(Thethaovanhoa.vn) - Vài mùa bóng gần đây, thành tích thi đấu của SLNA bết bát, nguyên nhân chính là ngoại binh quá kém. Fan xứ Nghệ cho rằng “lúc nào nội binh cõng được ngoại binh", SLNA sẽ xoay chuyển tình hình.
- SLNA 'mất quà' tại Bình Dương
- SHB Đà Nẵng – SLNA 0-1: Đội thắng đội thua cùng kêu ca trọng tài
- Thua trận, SLNA chỉ trích Hà Nội chơi thiếu fair play
Nội “cõng” ngoại
Việc ký hợp đồng với cầu thủ tại SLNA thuộc diện “bí mật”, ngay cả cầu thủ có chuyên môn tốt, chấp nhận lót tay chỉ bằng 2/3 đội khác, thậm chí như Công Vinh, một cầu thủ có chuyên môn tốt còn cho CLB “nợ”, vẫn không xong. Đội trưởng Quang Tình phải ra đi một cách tức tưởi khi chính SLNA đang thiếu thủ lĩnh tuyến giữa… Việc mua ngoại binh thì còn ngạc nhiên hơn, do “lỗi thằng đánh máy” nên Henry, cầu thủ có 6 bàn thắng lại bi out, Olaha khi đó mới chỉ có được 1 bàn thắng lại được giữ lại. Người ta báo, do CLB không tái ký nên mấy vòng đấu cuối Henry không chịu đá, chứ không anh ta còn ghi được nhiều bàn thắng hơn nữa.
Trong 2 ngoại binh, Danko đang là mẫu tiền đạo “tấn công không ghi bàn” bởi thể lực, thể hình thất thế trong tranh chấp, lại chỉ đá được 1 kèo nên trận gặp B.Bình Dương dù được Phi Sơn “dọn cỗ” nhưng đành chịu. Olaha lại ngày càng xa khung thành đối phương. Cứ đà này, anh ta sẽ dành danh hiệu “tiền đạo có khả năng phòng ngự xuất sắc nhất V-League!”.
Điều đó khiến khá nhiều năm gần đây, các cầu thủ trẻ SLNA phải è cổ gánh các ngoại binh có lương cao hơn mình. Chưa kể, để “cứu sếp”, nên trận nào BHL cũng “tắm trắng” cho Danko vào sân chạy loăng quăng tí, như trận trên sân Gò Đậu. Đến khi Phúc Tịnh vào thay ngoại binh này thì SLNA mới lấy lại được thế trận.
Phải đến vòng đấu 18, trên sân Hòa Xuân của SHB Đà Nẵng khi các cầu thủ nội hàng công như Phi Sơn, Thế Cường, Phúc Tịnh thi đấu khởi sắc, lối đá của SLNA mới đường nét. Nói không ngoa, Phi Sơn và các đồng đội đang “cõng” ngoại binh, ngược lại với hầu hết các đội dự V-League hiện nay. Thực tế, 2 trận đá sân khách khi các nội binh đá dính kết, chịu khó di chuyển, mạnh dạn cầm bóng, thì lối đá của đội bóng xứ Nghệ có hồn hơn hẳn và hễ Danko ra khỏi sân là thế trận tốt hơn. Có lẽ BHL SLNA đã làm rất tốt công tác tâm lý để các nội binh không so bì với các ngoại binh hầu như không đóng góp gì lớn trong các chiến thắng của đội.
Đừng để sai lầm thêm
Nếu “vứt đống tiền qua cửa sổ” mua Danko và Olaha mà cuối mùa bóng lại không giữ chân được Phi Sơn, linh hồn của hàng công đội bóng xứ Nghệ thì đúng là CLB đã chạm vào sự tự ái của hàng vạn người hâm mộ xứ Nghệ. Những người am hiểu đội bóng này đều biết việc đi - ở của các cầu thủ SLNA, nhất là ngoại binh không đơn thuần do các thành viên BHL, đặc biệt là HLV trưởng Đức Thắng.
Đây không phải là lần đầu tiên những “nghịch cảnh” như vậy xảy ra ở SLNA, người ta không hiểu tại sao nhà tài trợ Bắc Á lại không có tiếng nói gì. Thậm chí có fan hâm mộ còn đặt câu hỏi ngược: Phải chăng người đại diện của Bắc Á cũng lâm vào tình trạng “khó ăn, khó nói” bởi những chi phối ngoài chuyên môn?
Riêng mùa bóng này, không biết đến bao giờ Danko ghi bàn thắng đầu tiên để bớt đi lời đàm tiếu trên khán đài. Và câu hỏi “bao giờ nội binh hết phải cõng ngoại binh?”, xin chuyến cho Bắc Á và lãnh đạo CLB SLNA.
Con trai ông Nguyễn Hồng Thanh rất oai! Phát biểu với báo chí, các sếp SLNA luôn kêu ca việc thiếu kinh phí nhưng mùa bóng nào đội bóng xứ Nghệ cũng có cách tiêu tiền khó hiểu, nhất là việc mua ngoại binh. Nhìn Danko sau 4 vòng đấu, 0 ghi bàn, 0 kiến tạo và tất nhiên không để lại ấn tượng gì khiến nhiều khán giả lắc đầu ngán ngẩm. Điều đáng nói, sau lượt đi bất cứ ai cũng hiểu, SLNA không cần mua thêm ngoại binh, hãy dành tiền ấy để tái ký hợp đồng với Phi Sơn và các cầu thủ khác. “Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu” (ám chỉ con trai ông Nguyễn Hồng Thanh phụ trách mảng tuyển ngoại binh), nên rốt cuộc đến phút 89, sau 2 ngày thử việc Danko được ký hợp đồng trong sự ngỡ ngàng. Thậm chí không biết ai là người quyết định vì lúc đó BHL và các cầu thủ đang di chuyển vào Tam Kỳ để chuẩn bị cho trận đá với Quảng Nam. |
Đông Hùng
Tags