Điều gì sẽ xảy ra nếu như Nhâm Mạnh Dũng không phải là tác giả ghi bàn thắng duy nhất vào lưới Thái Lan ở chung kết SEA Games 31, đưa U23 Việt Nam vô địch? Chỉ biết rằng, sau bàn thắng đó khán giả Việt Nam mới biết đến anh nhiều, tạo động lực lẫn niềm tin cho cầu thủ trẻ này trên hành trình khám phá giới hạn bản thân.
Nói thế bởi lứa Nhâm Mạnh Dũng, cho đến trước thềm SEA Games 31, khán giả nhiều người không thuộc tên. Cũng dễ hiểu bởi những màn trình diễn trước đó của Dũng và đồng đội, cứ nhợt nhàn, bình bình.
Ngay cả khi đã tham chiến SEA Games, các tuyển thủ U23 cũng đá khá “năm nóng, năm lạnh”, không mấy thuyết phục.
Phải sau SEA Games 31, hàng loạt cầu thủ mới như được khai mở năng lực. Thế mới biết những chiến tích đầu đời rất quan trọng, mà vô địch SEA games còn là lịch sử với mỗi cầu thủ Việt Nam. Chính vì thế, bước vào VCK U23 châu Á, nhiều gương mặt U23, trong đó có Nhâm Mạnh Dũng, đã như được lột xác.
Mỗi một cầu thủ đều có số phận khác nhau khi đến với nghiệp quần đùi áo số. Nhưng giống như đàn anh cùng CLB Hoàng Đức, con đường của Nhâm Mạnh Dũng khá, nhẹ nhàng bằng phẳng, kéo anh đi từ trường làng đến câu lạc bộ Viettel như một định mệnh đẹp đẽ.
1. Gặp Nhâm Mạnh Dũng ngoài đời, ai cũng có thiện cảm về chàng tiền đạo có chiều cao nổi trội 1m83 cùng gương mặt khá hồn hậu. Ở anh toát lên sức sống của một tuổi trẻ với những trải nghiệm bằng phẳng.
Nhâm Mạnh Dũng sinh năm 2000, trong một gia đình có 2 anh em trai. Bố Dũng làm ruộng, mẹ làm công nhân, đều thuộc thế hệ 7X ở quê lúa, Đông Hưng Thái Bình. Nhâm Mạnh Dũng có một cuộc sống khá bình dị, an vui. Cha mẹ yêu lao động nhưng không bao giờ để cậu con trai út xuống ruộng. Vì thế, đến năm nay 23 tuổi nhưng Nhâm Mạnh Dũng cũng chỉ ra đồng để hít thở hương vị trong lành, chụp ảnh “nuôi phây” cho vui là chính. Gia đình tạo mọi điều kiện cho cậu được đến trường học văn hóa và đá bóng.
Dũng mê bóng đá từ nhỏ, mẹ Dũng kể lại từ thời học mẫu giáo nếu không có quả bóng nhựa trong tay thì cu cậu không chịu đến trường. Càng lớn đam mê càng giữ dội, nhưng hay ở chỗ anh chàng lại học văn hóa rất giỏi. Thậm chí, năm lớp 5 còn đoạt giải 3 học sinh giỏi toán cấp thành phố. Năm lớp 5, nhờ thành tích đá bóng “khét tiếng” ở trường học mà Nhâm Mạnh Dũng được tuyển vào trường năng khiếu bóng đá Thái Bình. Cả gia đình lúc đó cũng khá đau đầu, nên cho con đá bóng hay chí thú học văn hóa.
Lĩnh vực nào cũng có cái hay của nó, rốt cuộc bố mẹ đành phải chiều cậu út vì tình yêu với trái bóng quá lớn. Gia đình chỉ khuyên răn bóng banh nhưng đừng xao nhãng chuyện học hành. Bởi, không ăn thua còn có cánh cửa khác để mở ra cho tương lai. Do đó, Nhâm Mạnh Dũng dù đam mê đá bóng nhưng học văn hóa vẫn rất tốt.
Cậu học sinh Nhâm Mạnh Dũng ngồi chưa ấm chỗ ở trường năng khiếu Thái Bình thì năm lớp 6, CLB Viettel về trường tuyển và lọt vào mắt xanh các thầy. Cậu bé lại khăn gói quả mướp ra Viettel, trở thành “đồng chí Nhâm Mạnh Dũng” khi mới 13 tuổi. Dũng cười hiền kể lại: “Năm 2013, khi Dũng mới ra Hà Nội thì trung tâm Viettel vẫn đang ở khu Trường Chinh.
Năm 2015 mới chuyển lên Láng- Hòa Lạc. Ban đầu mới vào ngôi nhà Viettel, thầy Nguyễn Minh Dũng là huấn luyện viên. Khi ở Thái Bình 1 tuần về nhà một lần nhưng khi lên Viettel thì 1 năm trung tâm mới cho cầu thủ nhí về một lần, để cầu thủ ổn định cuộc sống. Ngày đó, Dũng học văn hóa ở trường Định Công, sáng học văn hóa, chiều đá bóng”.
