(Thethaovanhoa.vn) - Trận lượt đi vòng loại World Cup 2018 trên sân Rajamangala giữa Thái Lan và Việt Nam (1-0), các CĐV chủ nhà đã giăng biểu ngữ: Thái Lan – vua của bóng đá Đông Nam Á (nguyên bản: “The real King of ASEAN”) hay “Cong Phuong = Chanathip of Vietnam”, hẳn nhiều người Việt Nam còn nhớ.
- U21 Thái Lan 'lắc đầu' với đối thủ của Công Phượng
- HLV Lê Thụy Hải: ‘Thái Lan trên tầm Đông Nam Á nhưng châu Á thì còn cách xa’
- AFF Suzuki Cup 2016: Thái Lan xuất sắc nhất, Indonesia bất ngờ nhất & tuyển Việt Nam thất vọng nhất
“Giả chết bắt quạ”
HLV Kiatisuk Senamuang và các học trò đã để thua lần duy nhất ở AFF Suzuki Cup 2016 trước Indonesia tại trận bán kết lượt đi (tỷ số 1-2), nhưng chung cuộc vẫn thắng cả giải đấu, nâng cao Cúp vô địch ở cứ địa Rajamangala, sau chiến thắng 2-0 ở lượt về. HLV kỳ cựu Alfred Riedl của Indonesia không thể có ngày chia tay với cờ hoa, bởi đơn giản, Thái Lan quá mạnh và thậm chí đã ở một đẳng cấp khác. Người Thái tự tin, nhưng luôn khiêm tốn và tinh thông… binh pháp.
Sau các thất bại ở chiến dịch vòng loại cuối cùng của World Cup 2018, “Zico Thái” hiểu rằng, bóng đá Thái Lan mới chỉ tiệm cận đẳng cấp châu lục, chứ chưa thể tranh hùng tranh bá với thiên hạ. Cựu danh thủ người Thái, người từng có 10 năm chơi bóng và huấn luyện cho HAGL, lùi một để tiến 2, đánh giá cao các đối thủ trước mỗi trận đấu ở AFF Suzuki Cup 2016, rồi lần lượt hạ gục từng đội một.
Tất nhiên, sẽ là rất ngờ nghệch nếu tin rằng chúng ta có thể so kè thấp cao với Thái Lan ở nhiều thời điểm khác nhau. Ngay sau lễ bốc thăm – chia bảng giải đấu 2016, nhiều HLV và cầu thủ Việt Nam thậm chí còn mong được gặp Thái Lan ngay vòng bảng, để trả các món nợ đã vay ở vòng loại World Cup 2018 (Việt Nam thua với tổng tỷ số 0 – 4)?! Tuy nhiên, thực tế là có lẽ còn rất lâu nữa, bóng đá Việt Nam mới sẵn sàng đối đầu với Thái Lan. Khoảnh khắc ở chung kết AFF Suzuki Cup 2008 là lần duy nhất.
Ông vua đích thực
Chân sút chủ lực Teerasil Dangda đã ghi tổng cộng 6 bàn thắng ở các trận đấu vòng bảng, bán kết và chung kết lượt đi, giành danh hiệu Vua phá lưới và hơn những người về nhì 3 bàn; Siroch Chatthong ghi cả 2 bàn thắng trong trận chung kết lượt về với Indonesia. Sarawut Masuk, một chuyên gia chạy cánh cũng có 3 bàn, dù chỉ xuất phát từ băng ghế dự bị, trong khi HLV Kiatisuk vẫn chưa dùng đến Pokklaw Anan và siêu tiền-vệ-tiền-đạo Kroekrit Thawikan, toàn thương hiệu cỡ bự.
Thái Lan đến với AFF Suzuki Cup 2016 trong phong thái một quân vương, bảo vệ vương miện, họ chơi thứ bóng đá của kẻ bề trên, tấn công dồn dập, buộc đối thủ phải hở sườn, bỏ khiên vứt kiếm mà chạy. Đấy là tâm thế của kẻ mạnh, của vị vua đích thực. Hàng tiền vệ với Chanathip Songkrasin, Sarach Yooyen và Charyl Chappuis, thêm Bunmanthan… luôn kiểm soát bóng với thời lượng vượt trội và kiểm soát luôn trận đấu. “Messi Thái” Chanathip là cầu thủ xuất sắc nhất.Đội bóng của HLV Kiatisuk không vô địch mới là chuyện lạ. Trận thua 1 – 2 trước Indonesia ở chung kết lượt đi chỉ là một tai nạn, Thái Lan không vì thế mà đánh mất thần thái, dẫn đến loạn đao pháp như thầy trò ông Nguyễn Hữu Thắng ở trận bán kết lượt về với chính Indonesia. Năm 2008, nếu cái đầu của Công Vinh không nhô lên đúng nhịp ở phút bù giờ cuối cùng, có lẽ chúng ta vẫn chưa có lần đầu tiên. HLV Kiatisuk khẳng định, Thái Lan sẽ lên ngôi và, người Thái nói là làm.
Tất cả vẫn bắt gặp những hình ảnh quen thuộc: ĐTQG Thái Lan ra sân bay hay SVĐ như những doanh nhân, với veston, giầy Tây bóng lộn; bầu không khí trong đội, từ cabin BHL đến các cầu thủ luôn vui nhộn, thoải mái, ngay trong bữa ăn…, bởi đơn giản, họ đón nhận và tận hưởng các trận đấu, chứ không xem các trận đấu là một “canh bạc”, được thì hả hê, nghĩ mình hay lắm, còn mất thì đổ tại. |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Tags