Từ Septo đến Hàng Đẫy và giấc mơ Công viên các Hoàng tử

Thứ Năm, 29/03/2018 06:20 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tròn 60 năm, kể từ ngày bãi đất trống rộng 3ha của Hội Thể dục Bắc Kỳ (SEPTO) trở thành sân vận động Hàng Đẫy hiện đại, địa chỉ vàng của thể thao miền Bắc cũng như Thủ đô đang đứng trước cơ hội trở thành một siêu sân quốc tế với bản hợp đồng ghi nhớ vừa được ký giữa Tập đoàn T&T và Tập đoàn Buygues của Pháp. Một giấc mơ Công viên các Hoàng tử (Parc des Princes) của Hà Nội.

Công trình của chế độ mới

Nằm giữa làng Bích Câu và phố Hàng Đẫy cũ, sân Hàng Đẫy cũ được xây dựng vào năm 1937 với diện tích gần 20m2, nhưng mặt sân rất gồ ghề, không có hệ thống thoát nước và khán đài chỉ vỏn vẹn 400 chỗ ngồi, không có cả nơi ăn ở, vệ sinh cho cầu thủ, khán giả.

Sau Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), do yêu cầu tăng cường sức khỏe cho nhân dân và phát triển phong trào TDTT, Chính phủ đã cho xây lại sân Hàng Đẫy với chủ trương "đẹp, tốt, rộng, đúng quy cách hiện đại". Khởi công vào ngày 16/2/1957 và khánh thành vào ngày 24/8/1958, một tiến độ thi công được xem là cực kỳ tốc độ vào thời bấy giờ, sân Hàng Đẫy mới chính thức ra đời với diện tích 21.844m2, bao bọc bởi tường cao có 14 cửa nhỏ và 3 cửa lớn, chính giữa là sân bóng đá, xung quanh có đường chạy điền kinh, có sân bóng chuyền, bóng rổ... Khán đài xây theo hình lòng chảo có 20 bậc chứa xấp xỉ 2,5 vạn người.

Những con số xây dựng khi đó đã cho thấy tầm cỡ, quy mô của sân Hàng Đẫy: Xi măng 670 tấn; Gạch 1.825,50 viên; Than xỉ 2.112 tấn 600; Sắt 69 tấn 359; Vôi 292 tấn 690. Đặc biệt, công trình này gắn với nhân dân Thủ đô, khi tham gia vào việc xây dựng là 101.304 công. Riêng toàn bộ việc cấy thảm cỏ mặt sân đều do các em thiếu nhi đảm trách...

Một công trình mà theo bài phát biểu trong Lễ khánh thành của bác sỹ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội khi đó là: "Thể hiện tính ưu việt của chế độ của chúng ta, một công trình chưa hề có dưới thời kỳ Pháp thuộc."

Chú thích ảnh
Sân Hàng Đẫy trong ngày khánh thành cách đây 60 năm

'Địa chỉ đỏ' của Thể thao Việt Nam

60 năm trước, sân Hàng Đẫy được khánh thành với sự có mặt của Bác Hồ và cho đến giờ không nhiều người còn nhớ về trận đấu khai sân giữa 2 đội tuyển PhnomPenh (Campuchia) và Hải Phòng.

Đội bóng Khmer lúc ấy được giới chuyên môn đánh giá cao nhờ lối chơi có thể lực và chiến thuật mà nòng cốt là các cầu thủ Quân đội (FARK), còn tuyển Hải Phòng cũng chẳng hề kém cạnh với thủ môn Coóng; Te, Đức, Pố, Túc... Theo những tài liệu cũ, thì trận đấu này diễn ra trong 80 phút (theo luật cũ), chung cuộc đội tuyển PhnomPenh đã giành thắng lợi trước Hải Phòng, rồi sau đó thắng tiếp Tuyển Hà Nội thời đó với Tòng, Luyến, Thì, Đức, Tuất, Thịnh cũng trên sân Hàng Đẫy.