Khỏi phải nói, Nhâm Mạnh Dũng mang theo sự háo hức xen lẫn cảm xúc tự hào khi được trở thành “công dân Viettel” ở tuổi 13, lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới. Chú bé họ Nhâm đã được sống trong môi trường quân đội, nơi nâng cánh ước mơ cho bao danh thủ bóng đá. “Dũng không bị sốc vì nhớ nhà, trái lại Dũng rất hứng thú thích nghi với môi trường mới. Cuối tuần, Viettel có một chiếc điện thoại bàn, dành cho các cầu thủ nhí mới lên, gọi điện về cho bố mẹ báo cáo tình hình, Các thầy dặn là theo quy định thì học trò phải chấp hành, còn trong sinh hoạt gặp khó khăn gì thì trao đổi với thầy”.
Cuộc sống ở Viettel, Nhâm Mạnh Dũng được trợ cấp 300-400 ngàn/1 tháng. Nhưng số tiền này cuối năm bố mẹ lên trung tâm đón con trai về ăn tết mới lĩnh một cục. Còn bố mẹ vẫn đảm bảo cho con cái những chi tiêu sinh hoạt cá nhân cần thiết. Cuộc sống ở Viettel những năm đầu tiên trôi đi khá êm đềm vì chế độ ăn uống cho cầu thủ ngày 3 – 4 bữa, giày được cấp mỗi năm 2-3 đôi. Nhâm Mạnh Dũng thấy bằng lòng với ngôi nhà Viettel, nơi lo cho đời sống cầu thủ cả tâm lý lẫn học hành khá đầy đủ, dù có những quy định nghiêm khắc vì Viettel là môi trường quân đội.
Năm 2015, Nhâm Mạnh Dũng đá U15 quốc gia. Năm đó Dũng ghi được 2 bàn thắng cho CLB Viettel ở vị trí tiền đạo. Thời điểm Dũng ở lứa tuổi U15, suất đá chính rất ít, chủ yếu dự bị do khi đó Dũng còn khá trẻ và “chưa đủ trình”.
2. Phải đến tuổi 17 “bẻ gãy sừng trâu”, anh chàng mới bắt đầu phát tiết. Chiến tích đầu đời là danh hiệu Vua phá lưới VCK U17 Quốc gia 2017 với 8 bàn thắng.
Huấn luyện viên U16 Viettel Đặng Phương Nam cho biết: “Tôi huấn luyện đội của Nhâm Mạnh Dũng từ năm 16-18 tuổi. Khi ấy Dũng đã là tiền đạo số 1 với khả năng khống chế bóng, chơi bóng bổng và dứt điểm tốt. Đặc biệt với chiều cao nổi trội thì Dũng còn đáng gờm ở khả năng đánh đầu. Nhược điểm khi ấy của Nhâm Mạnh Dũng là thể lực và tốc độ còn chậm. Khi là học trò tôi, Dũng là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất lứa nên sự tiến bộ của cậu ngày hôm nay cũng xứng đáng. Tôi tiếc cậu ta ít được cọ xát đỉnh cao ”.
Năm 2020, Dũng tỏa sáng khi cùng U21 Viettel vô địch, đồng thời được đôn lên đội 1 đá V-League do cầu thủ đàn anh Dương Văn Hào bị chấn thương. “Em lên đội I nhưng chủ yếu ngồi dự bị nhiều, cơ hội ra sân rất ít”.
Nhâm Mạnh Dũng cũng rất may mắn khi được nhào nặn bởi bàn tay của Hoàng Anh Tuấn. HLV gốc Nha Trang đã mở rộng tầm nhìn, khả năng chơi bóng cho chàng tiền đạo còn rất “ngố”. Còn cơ duyên thầy Park Hang Seo biết đến Nhâm Mạnh Dũng – chàng cầu thủ rất ít suất đá chính khi ấy, chính là một buổi đá giao hữu giữa U22 Việt Nam- Viettel.
Mỗi hiệp giao hữu chỉ có 30 phút nhưng chính nhờ cơ hội hiếm hoi được đá chính trong trận giao hữu này, đôi mắt tuyển sinh của thầy Park đã nhìn thấy khả năng của Nhâm Mạnh Dũng. Lúc ấy, Dũng mới lên đá tiền đạo, hay bị phạm lỗi, hay ngã ra sân kêu đau. Thầy Park ngồi trên khán đài quan sát và lúc xuống sân thầy nói: “Tiền đạo mà ngã nhiều quá! Cậu phải mạnh mẽ và bớt ngã, bớt ăn vạ đi”.
Mùa bóng 2021, Nhâm Mạnh Dũng tiếp tục khoác áo đội 1 CLB Viettel tập luyện nhưng do dịch COVID-19 hoành hành nên giải đấu bị hoãn. Có thể nói con đường phát triển của Nhâm Mạnh Dũng cũng nhiều thời điểm bị lãng quêntrên băng ghế dự bị nhưng Nhâm Mạnh Dũng đã tận dụng những cơ hội nhỏ, đặc biệt 30 phút trận đấu giao hữu để chinh phục thầy Park.
Mặc dù những gì anh thể hiện trong buổi đá giao hữu ấy chỉ là một viên ngọc thô, cần thêm những mài giũa, để lấp lánh theo cái cách của riêng mình. Nhưng với đôi mắt nhìn xa trông rộng của một HLV đầy kinh nghiệm như thầy Park, ông đã chấm tiền đạo trẻ Viettel để rồi cậu học trò đã không phụ lòng ông lẫn người hâm mộ.
Đón đọc kỳ II: Phía trước là đại lộ
Hoàng Thủy
Tags