(Thethaovanhoa.vn) – U23 Việt Nam không chỉ vô địch Vinaphone Cup, mà còn duy trì được thành tích bất bại. Và chắc chắn, họ sẽ phải cảm ơn Phan Văn Đức, người đã có một pha làm bàn cực kỳ đẳng cấp để gỡ hòa 1-1 trước U23 Uzbekistan.
Có thể sự so sánh này hơi khập khiễng, nhưng ít nhiều người ta có thể liên tưởng pha lập công của Văn Đức trước U23 Uzbekistan với siêu phẩm mà Dennis Berkamp ghi vào lưới Argentina ở tứ kết World Cup 1998.
Lá bài trong tay áo
Ở sân Velodrome năm đó, Frank de Boer tung đường chuyền dài cực chính xác, Berkamp khống chế nhẹ nhàng vượt qua Roberto Ayala, trước khi vẩy bóng hạ gục thủ thành Carlos Roa. Tại Mỹ Đình, Đức Huy là người phóng đường chuyền dài, Văn Đức rất nhanh lẻn xuống sau hậu vệ U23 Uzbekistan, đỡ bóng bằng chân trái, trước khi vẩy bóng bằng chân phải gỡ hòa cho U23 Việt Nam.
Trước đây, các cầu thủ Việt Nam dù giỏi thì đa phần chỉ mạnh về động tác cơ bản, chứ hiếm khi có độ mềm dẻo trong động tác, cũng như sự táo bạo trong cách xử lý tình huống. Ở bàn thắng vừa rồi, Văn Đức đã đỡ bóng bước một rất “ngọt” bằng chân trái, và nhanh chân dứt điểm khi trái bóng còn chưa chạm đất. Đó là một pha xử lý cực kỳ kỹ thuật và hiện đại.
Phan Văn Đức gỡ hòa 1 - 1 cho U23 Việt Nam
Văn Đức là một mẫu cầu thủ như thế: rất giỏi, và rất thích xử lý trái bóng ở trên không. Kể từ khi lên đội một Sông Lam Nghệ An, rồi được lên tuyển, cầu thủ sinh năm 1996 này đã không ít lần ghi bàn từ những cú volley, những pha tung móc. Tất nhiên, xử lý trên không luôn khó hơn trên mặt đất, nhưng tính đột biến từ những tình huống như vậy thì lại cao hơn, khiến hàng thủ đối phương bất ngờ hơn.
Nhắc lại về tung móc mới nhớ, trong trận bán kết U23 châu Á gặp U23 Irag ở Thường Thục, chính Văn Đức là người đã tung cú móc bóng kiến tạo cho Công Phượng mở tỷ số. Và sang hiệp phụ, chính Văn Đức đã ghi thêm 1 bàn nữa góp công vào trận hòa 3-3 trước khi giành thắng lợi 5-3 ở loạt sút luân lưu. Tiền vệ người Nghệ An được xem như lá bài trong tay áo của HLV Park Hang Seo, bởi anh thường xuyên chỉ vào sân từ ghế dự bị, nhưng có khả năng tạo đột biến cao. Ở trận vừa rồi cũng vậy, Văn Đức cũng chỉ vào sân ở phút 68 thay cho lão tướng Anh Đức.
Từ kép phụ tới người hùng
Văn Đức là sản phẩm mới nhất của lò đào tạo trẻ Sông Lam Nghệ An. Anh được lên đội một từ năm 2016, nhưng phải đến năm ngoái mới bắt đầu được chú ý. Ở vị trí tiền vệ trái, Văn Đức đã ghi được 4 bàn trong 16 trận tại V-League, nhưng đáng chú ý hơn cả là đóng góp rất lớn với 4 bàn thắng giúp Sông Lam Nghệ An giành Cúp quốc gia 2017.
