(Thethaovanhoa.vn) - Đội bóng Hải Phòng đang có một “mỏ vàng” chưa được khai phá hết. Mỏ vàng ấy chính là 28.000 CĐV đã có mặt trên khán đài Lạch Tray cuối tuần qua.
- CĐV Hải Phòng, Thanh Hóa hợp sức 'đại náo' sân Hàng Đẫy
- CĐV Hải Phòng 'tiếp lửa' cho đội bóng xứ Thanh tại Hàng Đẫy
- CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng, BTC sân Khánh Hòa bị phạt 15 triệu đồng
Những thống kê của VPF khẳng định 28 nghìn CĐV đã có mặt tại sân Lạch Tray chiều ngày 18/9 trong trận Hải Phòng thắng Sông Lam Nghệ An 3-0. Kết quả ấy là không đủ để giúp Hải Phòng vô địch vì cùng thời điểm đó, Hà Nội T&T cũng thắng Thanh Hóa 2-0, xếp trên nhờ chênh lệch chỉ số phụ.
Nhưng khi trận đấu kết thúc, điều còn đọng lại trong tâm trí những người yêu bóng đá, điều quan trọng hơn cả những chiếc Cúp là hình ảnh hàng nghìn CĐV ùa xuống sân Lạch Tray.
Con số 28 nghìn có lẽ chưa phản ánh đúng số lượng CĐV tới sân hôm đó. Vì khán đài Lạch Tray với sức chứa lên đến 30.000 người đã kín chỗ. Hàng nghìn CĐV phải đứng theo dõi trận đấu từ các cửa ra vào, phải đứng dưới đường piste, phải ngồi trên các hàng rào, trên thành khán đài. Đó là chưa kể hàng trăm cổ động viên khác theo dõi trận đấu từ các tòa nhà cao tầng quanh sân vận động cùng hàng nghìn người khác không vào được bên trong sân.
CĐV Hải Phòng tràn xuống sân Lạch Tray ăn mừng như thể đội nhà vô địch.Ảnh: Thanh Hà
Con số 28 nghìn ấn tượng như thế nào? Hãy lấy một so sánh: 13.000 là số CĐV tới sân trong trận Hoàng Anh Gia Lai thắng 4-2 trước Sanna Khánh Hòa tại vòng 1 V-League 2015. Trận đấu đó là màn ra mắt của lứa Công Phượng, Tuấn Anh tại giải quốc nội.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, chỉ một trận bóng duy nhất ở Việt Nam có nhiều CĐV hơn trận này. Đó là trận thua 0-3 của tuyển Việt Nam trước Thái Lan ở vòng loại World Cup tại Mỹ Đình. Trận ấy có 35.000 CĐV.
Số lượng chưa phải là tất cả câu chuyện về CĐV Hải Phòng.
Khi tiếng còi khai cuộc vừa vang lên, 18 tấm ảnh khổ lớn được kéo lên từ các cột cờ phía sau khán đài B. Đó là chân dung của 18 cầu thủ Hải Phòng. Ở trung tâm khán đài B là chân dung huấn luyện viên trưởng Trương Việt Hoàng. Tất cả được một CĐV Hải Phòng tự nguyện vẽ bằng tay,
Tại sân Hàng Đẫy cũng có những tấm ảnh như thế. Nhưng đấy là những tấm ảnh chụp của CLB tự giăng lên.
Suốt thời gian diễn ra trận đấu, hàng chục quả pháo sáng đã được đốt. Pháo sáng nhiều tới không đếm xuể. Sau trận, hàng nghìn CĐV ùa xuống sân chung vui cùng đội Hải Phòng.
Lần cuối cùng CĐV Việt Nam ùa xuống sân như thế là khi nào? Đấy là ở trận giao hữu U23 Việt Nam gặp Hà Nội T&T tại Hàng Đẫy hồi tháng Ba năm ngoái.
Tình yêu phá vỡ các quy luật
Những thống kê ấn tượng, các hình ảnh hiếm hoi ấy đã cùng tới trong một trận đấu. Tình yêu của người hâm mộ Hải Phòng đã vượt qua những quy luật thông thường của bóng đá chuyên nghiệp.
