(TT&VH) - Xin nói luôn, đó là 4/5 cái tên thuộc biên chế của Hà Nội T&T vừa bị ban Kỷ luật VFF ra án do liên quan đến những điều tiếng không hay từ trận chung kết Cúp QG 2012 với Sài Gòn Xuân Thành. Nhân vật còn lại là trợ lý HLV thủ môn Trần Tiến Anh, người bị xem là đã có những phản ứng thái quá với tổ trọng tài và bị truất quyền chỉ đạo từ nửa cuối hiệp nhì trận đấu ở Thống Nhất hôm đó.
Trong khi trợ lý Trần Tiến Anh, Văn Quyết, Ngọc Duy và Ngọc Tú lần lượt “chỉ” bị phạt tiền, cấm chỉ đạo (hoặc thi đấu) trong khuôn khổ Cúp QG từ năm sau, thì Quốc Long ê chề nhất, với việc bị loại khỏi danh sách tập trung ĐTQG lần này, vì sợ sẽ làm tổn hại bộ mặt ĐTVN.
Trước khi đầu quân cho HN.T&T và trở thành một phần của U23 QG tham dự SEA Games 26 tại Indonesia cuối năm ngoái, Quốc Long được biết đến như một trong những sản phẩm ưu tú cuối cùng của lứa cầu thủ trẻ tài năng mà lò Thể Công để lại. Sự tiến bộ không ngừng của một cầu thủ có căn cơ chính là lý do cơ bản để lần đầu tiên hậu vệ này được triệu tập lên ĐTQG trong quá trình chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2012.
Người ta đã so sánh Quốc Long với Âu Văn Hoàn (SLNA) cho cùng vị trí hậu vệ phải, thấy cũng một 8, một 10, nhưng thành tích cấp CLB của Hoàn lại khiêm tốn hơn đồng nghiệp và cũng là đồng đội cũ ở U23 QG, chứ không hẳn là sự lựa chọn cảm tính của tân HLV trưởng Phan Thanh Hùng, thầy của Quốc Long tại HN.T&T. Về mặt chuyên môn thuần túy, Quốc Long xứng đáng được ghi nhận, bằng tất cả sự trọng thị của thầy và đồng nghiệp.
Liệu thủ môn Ngọc Tú có hối hận với hành động phản cảm của mình? Ảnh: Quang Nhựt
Nhưng ngay vào thời điểm được kỳ vọng nhất, thì Quốc Long lại dính “phốt”. “Phốt” với ai, chứ lại nhằm ngay vào nhà báo! Nói thẳng, cầu thủ thuộc biên chế HN.T&T đã quá ngông cuồng. Nhà báo không đợi Long “phun châu nhả ngọc” hay có hành động phản cảm, để chụp hay ghi lại và “đánh hội đồng”, nhưng khi cần làm bằng chứng trong việc định hướng, giáo dục hay đơn thuần là thông tin rộng rãi với dư luận, thì đó cũng chính là chức năng của báo chí.
Trảm quân (hay tướng) trước giờ xung trận là điều chẳng đặng đừng, nhưng thế giới cũng không ít những viện dẫn về việc HLV trưởng có thể thẳng tay loại bỏ những nhân vật thuộc tầm ngôi sao khi giải đấu đang diễn ra. Thủ quân Roy Keane của CH Ireland ở World Cup 2002 hẳn phải là tấm gương cho tất cả. Trên bình diện ĐTQG, Quốc Long chưa đạt đến tầm của Roy Keane năm nào, và hy vọng đây là bài học đắt giá khi Long còn muốn phát triển sự nghiệp.
Bóng đá là môn thể thao vua ở phần lớn các quốc gia trên thế giới và bằng chứng là nó luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Từ lục địa đen, đến Nam Mỹ, Âu châu và cả vùng trũng (bóng đá) như Đông Nam Á, cầu thủ luôn được trọng vọng. Ở tầm ngôi sao, cầu thủ còn là thần tượng, là tấm gương cho cả một thế hệ trẻ ở đất nước của họ soi vào, phấn đấu…, là liều thuốc chữa lành những tổn thương, bệnh tật…
Những Beckham, Messi hay George Weah ở Liberia xa xôi trước đây, đều đã và đang cố gắng xây dựng hình ảnh tốt đẹp về mình, vì những điều cao cả như thế. Vậy còn ở VN?! Phần lớn những cầu thủ chuyên nghiệp của chúng ta đều chưa ý thức được sự trọng vọng của xã hội vào mình. Máu ăn thua, cùng thói quen hành động kiểu chợ búa vì thế xuất hiện nhan nhản trên sân bóng. Quốc Long, Ngọc Tú được gì sau giây phút “thăng hoa” ấy?! Tự mãn, rồi hối hận?!
Tùy Phong