Thế hệ Hồng Sơn và thắng bại với người Thái

Thứ Ba, 15/11/2016 06:20 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Bốn kỳ AFF Cup đầu tiên kể từ năm 1996 tới 2002, Thái Lan vô địch 3 lần. Trong giai đoạn ấy, tuyển Việt Nam của thế hệ Hồng Sơn, Việt Hoàng là đội bóng hiếm hoi từng khuất phục được người Thái.

Năm 1996, Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á được tổ chức lần đầu tiên dưới cái tên Tiger Cup. Ngoài 6 quốc gia sáng lập AFF (Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á) gồm Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines và Brunei; Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar được mời tham dự. Và không cần mất quá nhiều thời gian, cả Đông Nam Á đã biết ai là “Nhà vua” của khu vực.

Bốn kỳ giải đấu tổ chức, người Thái nâng cúp ba lần. AFF Cup lần một tại Singapore 1996, Thái Lan ghi 18 bàn, để lọt lưới 3 lần trong toàn giải. Trên đường tới ngôi vương, họ đè bẹp Việt Nam của Hồng Sơn, Huỳnh Đức với tỷ số 4-2 tại bán kết. Bàn mở tỷ số trận ấy được ghi bởi Kiatisak Senamuang.

Sau khi bị Singapore qua mặt tại Tiger Cup 1998, tuyển Thái Lan trở lại mạnh mẽ bằng hai chức vô địch liên tiếp. Trong đó, chiến tích năm 2000 ấn tượng hơn cả khi Thái Lan toàn thắng cả 5 trận, hủy diệt Indonesia 4-1 ở chung kết. Đến năm 2002, tuyển Thái vẫn bảo vệ thành công danh hiệu dù những dấu hiệu sa sút đã xuất hiện (thua Malaysia 1-3 tại vòng bảng).


Cũng trong giai đoạn này, tuyển Việt Nam non trẻ đã có những bước tiến đầu tiên ra khu vực. 4 kỳ AFF Cup ấy, tuyển Việt Nam đều vượt qua vòng bảng. Dấu ấn lớn nhất của đoàn quân đỏ trong thời kỳ ấy là thắng lợi 3-0 trước Thái Lan ở bán kết và trận thua 0-1 trước Singapore tại chung kết. Cả hai sự kiện này đều diễn ra tại Hàng Đẫy ở AFF Cup 1998. Trong đó, bàn thắng được ghi từ cái lưng của Sasikumar tại chung kết vẫn mãi là nỗi đau day dứt với người hâm mộ Việt Nam.

Trong thời kỳ này, bóng đá Đông Nam Á nhìn chung đều rất sợ Thái Lan. Đội tuyển Thái không chỉ thống trị ở khía cạnh danh hiệu. Họ còn vượt trội so với khu vực về lối chơi, con người và kinh nghiệm. Thắng lợi của Việt Nam trước Thái Lan ở AFF Cup 1998, vì thế, có một ý nghĩa đặc biệt. Chiến thắng ấy giúp các nước Đông Nam Á có niềm tin rằng họ có thể vượt qua Thái Lan. Trong 4 kỳ AFF Cup đầu tiên, tuyển Việt Nam có 1 chiến thắng, 2 thất bại trước người Thái - một sự chêch lệch không quá lớn.

Quả bóng vàng Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn - người từng góp mặt trong trận thắng Thái Lan 3-0 tại Hàng Đẫy năm 1998, bồi hồi nhớ lại: “Từ năm 1990 đến 2001, bóng đá Thái Lan có dàn cầu thủ vô cùng xuất sắc, có thể nói là thế hệ Vàng của họ, gồm những Kiatisak, Natipong, Dusit. Trong thời điểm đó, dù chúng ta cũng có một thế hệ Vàng nhưng mỗi khi gặp họ đều phải thi đấu ở cửa dưới. Dù vậy thì năm 1998, chúng ta cũng đã có chiến thắng rất hoành tráng 3-0 trước Thái Lan”.

Đối thủ của tuyển Việt Nam giảm áp lực sau trận thắng Papua New Guinea 2-1

Đối thủ của tuyển Việt Nam giảm áp lực sau trận thắng Papua New Guinea 2-1

Malaysia đánh bại Papua New Guinea 2-1 trong trận đấu diễn ra vào chiều nay (14/11) tại sân Shah Alam. Chiến thắng này khôi phục lại sự tự tin cho cả đội và kéo lại niềm tin đang xuống thấp của CĐV với “những chú hổ”.

Lịch sử bóng đá Đông Nam Á giai đoạn này cũng ghi nhận sự vươn lên của Singapore và Indonesia. Đoàn quân tới từ “đảo quốc sư tử” là đội bóng duy nhất một lần phá được thế kìm kẹp của người Thái trong khi Indonesia là đội tuyển “đen” nhất AFF khi hai lần liên tiếp thua Thái Lan ở chung kết (trong lịch sử, Indonesia đã dự tổng cộng 4 trận chung kết AFF Cup, toàn thua cả 4).

Dẫu chưa một lần lên đỉnh Đông Nam Á, tuyển Việt Nam giai đoạn này đã cống hiến một lối chơi đẹp mắt với dàn cầu thủ đẳng cấp mà ngày nay đã trở thành những biểu tượng. Họ là Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Văn Sỹ, Phương Nam, Đức Thắng...

Cũng ở kỳ AFF Cup 2002, bộ tứ Minh Phương, Tài Em, Huy Hoàng, Văn Quyến đã lần đầu lên tuyển. Sự có mặt của họ là tiền đề đầu tiên mở ra một thời kỳ thành công mới của bóng đá Việt Nam trong tương lai.

Thành tích của tuyển Việt Nam ở 4 kỳ AFF Cup đầu tiên

1996, Huy chương Đồng, thắng Indonesia 3-2 ở trận tranh hạng ba

1998, Huy chương Bạc, thua Singapore 0-1 ở chung kết

2000, Hạng Tư, thua Malaysia 0-3 ở trận tranh hạng ba

2002, Huy chương Đồng, thắng Malaysia 2-1 ở trận tranh hạng ba

Dấu ấn tiêu biểu

- Lê Huỳnh Đức ghi 14 bàn, đứng thứ 3 trong danh sách các chân sút hay nhất lịch sử AFF Cup

- Nguyễn Hồng Sơn giành giải Cầu thủ hay nhất AFF Cup 1998

- Thắng lợi 3-0 trước Thái Lan ở bán kết AFF Cup 1998 là chiến thắng đầu tiên của bóng đá Việt Nam trước Thái Lan ở cấp độ đội tuyển


Bạch Dương
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›