Và cũng từ đó, sân Hàng Đẫy trở thành "địa chỉ đỏ" của thể thao miền Bắc nói chung và thể thao Hà Nội nói chung. Bên cạnh các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, Đại hội TDTT Hà Nội... Hàng Đẫy là điểm đến hàng đầu của làng cầu Việt, từ giải bóng đá Quân đội các nước XHCN SKDA trước đây, đến Tiger Cup 1998, thậm chí cả SEA Games 22 năm 2003 sau này dù đã có sân quốc gia Mỹ Đình.

Hàng Đẫy cũng là đại bản doanh của nhiều đội bóng lừng danh của Thủ đô trước đây như: Công An Hà Nội, Tổng cục Đường sắt, hay kể cả Thể Công... và sau này là những Hòa Phát, Hà Nội ACB... ngay kể cả lúc này, Hàng Đẫy vẫn đang là sân nhà của ba đội bóng Hà Nội FC, Viettel và Công an Nhân Dân.

Sẽ là một Parc des Princes của Hà Nội?

Trong suốt lịch sử dài đến 60 năm, sân Hàng Đẫy đã nhiều lần được sửa chữa, nâng cấp nhằm hoàn thiện theo tiêu chuẩn quốc tế. Đáng kể nhất là vào thập niên 90 nhằm phục vụ cho Tiger Cup 1998 với hệ thống chiếu sáng mới hiện đại; chỉnh sửa mặt sân, thay cỏ; lắp ghế ngồi, đồng hồ điện tử, bảng điện tử; mở rộng và nâng sức chứa lên hơn 3 vạn chỗ ngồi. Gần nhất năm 2017, công trình này cũng được nâng cấp lần nữa với số kinh phí hơn 10 tỷ đồng sau khi thành phố Hà Nội quyết định giao sân cho đội bóng Hà Nội T&T.

Tuy nhiên, cũng như nhiều sân bóng cũ ở Việt Nam, sân Hàng Đẫy cũng là đề tài gây nhiều tranh cãi. Giá trị lịch sử là không thể phủ nhận, nhưng trước cơn lốc đô thị hóa, việc giữ hay bỏ sân vận động này nhiều lần được nhắc tới. Chẳng đâu xa, vào đầu những năm 2000, nhằm chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 tại Việt Nam, sân Hàng Đẫy cùng không gian xung quanh được nâng cấp, quy hoạch lại. Hệ thống đường thoát hình thành và cả 1 nhà để xe hiện đại với hệ thống giằng sắt được xây dựng. Nhưng chẳng lâu, tất cả vẫn... y nguyên, còn nhà để xe được sửa chữa lại thành... trụ sở Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố!

Tập đoàn kí thỏa thuận nâng cấp sân Hàng Đẫy từng xây sân cho PSG

Tập đoàn kí thỏa thuận nâng cấp sân Hàng Đẫy từng xây sân cho PSG

Tập đoàn T&T và tập đoàn Buygues ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư phát triển dự án nâng cấp mở rộng sân vận động Hàng Đẫy, thành phố Hà Nội. Tổng giá trị đầu tư của dự án ước tính khoảng 250 triệu euro.

Thêm một sân vận động hiện đại nữa cho Hà Nội là điều đáng mừng, nhưng rõ ràng, điều đáng bàn ở đây là công năng. Nếu chỉ một mục tiêu duy nhất là tổ chức bóng đá, thể thao thì những vấn đề xung đột về đô thị vẫn không được giải quyết. Phải chăng một quy mô lớn hơn, một tổ hợp văn hóa - thể thao - giải trí, mới thực sự nâng tầm Hàng Đẫy trở thành một Parc des Princes của Hà Nội!

Vào ngày 27/3 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển, ông bầu của CLB Hà Nội, đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Bouygues để nâng cấp sân Hàng Đẫy. Được biết, bản hợp đồng này có giá trị lên đến 250 triệu euro (khoảng hơn 7 ngàn tỷ đồng). Với bản hợp đồng mới này, sân Hàng Đẫy hứa hẹn sẽ thay đổi diện mạo và thu hút nhiều CĐV hơn.

Vũ Minh

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›