(Thethaovanhoa.vn) - Nếu Quang Hải xuất ngoại, kế hoạch của đội tuyển Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Đó là điều mà HLV Park Hang Seo đang lo ngại. Nhưng để bóng đá Việt Nam thực sự vươn mình, chúng ta cần nhiều hơn những ngôi sao dám dấn thân như vậy.
1. “Chúng ta làm gì có cầu thủ nào xuất sắc hơn Quang Hải ở vị trí ấy. Tôi nghĩ VFF cần tham vấn, cần đưa các nội dung vào hợp đồng tới của Quang Hải nhưng đây sẽ là việc của VFF chứ không phải tôi”, HLV Park Hang Seo đã chia sẻ như thế trong một buổi gặp gỡ truyền thông mới đây.
Lo lắng của ông Park là có cơ sở. Nếu Quang Hải thi đấu ở nước ngoài, anh sẽ không được phép trở về để tham dự các giải không thuộc hệ thống FIFA như AFF Cup, SEA Games, ASIAD. Mà đối với bóng đá Việt Nam, đây mới là những mục tiêu vừa sức, và cũng được quan tâm nhất. Giống như trường hợp của Đặng Văn Lâm (Cerezo Osaka), ĐTVN sẽ phải thảo luận với CLB chủ quản nếu muốn gọi Quang Hải về. Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, ông Park đã phải rất cố gắng để đưa Văn Hậu từ Heerenveen về dự SEA Games 30, và anh đã góp công lớn vào tấm HCV SEA Games.
Nhưng trải nghiệm của Văn Hậu tại SC Heerenveen là một thất bại với vỏn vẹn 4 phút ở Cúp Hà Lan. Quang Hải không thể đi theo vết xe đổ ấy. Và để thành công hơn đàn em người Thái Bình, ngoài tài năng, quyết tâm, sự lựa chọn bến đỗ đúng đắn, anh cần phải có sự tập trung nhất định cho sự nghiệp cấp CLB, giống như nhiều cầu thủ nhà nghề khác, thay vì phải tốn sức cho những giải đấu không nằm trong hệ thống FIFA.
Vả lại, với một cầu thủ đã sưu tập đầy đủ các danh hiệu ở trong nước và khu vực, từ tập thể (V-League, SEA Games, AFF Cup) cho tới cá nhân (Quả bóng Vàng 2018) thì anh cần chinh phục những mục tiêu mới, để nâng tầm chính bản thân mình.
2. Dĩ nhiên, những rủi ro là có thật. Quang Hải sẽ phải làm quen với nền văn hóa mới, giao tiếp bằng một ngôn ngữ mới, làm quen với những đồng đội (và đối thủ) mới. Anh cũng sẽ đối mặt với nguy cơ phải làm quen với băng ghế dự bị, thiếu cảm giác và sa sút phong độ, như Công Vinh, Xuân Trường, Công Phượng, và Văn Hậu từng trải qua.
Nhưng đây là một thử thách mà Quang Hải cần phải dấn thân. Ở tuổi 25, anh đang ở vào độ tuổi đẹp nhất của một cầu thủ và sẽ thật tuyệt nếu có thể phát tiết ở một giải đấu đẳng cấp hơn V-League. Để so sánh, Chanathip sang Nhật Bản năm 24 tuổi sau khi đã khẳng định mình ở BEC Tero Sasana và Muang Thong United. Vì tập trung cho sự nghiệp CLB, “Messi Thái” cũng không ít lần không thể về ĐTQG, nhưng chứng kiến anh đá trong màu áo “Voi chiến”, có thể thấy đó không phải vấn đề lớn.
Tất nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng, song như chuyên gia Vũ Mạnh Hải từng chia sẻ, “Khi anh đã là cầu thủ tốt, lại được thi đấu thường xuyên với các đối thủ đỉnh cao, thì chuyện không tập thường xuyên cho ĐTQG cũng không quá quan trọng. Khả năng nhận thức, tư duy và tiếp thu ý tưởng của những cầu thủ giỏi rất là nhanh ". Và ngay cả khi Quang Hải không thể trở về ĐTQG, đó cũng không hẳn là tín hiệu xấu. Một HLV thì luôn phải nghĩ 2,3 phương án trong tay, chứ không chỉ lệ thuộc vào một ngôi sao. Chẳng phải khi Hùng Dũng vắng mặt, chúng ta đã chứng kiến sự vụt sáng của Hoàng Đức đó sao.
Tóm lại, xuất ngoại vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội rất lớn cho Quang Hải, và cho cả bóng đá Việt Nam.
Phương Chi
Tags