Thứ nhất, Hải Phòng là đội bóng hiếm hoi tại V-League không có Hội CĐV chính thức. Thành phố hoa phượng đỏ có rất nhiều nhóm CĐV riêng lẽ, mỗi nhóm có một người lãnh đạo khác nhau. Quá trình nhất thể hóa Hội CĐV Hải Phòng đã được xúc tiến từ lâu nhưng cho tới hôm nay vẫn chưa thành công. Một đội bóng không có Hội CĐV chính thức, một phong trào không có người lãnh đạo, một lực lượng tự phát khó lòng tạo ra những màn cổ vũ ấn tượng như thế. Vậy mà họ vẫn làm được.Thứ hai, đội bóng Hải Phòng gần như không có tính địa phương. Vài năm trước, phần lớn đội hình Hải Phòng có gốc gác... Khánh Hòa. Đinh Xuân Việt, Văn Nam, Minh Châu, Phan Đình Vũ Hải và Vũ Ngọc Thịnh là những cái tên bản địa hiếm hoi trong đội hình Hải Phòng. Trong số đó, chỉ một mình Ngọc Thịnh có suất đá chính.
Thành công của Hải Phòng được tạo dựng trên đôi chân của những người Thanh Hóa, Nghệ An và... Jamaica. Đoàn quân ấy được lãnh đạo bởi 1 HLV người Hà Nội, người cũ của Thể Công.
Thứ ba, Hải Phòng là đội bóng không có ngôi sao. Đội hình của họ là tập hợp của những cầu thủ đi mượn, tài năng trẻ nở muộn và các lão tướng đã hết thời. Ngôi sao số một của Hải Phòng - Lê Văn Thắng, chỉ là phương án thứ 5 trên hàng công tuyển Việt Nam.
Công thức tình yêu
Tình yêu của người hâm mộ đất cảng đi ngược mọi lý lẽ thông thường. Nhưng nó cũng cho thấy những sự thay đổi trong quan điểm cổ vũ bóng đá ở Việt Nam.
1. Tính địa phương là ưu tiên quan trọng nhưng không còn là điều kiện đảm bảo cho tình yêu của CĐV. Ngoài Hải Phòng, Hoàng Anh Gia Lai là một ví dụ khác cho chuyện này.
2. Người hâm mộ đang trở nên dễ tính hơn. Khi đời sống bóng đá ngày càng điên đảo và nhức nhối bởi tiêu cực, người ta càng khát khao được nhìn thấy thứ bóng đá tử tế, khát khao tìm tới những giá trị nguyên sơ của thể thao. Họ đã tìm thấy điều đó ở Hải Phòng - một đội bóng hạng trung không ngôi sao, một đội bóng bình thường đã làm được những điều phi thường.
Hải Phòng tầm thường ấy làm người ta dễ yêu và dễ cảm. Vì Hải Phòng gần gũi và rất đời. Vì nhìn Hải Phòng thi đấu, người hâm mộ thấy cuộc sống vẫn còn những câu chuyện cổ tích, những điều tốt đẹp.
Khi Hải Phòng thua SHB Đà Nẵng 0-3 tại vòng 17, HLV Trương Việt Hoàng từng phải lên tiếng: “Thay mặt đội bóng, tôi gửi lời xin lỗi đến toàn thể NHM bóng đá Hải Phòng. Những lúc khó khăn như thế này này, tôi mong người hâm mộ luôn đồng hành cùng đội bóng để vượt qua những khó khăn sắp tới”.
Đêm Lạch Tray 18/9, Việt Hoàng đã không cần phải nói bất kỳ điều gì. Ngay cả khi Hải Phòng mất ngôi vô địch, vẫn không ai ngăn được biển người đổ xuống Lạch Tray. Nếu có danh hiệu đội thua trận được cổ vũ nhiều nhất, Hải Phòng chắc chắn giành giải.
Hải Phòng cần có Hội CĐV chính thức Ít ngày trước khi 28.000 CĐV Hải Phòng tới Lạch Tray, VPF đã trao giải Hội CĐV tốt nhất tháng 8 cho Than Quảng Ninh. Còn CĐV Hải Phòng, bất chấp những ấn tượng đã tạo ra, sẽ không bao giờ được trao danh hiệu ấy. Để được thừa nhận, Hải Phòng cần có Hội CĐV chính thức. Sự ra đời Hội CĐV cũng sẽ giúp CLB có điều kiện phát huy nguồn lực to lớn ấy. Họ cũng cần phải kiểm soát các hành động quá đà của CĐV tốt hơn. Hãy nhớ rằng Lạch Tray chính là sân VĐV đốt nhiều pháo sáng và bị phạt nhiều nhất V-League. |
Bạch Dương
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Tags