(Thethaovanhoa.vn) - Trọng tài cũng là nghề nhưng thường là nghề tay trái bởi rất ít ở trọng tài Việt Nam cũng như thế giới xác định đây là công việc chính. Ở Việt Nam, cái nghề vốn “làm dâu trăm họ” này đang đúng với nghĩa của nó. Khó làm hài lòng bàn dân thiên hạ được.
- VPF ưu tiên thuê trọng tài Nhật Bản, Hàn Quốc cho 3 vòng cuối V-League 2017
- Cựu trọng tài Đinh Văn Dũng: 'Trọng tài làm 1000 trận hay thì chưa ai khen'
- Lãnh đạo VPF muốn gặp, thủ môn tố cáo trọng tài Lập từ chối tiếp xúc
Sau trận thua Quảng Nam 0-2, HLV Huỳnh Đức đã “xổ” một tràng vào giới cầm còi, rằng: “Là người làm nghề, tôi biết, trong giới trọng tài có hình thành mối quan hệ nhóm. Họ có quan hệ với đội bóng Tuy nhiên, họ có những tình cảm khó nói. Làm công tác trọng tài mà thành nhóm thì không thể làm được. Thử hỏi một HLV lão làng từng vô địch Champions League còn phản ứng thì làm sao tôi không phản ứng được. Tôi chỉ muốn trọng tài làm việc công bằng để các cầu thủ ra sân thi đấu thoải mái, có như thế bóng đá Việt Nam mới tiến bộ được”.
Ông Đức, với tư cách là một thực thể trong giới bóng đá, có cái nhìn về giới trọng tài như vậy. Còn ở lăng kính của một người từng hoạt động trong nghề cầm còi này, cựu trọng tài FIFA, Đinh Văn Dũng chia sẻ: “Các trọng tài hiện nay đều có các công việc khác, có người là cán bộ, là chuyên viên, là thầy giáo....Sau buổi tan sở là lặng lẽ xách giày ra sân tập thể lực để chuẩn bị cho trận đấu với mong muốn đảm bảo tâm-trí-lực, giảm tối đa sai sót trên sân, đến khi tối trời họ lại lặng lẽ trở về với gia đình, với con cái... Họ phải trải qua bao nhiêu khóa tập huấn, luật lệ...
Có tham gia các buổi kiểm tra thể lực mới thấy, trọng tài phải đổ không biết bao giọt mồ hôi, thậm chí có người đã phải lên xe cứu thương vào bệnh viện cấp cứu... (FIFA nói rằng: “No Ambulance, No Fitness Test”- Không xe cứu thương thì không kiểm tra thể lực). Cuối tuần là gia đình đoàn tụ, họp mặt, đưa vợ con đi chơi, thăm cha mẹ... nhưng họ lại lặng lẽ lên đường để làm cái công việc mà người ta gọi là “nghề” mang lại đời sống tinh thần cho mọi người”.
Trọng tài cũng có những mối quan hệ cá nhân và có sự ràng buộc về nghề nghiệp hay gia đình. Nhưng, trọng tài cũng có danh dự riêng của mình. Thật khó để phân bua về những mối quan hệ mà HLV Huỳnh Đức đề cập ở đây. Bởi lẽ, không thể có “vùng cấm” giữa mối quan hệ của trọng tài và đội bóng và cũng khó để xác định mức độ thân thiết của các trọng tài với đội bóng đến đâu.
Nhưng, nói có sách thì mách phải có chứng. Có vẻ như, HLV Huỳnh Đức đã quên câu danh ngôn kinh điển của dân gian. Quả thật, nghề trọng tài đúng là “làm dâu trăm họ”.
Diễm Quỳnh
Tags