(Thethaovanhoa.vn) - Chưa có bất kỳ dấu hiệu hay chuyển biến tích cực nào từ nhà tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), ngoài việc họ đứng ra nhận thầu gói bảo hiểm đôi chân cho toàn bộ các cầu thủ thuộc 14 CLB V-League và 10 đội hạng Nhất, khá ngược đời.
- Khởi tranh Toyota V-League 2016: Bầu Đức có còn 'nổ'?
- Lịch thi đấu và TRUYỀN HÌNH trực tiếp vòng 1 V-League 2016
- Than Quảng Ninh xuất quân tham dự V-League 2016
Chắc rằng, không đâu trên thế giới, BTC giải đấu bao trọn gói cho đôi chân, thậm chí cả tính mạng cho các cầu thủ trên sân, để họ thoải mái cái đầu và vung chân hết cỡ cả. Thừa nước đục thả câu, liệu bạo lực có tiếp tục leo thang từ kẽ hở này?!
Ngoài nhà tài trợ chính Toyota, trước Tết Nguyên đán vừa qua, VPF đã công bố thêm khá nhiều nhà tài trợ phụ và đồng hành, bao gồm cả gói hợp tác với một đơn vị chuyên cung cấp các dữ liệu về cá độ bất hợp pháp. Thoạt nghe, đây có vẻ là tín hiệu vui với giải bóng đá cao nhất xứ sở, khi BTC không phải đau đáu chuyện tiền nong, song thực tế là, điều này không những chẳng giúp ích được gì cho CLB cả, ngược lại còn làm khó họ.
Trên áo đấu của tất cả các CLB chuyên nghiệp, những vị trí dễ thấy nhất và trang trọng nhất, dành để đính tên và logo của nhà tài trợ giải đấu, cũng như của VPF, với bộ nhận diện thương hiệu "to vật vã". Vậy thì chỗ nào để CLB gắn thương hiệu của nhà tài trợ chính của họ? Sự phân bổ bảng quảng cáo dưới sân bóng cũng vậy, "mặt tiền" luôn thuộc quyền khai thác của nhà tổ chức. Các đội bóng chỉ thấy nghĩa vụ, chứ quyền hạn tận đẩu, tận đâu. Tiền bản quyền truyền hình vẫn là một khái niệm phù phiếm.
2. Một đôi ngày trước thời điểm khởi tranh V-League 2016, các CLB khắp cả nước đều đồng loạt làm lễ xuất quân trong không khí khá hân hoan, hứng khởi. Song, phần lớn vẫn đèn nhà ai nấy sáng. Trong khi Đồng Tháp, lương thưởng và chế độ ăn ở, tập luyện không hơn một đội phong trào là mấy, thì XSKT Cần Thơ dường như vung tay quá trán, rửa mắt thiên hạ bằng đội hình toàn sao, tất cả đều mua bằng tiền, trong khi vẫn không có tuyến trẻ để "gối đầu" vụ sau.
Từ ảnh hưởng suy thoái kinh tế, nợ công trên diện rộng đè lên địa hạt bóng đá từ mấy năm qua, có thể thấy rõ xu thế dùng "đồ ăn nhanh" đã không còn là mốt nữa. Cỡ đại gia như B.Bình Dương hay Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng, HAGL..., cũng không thấy mua vào mà toàn bán ra, đừng nói SLNA hay S.Khánh Hoà BVN. Điều này có thể khiến các giá trị chuyên môn, cũng như thương mại của đội bóng và giải đấu bị giảm thiểu, nhưng liệu cơm gắp mắm là sự điều chỉnh hợp lý, tránh lãng phí.
Sau gần một thập niên (giai đoạn 2006 - 2014), các phiên chợ trên sàn chuyển nhượng rất nhộn nhịp, bóng đá Việt Nam với đầu ra là các ĐTQG, cũng gặt hái được ít nhiều thành công, chúng ta bắt đầu cảm nhận được sự đi xuống có hệ thống của nền bóng đá. Việc chú tâm, chăm sóc khâu tuyển chọn, đào tạo VĐV trẻ là lối thoát bắt buộc và gần như duy nhất. Về điều này, ít ai bì được với Hà Nội T&T, HAGL và SLNA. Họ xứng đáng được biểu dương.
Vòng 1 V-League 2016 sẽ khởi đi vào chiều nay (20/2) và ngày mai, với một số cặp đấu rất đáng chú ý, diễn ra ở Hà Nội, Thanh Hoá và Bình Dương. Ngoài đất Thủ, không có bất cứ đội bóng nào dám tuyên bố tham vọng vô địch, thậm chí ngay cả XSKT Cần Thơ vốn đã bỏ ra nhiều chục tỷ đồng mua quân, cũng chỉ hạ quyết tâm trụ hạng trong tốp 10. V-League dễ gây cảm giác hội làng, đến hẹn lại lên, chứ tính ganh đua rất thấp. Một giải đấu mà người chơi sợ vô địch, chỉ lo trụ hạng, kể ra cũng cám cảnh thật.
Kéo khán giả trở lại sân bóng trong bối cảnh này là điều cực khó, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của CLB, mà còn của cả BTC giải, của truyền thông...
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Tags