Trước khi tỏa sáng ở VCK U23 châu Á, Văn Đức từng bị ông Park Hang Seo phớt lờ ở đợt tập trung đầu tiên, và cũng chẳng được góp mặt ở M-150 Cup. Tuy nhiên, sau đó, chiến lược gia người Hàn Quốc đã tham khảo các trợ lý nội và gọi bổ sung anh vào danh sách sang Trung Quốc. Từ cậu thí sinh đỗ vớt, và chỉ là kép phụ, Văn Đức đã biết cách tỏa sáng khi được trao cơ hội. Từ Thường Thục đến Mỹ Đình, và sắp tới là Indonesia nữa, U23 Việt Nam sẽ cần một kép phụ sẵn sàng tỏa sáng như anh. U23 Việt Nam có quá nhiều cái tên cứng cựa và nổi tiếng trên hàng công như Anh Đức, Văn Quyết, Công Phương, Quang Hải, nhưng chắc chắn, họ vẫn luôn cần một vũ khí từ băng ghế dự bị như Văn Đức.
Thêm một bằng chứng nữa cho thấy sự trưởng thành của Văn Đức: mùa giải này, anh đã ghi đến 9 bàn thắng và cùng với Hà Đức Chinh (SHB Đà Nẵng) là chân sút nội có thành tích cao thứ nhì tại V-League 2018, chỉ sau mỗi Tiến Linh (Becamex Bình Dương, 11 bàn). Nhưng nên nhớ vị trí của Văn Đức là tiền vệ công, chứ không phải là trung phong như hai chân sút trên.
Từ kép phụ, Văn Đức đang dần trở thành người hùng. Cả trong màu áo Sông Lam Nghệ An, và đội tuyển U23 Việt Nam.
Sau lễ bốc thăm lại vào chiều 25/7, U23 Việt Nam được ấn định nằm ở bảng D. Các đội sẽ thi đấu vòng tròn một lượt, tính điểm, chọn ra hai đội dẫn đầu mỗi bảng và 4 đội thứ ba có thành tích thi đấu tốt nhất vào chơi tại vòng 1/8.
“Rõ ràng, U23 Việt Nam sẽ phải tính toán kỹ 2 lượt trận đầu tiên trước khi gặp Nhật Bản. Đây là đối thủ chúng ta đối đầu khá nhiều trong những năm gần đây. Chúng tôi đã cùng nghiên cứu kỹ đội bóng này và đưa ra đấu pháp hợp lý”, HLV Park Hang Seo nhận định.
TỔNG QUAN CÁC ĐỘI BÓNG TẠI BẢNG D • Nepal - Hạng FIFA (ĐTQG): 161 - Tham dự ASIAD 1 lần (2014) - Thành tích tốt nhất: Vòng bảng (Thắng 0, hoà 0, thua 3 | ghi 0 bàn, lọt 13 bàn). • Pakistan - Hạng FIFA (ĐTQG): 201 - Tham dự ASIAD: 3 lần (2002, 2006, 2014) - Thành tích tốt nhất: Vòng bảng (Thắng 0, hoà 1, thua 7 | ghi 2 bàn, lọt 23 bàn). • Việt Nam - Hạng FIFA (ĐTQG): 102 - Tham dự ASIAD: 4 lần (2002, 2006, 2010, 2014) - Thành tích tốt nhất: Vòng 1/8 (2010, 2014) (Thắng 4, hoà 1, thua 8 | ghi 17 bàn, lọt 24 bàn). • Nhật Bản - Hạng FIFA (ĐTQG): 61 - Tham dự ASIAD: 4 lần (2002, 2006, 2010, 2014) - Thành tích tốt nhất: Vô địch (2010) (Thắng 17, hoà 0, thua 4 | ghi 45 bàn, lọt 14 bàn). Lịch thi đấu của U23 Việt Nam 16h ngày 14/8: U23 Việt Nam vs U23 Pakistan 19h ngày 16/8: U23 Nepal vs U23 Việt Nam 16h ngày 19/8: U23 Nhật Bản vs U23 Việt Nam |
Tuấn Cương
Tags