Hàng loạt những sai sót của trọng tài đang đe dọa sự vẹn toàn của mùa 2022 nhưng các cơ quan quảnlý, điều hành bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể tìm ra giải pháp triệt để.
1. V-League ở tuổi 22 ghi nhận những nỗ lực để ngày càng chuyên nghiệp trong sự thay da đổi thịt của các đội bóng. Những năm gần đây, từ tư duy đến cách làm bóng đá của các CLB đã có những bước chuyển mình tích cực. Tuy nhiên vẫn còn đó những tồn đọng ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, chất lượng của V-League, đó là công tác trọng tài. Mùa giải năm nào cũng xảy ra những sai lầm nghiêm trọng do trọng tài thiếu bản lĩnh và yếu tay nghề. Để hạn chế hay xử lý những sai lầm của thường thấy của “vua sân cỏ”, những phương án ngắn hạn, cấp bách đã được BTC đưa ra nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập.
Ban trọng tài luôn khẳng định sai sót của trọng tài chỉ nằm ở khía cạnh chuyên môn chứ không hề có vấn đề tư tưởng. Tuy nhiên, với sai lầm mang tính hệ thống hiện nay của trọng tài Việt Nam, có thể khẳng định V-League vẫn khó mà vươn tầm nếu các đội bóng cứ mãi ấm ức trước các quyết định của “vua sân cỏ”. V-League 2022 diễn ra hấp dẫn bao nhiêu, công tác trọng tài của mùa giải làm người hâm mộ phải băn khoăn bấy nhiêu. Chúng ta có thể vui mừng trước rất nhiều biến chuyển tích cực của giải chuyên nghiệp. Tuy nhiên, những điểm yếu cốt tử vẫn còn đó, sẵn sàng đưa con thuyền chuyên nghiệp quay lại thuở ban sơ. Trong những nỗi lo thì khâu trọng tài vẫn là ám ảnh nhất. Ban Trọng tài thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quản lý, nên họ không thể tiếp tục bàng quan, đổ lỗi sự yếu kém do hoàn cảnh.
Cái thiếu nhất của trọng tài V-League là niềm tin nơi các đội bóng. Niềm tin đó đã bị xói mòn bởi những chuyện “một mất mười ngờ” xuất phát từ chính những sai sót lặp đi lặp lại từ mùa này qua mùa khác. Để ý sẽ thấy, năm nào Ban Trọng tài cũng kiểm tra, sát hạch, cũng tập huấn nâng cao nghiệp vụ, rút kinh nghiệm nhưng dường như trình độ của trọng tài V-League chưa được cải thiện. Vậy nên, câu hỏi Ban Trọng tài, VFF, VPF làm gì để thay đổi diện mạo, năng lực của các “vua sân cỏ”vẫn để ngỏ và cần lời giải tối ưu. Chỉ cần nhìn số lượng trọng tài FIFA hay AFC của các trọng tài Việt Nam ngày càng “teo tóp” đi là đủ hiểu vấn đề.
2. Cựu giám sát trọng tài Đoàn Phú Tấn nhìn nhận một trong những lý do chính nằm ở ý thức nghề nghiệp của các trọng tài: “Không phải trọng tài nào cũng cầu tiến và chủ động nâng cao năng lực chuyên môn. Chính vì vậy, số lượng trọng tài đạt chuẩn FIFA của bóng đá Việt Nam còn ít hơn với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa cần so sánh với thế giới. Bản thân trọng tài cũng phải có tinh thần, trách nhiệm nghề nghiệp và chủ động cải thiện chuyên môn để xử lý những tình huống chuẩn xác”.
Đúng thì được khen nhưng sai thì phải chịu. Thế nên cách tốt nhất để trọng tài tự bảo vệ chính mình là không làm sai và cũng đừng để bị chi phối, tác động bởi những lý do khuất tất nào đó. Như thế, trọng tài sẽ có được hàng rào “miễn nhiễm”. Tất nhiên để các trọng tài đừng sai hay hạn chế sai thì cần phải có một môi trường tốt, minh bạch để họ được làm nghề. Để các trọng tài tự tin và tiến bộ cần phải trao cho họ niềm tin cùng sự thoải mái, trong sáng mỗi khi ra sân.
Bóng đá Việt Nam đã từng có nhiều giải pháp về công tác trọng tài nhưng đó chỉ như chuyện “hớt ngọn” chứ chưa giải quyết gốc rễ của vấn đề.Việc mời các trọng tài ngoại về bắt một số trận đấu ở giai đoạn cuối mùa giải cũng giống như việc kỷ luật các trọng tài phạm sai lầm cũng sẽ chỉ giải quyết phần ngọn mà thôi. Ban Trọng tài phải “đại phẫu” đúng nghĩa từ cách mạng nhân sự, lề lối làm việc, mới hy vọng trọng tài Việt Nam thoát ra được sự yếu kém trầm kha. Hơn lúc nào hết VFF cần chứng tỏ khả năng quản lý, điều hành của mình ở thời điểm hiện tại. Nếu VFF không quyết liệt trong khâu chọn người điều hành và nhất là công tác đào tạo thì vấn đề trọng tài sẽ vẫn là nhức nhối của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm nữa.
Hy vọng Đại hội VFF khóa IX, nhiệm kỳ 2022 – 2026 sẽ đưa ra những quyết sách đúng đắn trong đó có vấn đề trọng tài. Bởi nếu không có một cuộc “đại phẫu” trọng tài đúng nghĩa thì V-League vẫn đá rồi trọng tài… vẫn sai.
Trần Tuấn
Tags