(Thethaovanhoa.vn) - Việc hơn 16.000 khán giả lèn kín 4 khán đài sân Thống Nhất, bỏ cơm chiều, đội mưa cả buổi để xem một đội bóng trẻ thi thố tại một giải bóng đá trẻ nặng tính giao hữu là chuyện xưa nay hiếm. Càng hiếm hơn khi ở dưới sân, các cầu thủ trẻ U21 HAGL khiến người xem phải ngây ngất, rất khác biệt so với các giá trị bóng đá truyền thống. Cái khác biệt ấy từ sau lứa của Văn Quyến (VCK U16 châu Á năm 2000), giờ chúng ta mới bắt gặp lại. Nó được tạo nên bởi Công Phượng và đồng đội của anh.
- Xuân Trường theo bước Tuấn Anh, lộ nguyên nhân HLV Miura không xem U21 HAGL đá chung kết
- U21 HAGL và thứ bóng đá đẹp không thể chết!
- U21 HAGL vô địch: Quà tặng tình yêu
Đây là một kỹ năng hiếm thấy ở các cầu thủ Việt Nam. Từ tốc độ với bóng, độ lắt léo, nhãn quan chiến thuật – xử lý bóng và điểm kết thúc (ra chân), quả rất xa lạ với tố chất một cầu thủ Việt Nam. Văn Quyến, Công Vinh, Quang Hải hay Văn Quyết, những người giỏi nhất với khả năng qua người và dứt điểm cầu môn…, cũng chưa từng dốc bóng ở khoảng cách xa cầu môn đến vậy, và chưa từng sút thành bàn từ cự ly gần 30m như thế. Nhưng với Phượng, đây không phải lần đầu.
Trước đó, trận bán kết với U21 Báo Thanh Niên, Công Phượng cũng nhận bóng từ khá xa khung thành đội chủ giải, trước khi xâm nhập khu vực cấm địa đối thủ, sát vạch 16m50 và găm chìm quả bóng vào điểm “chết” gần chân cột dọc. Trước đó nữa, trận đấu với U19 Australia ở Mỹ Đình, tại giải U19 Đông Nam Á mở rộng 2014, trong vòng vây của 6 – 7 hậu vệ đối phương, Công Phượng đã từng làm điều tương tự, nhờ động tác đặt trụ rất chuẩn và cái cổ chân phải cực khoẻ.
5 bàn thắng/3 trận đấu mà Công Phượng ghi được ở giải bóng đá U21 quốc tế 2015, với 5 phong thái khác nhau, điểm tiếp xúc bóng và xử lý cũng khác nhau. Qua đó phần nào nói lên sự đa năng trong dứt điểm cầu môn của Công Phượng. Kỹ năng băng cắt, bật nhảy và lắc đầu có lẽ là nhược điểm duy nhất của tiền đạo có chiều cao khiêm tốn này.
Lần đầu là pha thoát xuống, tâng bóng qua đầu thủ môn U21 Myanmar, trước khi dùng đầu lắc bóng vào lưới; cú đá phạt hàng rào mẫu mực mở tỷ số trận bán kết với U21 Báo Thanh Niên, với sự trợ giúp của Đông Triều (đè hàng rào đội chủ giải, để Phượng đưa bóng vào trúng điểm thấp nhất của hàng rào – PV); 2 cú solo và ra chân như đã nhắc, thêm pha đệm bóng cận thành vào lưới U19 Hàn Quốc từ đường căng ngang của Văn Toàn…, ấn định tỷ số 2-0 chung cuộc.
Tất cả các đường lên bóng, đều nhằm về hướng Công Phượng di chuyển, đó là một đặc cách về chiến thuật vận hành. Khi có bóng, tự Phượng quyết định xử lý tình huống tiếp theo: Chuyền cho đồng đội hoặc đột phá, tìm cơ hội ra chân (hay lấy tình huống phạm lỗi của đối phương) là một đặc cách khác. Thông thường, tại hầu hết các đội bóng, luôn có 1-2 cầu thủ được phép làm điều mình muốn. Đồng đội phục vụ Phượng, HLV chiều theo ý Phượng, nên nếu Phượng không thăng hoa là có lỗi.
Công Phượng có thể không phải là người giỏi nhất ở U21 HAGL (theo nhiều người, đó phải là Tuấn Anh), nhưng là cầu thủ mang chức năng tạo ra sự khác biệt. Với tất cả những gì tiền đạo gốc Nghệ An này làm được, há chẳng phải xưa nay hiếm?! Song có lẽ, Phượng sẽ không có vinh dự như đàn anh Văn Quyến hay Công Vinh, giành Quả bóng Vàng Việt Nam ở tuổi mười chín, đôi mươi, nếu chỉ toả sáng ở giải giao hữu hay cấp độ trẻ.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Tags