Pháo sáng và ứng xử với pháo sáng

Thứ Ba, 23/04/2019 07:59 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Pháo bị cấm đốt ở Việt Nam từ bao năm qua và trong khuôn khổ hệ thống các giải đấu quốc gia, cũng như AFC, việc sử dụng pháo sáng cũng không được cho phép. Nhưng tại sao và như thế nào, từ bao năm qua, BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (từ VFF đến VPF) vẫn phải "sống chung với lũ", đặc biệt là các trận đấu có sự tham gia của CLB Hải Phòng?

Cần loại hành vi đốt pháo sáng khỏi bóng đá Việt Nam

Cần loại hành vi đốt pháo sáng khỏi bóng đá Việt Nam

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng và chuyên gia bóng đá Nguyễn Thành Vinh lên án mạnh mẽ những CĐV quá khích đốt pháo sáng trong trận đấu giữa Hải Phòng và Hà Nội tại vòng 6 V-League 2019.

Các án phạt được đưa ra là chưa đủ sức nặng, với mức tối thiểu 20 triệu đồng và cao nhất là 80 triệu đồng. Các hội nhóm đội bóng đất Cảng thậm chí luôn chuẩn bị sẵn "quỹ" đóng phạt, mà không có liên đới nào tới CLB. Khán giả Hải Phòng cuồng nhiệt đến đâu, chắc không cần phải bàn, song tuyệt nhiên đội bóng xứ hoa Phượng đỏ lại không có Hội CĐV chính danh nào.

VIDEO: Hà Nội FC 3-1 Hải Phòng - CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng tại sân Hàng Đẫy

Đấy là một cách lách luật, khiến BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam luôn lúng túng trong các phương án xử lý với tình trạng đốt pháo sáng tại các trận đấu. Trong một chừng mực nào đó, khâu kiểm tra an ninh cũng có vấn đề và BTC trận đấu không phải không có liên đới.

Pháo sáng không làm đẹp thêm các khán đài và trận đấu như màu sắc của nó, mà chính là văn hóa và không khí cổ động. So với dàn âm thanh điện tử được đưa vào để tăng thêm sinh khí, tiếp lửa và tiếp sức (người), thì pháo sáng tốn kém hơn nhiều và cũng nguy hiểm hơn nhiều, khi hoàn toàn có thể gây cháy nổ, gây thiệt hại về người và của. Thế nên nó mới bị cấm.

Trở lại với vấn đề pháo sáng vẫn được đốt trong những trận đấu của Hải Phòng và từ các khán đài có Hội - nhóm CĐV, khán giả Hải Phòng. Rõ ràng án phạt (tiền) và thậm chí cấm thi đấu trên sân không có khán giả hay sân trung lập không mấy tác dụng nữa. Vấn đề ở đây là khâu tuyên truyền, làm thay đổi quan điểm, ý thức của khán giả còn yếu. Nó giống như văn hóa giao thông vậy.

Trong nhiều tình huống để các hành vi vi phạm tái diễn, thì BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp không thể vô can. Nhà tổ chức không kiểm soát được các vấn đề phát sinh và việc giải quyết, xử lý khủng hoảng cũng chậm, không triệt để, dẫn đến "lờn thuốc". Trận đấu giữa CLB Hà Nội và Hải Phòng trên sân Hàng Đẫy ở vòng 6 Wake-up 247 V-League 2019 chính là đỉnh điểm.

Trong một chiến dịch nói không với thuốc lá những năm trước đây, các tấm bảng - biển, khẩu hiệu thường được nhân viên phục vụ trận đấu cho di chuyển xung quanh các khán đài, dưới đường piste, trước, giữa và sau trận đấu. Nó chưa thể chấm dứt tình trạng hút thuốc lá trong khuôn viên SVĐ, nhưng rõ ràng việc hút thuốc đã giảm đi rất nhiều. Đấy là văn hóa - văn minh nơi công cộng.

Việc thay đổi một thói quen hay thậm chí là tật xấu, phải được tiến hành từ từ, giống như "mưa dầm thấm lâu" vậy. Chỉ đến khi nào khán giả cảm thấy hành vi như đốt pháo sáng là một sự xấu hổ, phá hoại, đi ngược lại với sự phát triển, khi đó tình trạng này mới không tiếp diễn. Bằng không, mọi răn đe - án phạt đều vô hại, hoặc nếu có, nó chỉ là một biện pháp "tăng thu" cho BTC.

Hải Phòng là một, là duy nhất, là "không lòng vòng", đấy là chuyện riêng của bóng đá mảnh đất này từ bao năm qua. Nhưng nếu BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam không thể xử lý triệt để các hành vi vi phạm thì cũng phải nghiêm túc xem lại vai trò của họ!

Tùy Phong

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›