(Thethaovanhoa.vn) - Nụ cười, trang phục tưởng chừng là những thứ nhỏ nhặt với một đội tuyển bóng đá nam của Quốc gia, nhưng với HLV Kiatisak và bóng đá Thái, bài học về thương hiệu và hình ảnh khiến cho họ không bao giờ được dễ dãi với những điều nhỏ nhất.
Đội tuyển là bộ mặt của quốc gia
Kể từ ngày HLV Kiatisak nhậm chức HLV trưởng ĐT U23 Thái Lan và sau này là ĐT Thái Lan, ông và những người trong bộ máy lãnh đạo bóng đá quốc gia này có sự thỏa hiệp ngầm về việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho đội tuyển. Không chỉ cần làm bóng đá sạch từ gốc, Thái Lan muốn một hình ảnh đẹp của đội tuyển được truyền tải ra thế giới.
Chưa một lần các phóng viên chứng kiến HLV Kitiasak tỏ thái độ giận dữ hay khó chịu trong mỗi lần họp báo hay trả lời trực tiếp ngoài sân bóng. Mỗi lần HLV 43 tuổi này xuống xe buýt của đội ông lại nở một nụ cười chứ không vội vàng hay cố ý né tránh ống kính máy ảnh và máy quay.
Các tuyển thủ Thái Lan thừa hưởng phong cách ấy từ HLV trưởng của họ. HLV Kiatisak yêu cầu tất cả các học trò mỗi lần đội tuyển đi thi đấu đều phải mặc vest khi ra sân bay hoặc di chuyển đến sân trước khi thi đấu, đôi khi ông cho phép mặc áo phông, nhưng tất cả phải đồng bộ và có dấu ấn thời trang.
Hình ảnh một đội tuyển Thái Lan mặc vest khi sang Việt Nam chuẩn bị cho trận đấu tại vòng loại thứ hai World Cup 2018 khiến nhiều người ngỡ ngàng. Với các nền bóng đá phát triển đó không còn là điều lạ, nhưng ở Đông Nam Á, Thái Lan lại đi đầu trong việc học tập các xu hướng.
ĐT Việt Nam dưới thời HLV Calisto cũng từng làm như vậy. Thầy “Tô” từng phải dạy một vài cầu thủ thắt cà vạt và chắc chắn ông cũng mong muốn xây dựng một hình ảnh đẹp cho đội tuyển như Kiatisak. Thế nhưng, từ khi HLV người Bồ Đào Nha ra đi, điều ấy đã không còn được duy trì.
Không những thế, các tuyển thủ Thái Lan cũng cực kỳ coi trọng vấn đề bản quyền hình ảnh khi lấn sân sang các lĩnh vực giải trí khác. Tiền vệ Charyl Chappuis còn là người mẫu cho nhiều nhãn hàng thời trang và làm đẹp như Calvin Klein hay Nivea ở Thái Lan. Chanathip Songkrasin hay Sarach Yooyen là đại diện cho nước tăng lực Sponsor ở Thái.
HLV Kiatisak từng tự hào khi nói rằng “các cầu thủ của tôi không chỉ là cầu thủ bóng đá. Họ còn được các thương hiệu săn đón để làm người mẫu hoặc đại diện hình ảnh cho nhãn hàng của họ” và một làn gió bóng đá mới đang thổi qua xứ sở chùa vàng.Sự thừa hưởng từ một nền bóng đá đi đúng hướng
Mới đây, câu chuyện Đồng Nai và Phú Yên xin rút khỏi giải hạng Nhất 2017 khiến giải đấu chỉ còn 7 đội là điều đã trở thành… bình thường tại Việt Nam. Kể từ ngày giải VĐQG đổi tên thành V-League, hay giải hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba ra đời, bóng đá Việt Nam luôn đối mặt với sự bất ổn ở số lượng đội bóng tham gia.
Năm 2000, V-League có 10 đội, sau 16 năm con số ấy mới là 14. Giải hạng Nhất thì từ 14 đội giờ chỉ còn một nửa. Nhìn sang Thái Lan, từ năm 2007, giải VĐQG Thái Lan - Thai League có 10 đội, sau 9 năm đã tăng lên 18 đội. Thai League 2 từ 12 đội tăng lên 16 đội. Thai League 3 từ 10 đội (năm 2006) tăng lên thành 32 đội. Thai League 4 từ 10 đội (năm 2006) giờ đã là 64 đội, đó là chưa kể hơn 100 đội bóng đang đá ở giải nghiệp dư Thái Lan.
Những câu chuyện về sự phát triển của bóng đá Thái Lan càng khiến khoảng cách giữa họ và Việt Nam trở nên xa hơn, sự chuyên nghiệp đến từ mọi khía cạnh. Ích lợi từ điều ấy đã thấy rõ khi HLV Kiatisak có một nguồn cung dồi dào cầu thủ, Siroch Chatthong là tiền đạo đá ở giải hạng Nhất cũng vẫn được đá chính thường xuyên.
Toyota tài trợ cho V-League 30 tỷ đồng, thì với Thai League, họ tài trợ gấp 3 con số ấy. Với những người doanh nghiệp, họ đầu tư vào những thứ khiến họ tin tưởng có thể sinh lời hoặc chí ít là đem lại ích lợi dài lâu.
Hiếu Lương
Thể thao & Văn hóa
Tags