịch đã đăng ký thi đấu giai đoạn lượt về V-League 2017 nhưng xem ra không có khuôn mặt mới nào thật nổi trội. Các đội nhà nghèo HAGL, Long An, Sài Gòn, S.Khánh Hòa và SLNA chỉ đăng ký đúng 2 ngoại binh, Long An đang đứng cuối BXH nhưng cũng không có tiền để chiêu mộ cầu thủ nhập tịch. Có 7 CLB “nhà giàu” đăng ký 2 ngoại binh và 1 cầu thủ nhập tịch, đó là B.Bình Dương, FLC Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Nam, SHB.Đà Nẵng, TP HCM và XSKT. Cần Thơ. Do thi đấu AFC Cup nên Hà Nội và Quảng Ninh được lợi thế hơn khi đăng ký 3 ngoại binh và 1 cầu thủ nhập tịch.
Dù có các bản lý lịch khá hoành tráng nhưng tiền đạo “khủng” Da Sylva (CLB TP.HCM) vẫn không thể ghi bàn khi đối mặt thủ môn Nguyên Mạnh (SLNA). Hành quân ra Bắc, có ngoại binh mới Long An đã có 2 trận dẫn trước nhưng rốt cuộc vẫn trắng tay ra về. Có thể nói Đỗ Merlo, Omar, Fagan, Stenves, Lê Văn Phú, Nguyễn Văn Bakel… vẫn là những cái tên được kỳ vọng hơn cả.
Nếu như HAGL là đội bóng dùng cả 2 ngoại binh cho hàng phòng thủ thì Hà Nội FC, SHB.Đà Nẵng, Long An, Sài Gòn, SLNA là những đội ưu tiên ngoại binh cho hàng công. SLNA là đội bóng duy nhất đang thành công trong việc dùng tiền đạo ngoại Olaha hỗ trợ cho khâu phòng thủ từ xa mà khá giả xứ Nghệ gọi là “hộ thủ”.
Mưa bàn thắng
Do chỉ đá 3 trận rồi tạm nghỉ nên các đội chơi “tất tay” và vì thế số bàn thắng tăng đột biến, lần lượt là 23, 25, 31 bàn thắng. Vòng 15 vừa lập kỷ lục về số bàn thắng thì vòng 16 đã phá kỷ lục này. Nếu như lượt đi, số bàn thắng trung bình chỉ 2,58 bàn/trận thì “màn khởi động” con số 3,76 bàn/ trận, tăng vọt lên. Trong đó, kỷ lục là trận FLC Thanh Hóa - HAGL có đến 8 bàn thắng được ghi khiến mãn nhãn người xem, hay các trận FLC Thanh Hóa thắng SHB Đà Nẵng 3-2, Hải Phòng thắng Long An 3-2, Quảng Nam hòa SLNA 3-3 có chất lượng chuyên môn khá cao.
Suốt cả lượt đi V-League 2017 rất ít trận đấu kịch tính, diễn biến trên sân liên tục thay đổi, các đội mạnh dạn chơi đôi công. Trong khi đó, 3 trận mở màn lượt về duy nhất vòng 15, trận TP HCM gặp FLC Thanh Hóa là không có bàn thắng. Khi gần như Long An sẽ khó vùng vẫy khỏi vị trí xuống hạng, các đội có tâm lý thi đấu thoải mái hơn, kéo theo chất lượng chuyên môn cao hơn.
Không mấy quốc gia có 1 giải đấu kéo dài 12 tháng như V-League 2017, đúng là “đêm dài, lắm mộng”.
Nóng ở khán đài
Pháo sáng ở sân Mỹ Đình hay những tranh cãi quanh quyết định kỷ luật Hội CĐV Hải Phòng là sự kiện tốn nhiều giấy mực của báo chí. Người hâm mộ cứ liên tưởng đến VFF đang “dùng gậy đánh ma” khi tuyên phạt mà bản án không đến tay đối tượng vì các Hội CĐV Hải Phòng ấy chưa bao giờ tồn tại trên giấy tờ, tất nhiên vì thế nên không có người đứng đầu, không có trụ sở. Phải khá khen cho giám sát trận đấu Thái Tuấn, cùng BTC sân Cần Thơ đã khôn khéo xử lý khi đối diện với Hội CĐV Hoa phượng đỏ (biến thể của Hội CĐV Hải Phòng) và các cổ động viên áo đỏ. Nhưng nó bộc lộ một khoảng trống trong cách điều hành, xử lý sự cố của BTC V-League đối với công tác cổ động viên.
Khá nhiều lão tướng sân cỏ rất ngạc nhiên khi có hơn 10 ngàn khán giả xứ Nghệ với 5.000 tấm biển giấy có in số 9 (số áo của Công Vinh) trong tay đến sân Thống Nhất để tôn vinh ông bầu của CLB chủ nhà. Người ta tưởng rằng, ý tưởng tri ân Công Vinh, đội trưởng đội tuyển quốc gia phải sau nhiều năm tháng đóng góp cho bóng đá nước nhà phải do VFF chứ không phải từ Hội CĐV SLNA phía Nam.
Người hâm mộ cũng ghi nhận Bắc Á Bank đã “chơi đẹp” khi bắt đầu mở hầu bao gói ngân sách 400 triệu đồng/năm cho công tác cổ động sân cỏ (không điều kiện) cho cổ động viên xứ Nghệ. Không biết rồi đây nghịch cảnh “đá sân nhà như sân khách” của SLNA có vì thế mà chấm dứt được không, người trả lời lại là HLV Đức Thắng!
Đông Hùng
Thể thao & Văn hóa
Tags