(Thethaovanhoa.vn) - “Anh chỉ cần xây nó thôi, họ sẽ đến” - đấy là một câu nói tiếng Latin khá nổi tiếng - Si tu id aeficas, ei venient - bạn cũng có thể thấy hơi quen nếu đã từng xem bộ phim Field of Dreams (1989) do Kevin Costner thủ vai chính: Nhân vật của anh, một nông dân, đã nghe câu này từ giọng nói bí ẩn trong ruộng ngô nhà mình.
1. Trong phim, anh chàng nông dân đã bất chấp những khó khăn tài chính và gia đình can ngăn, chỉ để xây hẳn một cái sân bóng chày trên cái ruộng ngô ấy, hai thứ có vẻ chẳng liên quan gì đến nhau, chỉ vì bị câu ấy ám ảnh. Thế rồi… có người đến chơi bóng chày thật, và cũng có người xem luôn. Đó là một bộ phim lãng mạn: Tình yêu bóng chày mọc lên từ không khí, chỉ vì có một… con ma đã chỉ vào ruộng ngô vào bảo rằng phải xây sân đi.
Nhưng nhìn ở một góc độ khác, bạn đọc có thể thấy mô hình trong phim này… quen quen. Nó khái quát được đặc tính nổi bật của cái gọi là kinh tế học trọng cung: Đừng có giảng giải nhiều về nhu cầu, cứ tạo ra cung đi đã. Không cần biết có người chơi hay người xem hay không, cái chúng ta cần trước tiên là một cái sân. Từ từ rồi khoai sẽ nhừ.
Khi Quang Hải được cho là sẽ chia tay đội Hà Nội, những con số đàm phán lương lậu trên trời bị đưa lên mặt báo, và lại chia đôi dư luận. Người cho là hợp lý, còn kẻ lại cho rằng quá mơ mộng. Nhưng dù thế nào, những con số điên rồ ấy gợi nhớ lại một thời kỳ “ruộng ngô kiểu Kevin Costner” chưa xa của bóng đá Việt Nam: Không cần biết bóng đá đã tạo ra đủ nhu cầu để tự nuôi nó chưa, các ông bầu cứ thả sức bơm tiền. Cũng không cần biết các cầu thủ có xứng đáng với giá trị của họ hay không, họ vẫn nhận được đãi ngộ ở mức trên trời.
2. Đối với những người lao động tò mò tại sao lương của họ không tăng trong một thập kỷ qua, trong khi thu nhập của một số ngành nghề, đặc biệt là… cầu thủ bóng đá, thì phi như ngựa, trang web của Ngân hàng Trung ương Anh có đưa ra một thông điệp trấn an: “Có một thứ giải thích được sự điên rồ này: Lý thuyết kinh tế về cung và cầu. Cung và cầu hơi giống một phiên bản kinh tế của thuyết trọng lực. Nó quyết định mọi thứ có giá bao nhiêu: Một tách cà phê, một ngôi nhà và thậm chí là tiền lương của bạn”.
Ngày nay, các ngôi sao thể thao và giải trí đa số đều xây dựng hình ảnh theo thuyết trọng cung: Nếu chưa tạo được dấu ấn có giá trị thực sự, thì phải được chú ý trước cái đã. Sức chú ý của người hâm mộ là một dạng tài sản hạn chế, và nỗ lực giành giật nó làm cho việc định giá được một ngôi sao lúc này không dễ dàng. Có quá nhiều thứ làm thành bong bóng giá cả trong xã hội hiện đại, trong khi tài năng thật sự thì hiếm hoi, và khó để duy trì.
Nhưng vào cái ngày mà chuyện đi ở vẫn còn dùng dằng, Quang Hải vào sân từ hiệp hai và lập tức tỏa sáng với bàn thắng giúp Hà Nội giành ba điểm. Trong bối cảnh nào đi nữa, anh vẫn luôn là người tạo ra khác biệt vào những khoảnh khắc quyết định, dù là trên đội tuyển hay câu lạc bộ. Và khi mà dư luận còn bàn tán về các con số đãi ngộ, Hải có một quyết định khác: quyết ra nước ngoài thi đấu.
3. Hành trình của Quang Hải từ một góc tối âm thầm vào trung tâm sân khấu thuần túy được tạo ra bởi màn trình diễn trên sân bóng, từ kỳ tích Thường Châu cho đến vai trò trụ cột ở CLB nhiều mùa bóng qua. Và khi đã trở thành ngôi sao, Hải “con” một lần nữa tập trung vào câu chuyện cốt lõi trong thể thao: Những gì thể hiện trên sân. Anh không còn gì phải khẳng định ở bóng đá trong nước nữa, nhưng đấy không phải là lý do để dừng lại.
Bạn hãy nhớ, chúng ta đang sống trong một thời đại mà để có cung, thì một ngôi sao luôn sẵn sàng tự tạo scandal để làm cầu. Và rất nhiều cầu thủ cùng thế hệ với Hải đã sa sút, mất đi chí tiến thủ, thậm chí biến mất. Tập trung vào việc của mình và bước lầm lũi trên những nấc thang mới, dù cám dỗ luôn mời gọi, là không dễ. Nhưng Quang Hải đã và vẫn đang làm vậy.
Bóng đá có thể là một trò chơi kinh tế, nhưng một cầu thủ bám theo các giá trị căn bản có thể từ chối guồng quay của nó, vào những thời điểm quyết định. Tiền lúc này, không phải là vấn đề.
Phạm An
Tags