(TT&VH) - Màn ra mắt tưng bừng của HLV Falko Goetz ở Việt Nam có sự góp công không nhỏ của “cầu thủ thứ 12” trên các khán đài SVĐ Thống Nhất. Tuy nhiên, để có một “chảo lửa” ngay giữa Sài thành như thế, cần những que diêm để thắp lên ngọn đuốc cuồng nhiệt của tất cả các CĐV. Anh Trần Hữu Nghĩa, một CĐV ruột của bóng đá Sài thành, là một “que diêm” như thế.
“Mỗi lần tôi bắt nhịp “Tôi yêu” là các bạn hô to Việt Nam giúp tôi nhé”. Và chính lời bắt nhịp đó đã góp phần cho những tiếng Việt Nam đầy tự hào được vang lên liên tục trong trận cầu ngày hôm đó.
Đa phần CĐV đến sân để thưởng thức bóng đá và cổ vũ cho ĐT, nhưng với anh Nghĩa, công việc của anh chỉ “có làm mà không có xem”. “Suốt cả trận, tôi chạy đôn đáo từ khán đài này qua khán đài khác, cốt để không để không khí cổ động của khán giả bị hạ nhiệt. Vậy nên, cả trận đấu ĐT thắng đẹp thế, tôi có xem được gì đâu. Nhưng dù sao, ĐT thắng như thế thì cũng đáng bỏ công”, anh Nghĩa bộc bạch.
Với một CĐV thầm lặng như anh Nghĩa thì “công việc chuẩn bị phải bắt đầu từ nửa tháng trước đó. Phải làm sao cho các CĐV vào sân ngồi quy củ, có tổ chức, không lộn xộn là điều không hề đơn giản. Để trống chỗ nào, kèn chỗ nào, ai đánh trống, ai thổi kèn cũng phải chạy vạy vận động khắp nơi. Vì ĐT đá nên chắc chắn sẽ có nhiều Hội CĐV ở nhiều nơi đến cổ vũ, vậy nên mình phải có trách nhiệm tổ chức được cho an toàn, lịch sự để cho họ nể mình, không mất mặt cả Hội CĐV TP.HCM”.
Bóng đá Sài Gòn nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung vẫn rất cần những CĐV nhiệt thành như anh Nghĩa. Ảnh: Việt Hà |
Anh Nghĩa tiết lộ mệt nhất là ngày trận đấu diễn ra. 19h15 là giờ thi đấu chính thức, nhưng từ buổi sáng, anh Nghĩa đã có mặt ở sân để họp với các Hội CĐV từ những nơi khác đến để phân công nhiệm vụ: “CĐV Đà Nẵng chịu trách nhiệm trống, CĐV TP.HCM chịu kèn, Thanh Hóa, Hải Phòng cũng phải hô và làm sóng nhiệt tình lên nhé!
Trong trận đấu thì la hét lạc cả giọng. Trận đấu xong tôi cùng anh em tranh thủ dọn dẹp đồ đạc ra về cũng 22h rồi. Nói cả ngày mệt lả nhưng không có gì lót bụng, đến khuya mới được làm tô hủ tiếu và về nhà là lăn ra chẳng biết trời đất gì luôn”. Mệt là thế nhưng chỉ vài tiếng động viên như các CĐV Thanh Hóa khen : “Bác Nghĩa tuyệt vời” là y như rằng anh Nghĩa lại hởi lòng hởi dạ, và “đó là những kỷ niệm đáng nhớ trong đời CĐV. Hôm qua, anh em gọi điện nhắc lại kỷ niệm hôm trước đó mà cả ngày tôi cười muốn bể bụng. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng gọi điện hỏi thăm chúng tôi và cảm ơn đã tổ chức một buổi cổ động ra trò.
Nghe đâu, ông Hỷ còn cân nhắc thấy tình hình hiện tại, nếu mọi chuyện thuận lợi với ĐT Việt Nam, có thể sẽ can thiệp để trận lượt về giữa ĐT Việt Nam và Qatar ở vòng loại thứ 2 sắp tới đây lại được tổ chức ở SVĐ Thống Nhất. Chi phí tổ chức một trận đấu ở Thống Nhất cũng rẻ chỉ bằng 2/3 chi phí tổ chức một trận đấu ở Mỹ Đình. Nếu đúng vậy thì chắc sẽ còn vui nữa”, anh Nghĩa mau mắn “khoe”.
Nổi danh đã lâu trên các khán đài sân Thống Nhất với tác phong chân chất, giản dị và “ngoại đạo” trong những chuyện không hay gần đây của CĐV Sài thành, uy tín của anh Nghĩa còn lan rộng đến đất Bình Dương, rất nhiều người Bình Dương hào hứng và chào đón anh mỗi khi anh đến Gò Đậu xem bóng đá và làm quản trò.
Bóng đá Sài Gòn vẫn còn những người như anh Nghĩa, vẫn còn hình ảnh một chảo lửa Thống Nhất biết nói cách đây 2 hôm. Thế mới biết người Sài thành vẫn còn máu me bóng đá lắm lắm, nên cần lắm những trận cầu như thế để CĐV Sài Gòn cho nhân dân cả nước biết rằng, tình yêu bóng đá chưa bao giờ nguội lạnh trong suy nghĩ của họ.
Việt Hà
“Từ 8 tuổi, tôi đã đến sân Cộng Hòa (tên tiền thân của Thống Nhất bây giờ) để xem bóng đá rồi …mê luôn từ đó. Thần tượng của tôi là danh thủ Hồ Thanh Cang. Cuộc đời tôi đã có 45 xuân xanh gắn bó với bóng đá Sài Gòn, đội bóng tôi mê nhất sau giải phóng là Cảng Sài Gòn (tên tiền thân của CLB TP.HCM bây giờ). Nhưng nay đội bóng của tôi xuống quá, dù buồn nhưng đã thành thói quen, cuối tuần nào đội bóng đá ở Thống Nhất hay có dịp được đi theo đội, tôi cũng phải ráng thu xếp công việc đi theo. Hiện, tôi có những “đệ tử nhí” rất mê bóng đá, có em chỉ 10 tuổi. Sài Gòn hiện có 3 đội bóng đá, nhưng khán giả đến sân ngày càng ít đi. Không biết phải bao lâu nữa, bóng đá ở cấp CLB mới thấy được nhiều CĐV như trận ĐT chúng ta mới đá đây”, anh Nghĩa trầm ngâm. |