Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, không thể không tri ấn những “bóng hồng” thể thao. Chính họ, bằng bản lĩnh, ý chí và cả sự hy sinh hạnh phúc riêng đã nhiều lần mang về vinh quang cho Tổ quốc.
Suốt những năm tháng, thể thao Việt Nam giành được nhiều thành tích cao tại các giải đấu khu vực, châu lục và thế giới, trong đó có đóng góp to lớn của các nữ VĐV. Nền thể thao chúng ta có rất nhiều VĐV nữ, khó đếm hết số lượng đang chơi cả đỉnh cao lẫn nghiệp dư. Kể từ ngày TTVN hội nhập thế giới, theo thống kê, chính VĐV nữ đã thích ứng và mang lại vinh quang nhiều hơn nam. Ông Hoàng Vĩnh Giang, nguyên Phó chủ tịch Ủy Ban Olympic Việt Nam từng cảm thán: “Chúng ta phải chấp nhận một nền thể thao âm thịnh, dương suy”. Nữ giới đóng góp cho thể thao nhiều, bất chấp việc so với các đồng nghiệp nam, họ phải hy sinh vất vả hơn nhiều.
Tuy nhiên, so với đồng nghiệp nam, những nữ VĐV Việt Nam chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ phía khán giả cũng như truyền thông. Chế độ đãi ngộ cũng chưa thật tương xứng. Không chỉ ở nước ta, nhiều nước trên thế giới, vị trí của phụ nữ trong thể thao cũng chưa được nhìn nhận đúng mức. Nam giới đến với nghiệp thể thao đã khổ, phụ nữ càng gian nan bội phần. Tuổi thanh xuân đẹp nhất thì phải luôn đối diện với các “thao trường”, “đấu trường”, các chuyến tập huấn biền biệt. Nhiều cái Tết xa nhà, xa chồng con với nhiều nỗi niềm khó nói nên lời. Nếu đời VĐV sung sướng kể cũng đỡ tủi thân, đằng này VĐV nữ ở ta chế độ vô cùng thấp, ngay cả các cầu thủ nữ. Không phải ai cũng may mắn được lên ĐTQG, hoặc vinh dự thì không phải giải đấu nào cũng thành công.
Hãy nhìn về tấm vé đến World Cup của bóng đá nữ Việt Nam hệt như "câu chuyện cổ tích thời hiện đại". Đó là niềm vui vô bờ nhưng cũng để lại những ưu tư trăn trở, nghĩ suy. Nhiều thế hệ cầu thủ nữa đã phải hy sinh, vượt khó rất nhiều. Những nữ cầu thủ dường như vẫn luôn quen với những thiệt thòi, cũng hiếm khi ca thán. Cho nên, phải cần có nhiều hơn nữa những sự quan tâm, động viên, tiếp sức, đồng hành cùng họ. Khi theo đuổi con đường “quần đùi áo số” cũng đã chấp nhận mạo hiểm, rủi ro và cả thiệt thòi rồi.
Làm sao để các cầu thủ nữa có được điều kiện tốt hơn, đủ đầy hơn mà theo nghiệp đá bóng. Rồi tìm ra hướng đi, lộ trình, mô hình cho bóng đá nữ nước nhà trong tương lai để phát triển căn cơ, bền vững chứ không chỉ có thành tích rồi vui, sau đấy lại lắng xuống dần. Bóng đá nữ Việt Nam phải lấy điểm tựa World Cup làm đòn bẩy phát triển chứ không thể chỉ “mưa ngày nào mát mặt ngày đó”.
Hay như tiểu “tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên, trong ngày quyết định chia tay ĐTQG, cô đã bộc bạch trên trang cá nhân: “12 năm là một chặng đường gắn với bơi lội nên bây giờ em muốn sống cuộc sống bình thường, tự do và học hỏi thêm nhiều thứ mới nữa. Ánh Viên xin cảm ơn tất cả mọi người đã theo dõi và ủng hộ em trong suốt thời gian qua”. Một lời chia tay ĐTQG không thể tiếc nuối hơn, cho Viên và cho người hâm mộ. Nhưng, chị còn phải lo cho cuộc sống riêng tư của mình. Ánh Viên cần những nhiều điều bình dị, đời thường của cuộc sống, của con người. Cuộc sống đời thường của Ánh Viên còn có gia đình, tình yêu, bạn bè, xã hội cùng những điều thú vị, những hiểu biết, những trải nghiệm khác ngoài thể thao.
Từ trường hợp của Ánh Viên, chúng ta thử hình dung xem một đứa trẻ lớn lên xa nhà, xa bạn bè rồi xa tất cả những điều cần thiết của cuộc sống thiếu nữ để cống hiến cho thể thao, chỉ biết đến thể thao thì đó là sự hy sinh vô giá. Sự hy sinh, cống hiến đó phải được đánh giá cao và rất đáng trân trọng. Thành tích của thể thao là những tấm huy chương vàng, bạc hay giải nhất nhì. Nhưng những hy sinh, cống hiến cả tuổi trẻ như thế không có tấm “huy chương” nào có thể tôn vinh, đánh giá hết được. Không chỉ riêng Ánh Viên, thể thao nước nhà không thiếu những tấm gương VĐV như vậy. Đó là điều chúng ta cần chia sẻ và trân trọng.
Xin chúc phụ nữ Việt Nam và các VĐV nữ nói riêng, những người đã hy sinh rất nhiều cho sự nghiệp thể thao nước nhà, ngày nào cũng vui như ngày 20/10!
Trần Tuấn
Tags