Thể Công trong trái tim tôi: Đồng đội của tôi - Thể Công 'lớp 65'

Thứ Tư, 28/12/2016 06:03 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Có 4 cầu thủ từ Hải Dương đã đến vào chiều ấy gồm có 3 tiền đạo và 1 trung vệ. Đó là Lê Trung Hiếu có biệt danh Hiếu “mào” do có bộ tóc rất dày và xù lên như con chào mào và Nguyễn Như Tòng với biệt danh Tòng “khỉ” bởi anh chàng này có đôi tròng mắt đen láy như hạt nhãn rất linh động đảo đi đảo lại liên tục.

1. Đây cũng là 2 cầu thủ có tốc độ bẩm sinh. Cả hai đều được HLV Mười Tiền gửi gắm ở vị trí 2 biên bởi triết lý bóng đá của các HLV ngày ấy là lấy tấn công biên là chủ đạo và một trong những phẩm chất của tiền đạo biên là phải có tốc độ cao.

Bùi Xuân Thêu là nhân vật thứ ba đến từ Hải Dương. Đây là một cầu thủ có lối chơi thông minh, đầy chất “quái” của một anh chàng chuyên săn tìm bàn thắng. Di chuyển, chạy chỗ, chơi không bóng cực kỳ linh hoạt, nhỏ người nhưng che chắn, tỳ, đè rất hợp lý, chỉ đáng tiếc Thêu có tầm vóc khá khiêm tốn, anh chỉ cao 1m65 nên rất hạn chế trong các đường bóng bổng.

Người cuối cùng từ Hải Dương đến hôm nay là Nguyễn Văn Xây, một anh chàng có chất “Tây” nhiều hơn “Ta” do chiều cao tới 1m80, da trắng, mũi cao và đôi mắt to như 2 cái đèn pha. Xây là Việt Kiều từ Tân Đảo mới về nước và trúng tuyển Thể Công nhờ thân hình cao lớn, sự nhanh nhẹn và có khả năng chơi bóng bổng. Các nhà tuyển trạch bóng đá thời ấy ai cũng mừng khi “bắt” được một cầu thủ có tầm vóc cao lớn như thế. Nguyễn Văn Xây thì ngược lại, cậu ta rất linh hoạt và nhanh nhẹn.

Tôi đặc biệt hồi hộp, mong chờ những cầu thủ cuối cùng từ Hải Phòng đến. Tôi cứ đi ra đi vào mong chờ khác hẳn lúc trước. Trước hết vì lực lượng Hải Phòng là đông nhất, là nòng cốt của đội, kể cả số lượng và chuyên môn và sau đó là cá nhân tôi mong chờ được tái ngộ cái thằng đen đen hôm kiểm tra tại Sơn Tây nó giễu tôi là đồ nhà quê.

2. Và cuối cùng lúc gần đến giờ ăn cơm chiều, họ đã đến đầy đủ cả 6 người. Đó là Lê Quang Minh, một anh chàng cao to, đen, có đôi lông mày đen đậm, xếch lên như Lỗ Trí Thâm. Anh ta cũng vào loại ăn to, nói lớn khi chào chú Mười và chú Cảnh.

Cựu cầu thủ Thể Công và 'cái buổi ban đầu lưu luyến ấy'

Cựu cầu thủ Thể Công và 'cái buổi ban đầu lưu luyến ấy'

Cho đến chiều ngày 8/11/1965, 18 cầu thủ trẻ được gọi nhập ngũ đã có mặt đầy đủ. Cho đến nay tôi vẫn còn nhớ buổi chiều đầy kỷ niệm ấy, chúng tôi hồi hộp chuẩn bị đón đồng đội.

Quang Minh lúc đầu trông có vẻ dữ dằn nhưng sau khi sống cùng nhau thì ai cũng quý mến vì sự thẳng thắn, nóng nảy, hay tranh luận nhưng lại rất hay giúp đỡ người khác. Mọi người hay gọi là Minh “sề” có lẽ vì anh hơi nặng nề một chút. Minh “sề” sở trường ở vị trí trung vệ “thòng”.

Còn kia là Lê Anh Dũng tức Dũng “khoèo” sở trường thi đấu ở vị trí tiền vệ tấn công. Dũng bị khoèo tay bẩm sinh từ nhỏ khiến một bên ngực trái bị lép, nhưng do có tầm vóc tốt (cao hơn 1m70) lại có kỹ thuật và khá thông minh nên Dũng “khoèo” được đặc cách trúng tuyển.

Một cầu thủ cũng đá tiền vệ là Lê Ngọc Hùng biệt danh là Hùng “dẻo” bởi khi chơi bóng anh hay dùng động tác giả một cách rất dẻo và… như thật khiến đối phương bị mắc lừa! Hải Phòng còn có 2 tiền đạo cánh trái và cánh phải đã chơi rất thuyết phục tại buổi kiểm tra ở Trường SQLQVN, họ cũng là những cầu thủ xuất sắc nhất lớp năng khiếu bóng đá Hải Phòng thời ấy, đó là tiền đạo trái có đôi chân ma thuật Vũ Đình Bội, tức Bội “cỗi”.

Cậu ta đúng là “còi cọc” vì người thấp bé nhất đội, nhưng bù lại trời phú cho cậu có đôi chân xử lý trái bóng cực kỳ điệu nghệ. Cậu ta có thể tâng bóng bằng 2 mu bàn chân, bằng 2 bên má, bằng 2 lòng bàn chân, bằng cả cái…ống đồng từ khi ăn sáng đến tận…chiều tối. Thật đấy, chúng tôi đã thử rồi!

Kỳ 3: Những trận derby kinh điển - ai nhớ ai quên?

Nhiều chàng lãng tử

Còn tiền đạo cánh phải Quản Ngọc Xuân cũng là một chuyên gia đột phá qua hậu vệ biên đối phương nhanh chóng lật bóng từ biên vào giữa chính xác với tốc độ cao. Đây là anh chàng vui tính, hay đùa nghịch trêu chọc mọi người, chẳng kiêng dè ai.

Xuân có biệt danh “hổ dại” khiến người ta liên tưởng đến chuyện Tam Quốc Chí, cuốn sách gối đầu giường của thanh thiếu niên hồi ấy. Ai đã xem đến hồi “Hứa Chử cởi trần đánh Mã Siêu” thì mới hiểu vì sao Quản Ngọc Xuân có biệt danh ấy.

Bởi Xuân ham tập luyện ngoài giờ và rất thích cởi trần tập bất chấp nắng, gió y hệt bản tính của Hứa Chử. Người Hải Phòng cuối cùng tôi mong gặp nhất, đó là Phan Văn Mỵ, tức Mỵ “mọi”, tức là cái thằng đã thổi vào tai tôi câu “đồ nhà quê” khiến tôi tức điên lên hôm kiểm tra tại Trường SQLQVN hôm 9/9!

Tôi tò mò nhìn hắn cười và gật đầu chào. Hắn chủ động bắt tay tôi, thân mật: “Mày đến lâu chưa?”. “Tao đến buổi sáng”. Chúng tôi nói chuyện với nhau như bạn bè quen thân lâu ngày. Và thật ngạc nhiên là kể từ hôm ấy, tôi không thể nào xa rời được hắn. Ngược lại, Mỵ ngày nào cũng tìm tôi. Chúng tôi gắn bó với nhau như hình với bóng, như đã từng ở với nhau từ lâu lắm rồi. Kể cũng lạ…


VŨ MẠNH HẢI
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›