(Thethaovanhoa.vn) - Thất bại của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn tại VCK U19 châu Á ở xứ vạn đảo Indonesia cho nền bóng đá thêm một bài học vỡ lòng về việc hiểu mình và hiểu người. Sau những thành công bước đầu với bóng đá trẻ, chúng ta đang như lơ lửng 9 tầng mây và thậm chí đã có biểu hiện xem thường những đối thủ láng giềng ở Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia...
Khoảng cách giữa bóng đá trẻ và tầm ĐTQG là rất xa, còn xa đến đâu thì có lẽ là chỉ khi lâm trận, với các hạng mục giải đấu cụ thể, người trong cuộc mới biết đích xác được. Trong khoảng 3 tháng tới đây, đội tuyển Việt Nam sẽ bước vào 2 giải đấu chính thức quan trọng nhất nhì với nền bóng đá: AFF Suzuki Cup 2018 và AFC Asian Cup 2019. Thành bại là ở đây.
Nếu như tại VCK ASIAN Cup 2019 (diễn ra vào tháng 1/2019), đội tuyển Việt Nam có quyền… thất bại, tại bảng đấu có cả Iraq, Iran và Yemen, thì trong khuôn khổ giải vô địch Đông Nam Á trước đó, nếu không vào chơi trận cuối cùng, thì nó còn hơn cả thất bại. Thành công (nếu có) ở sân chơi khu vực có vai trò quan trọng, thậm chí quyết định cho chuyến đi đến UAE. Tại sao?
Đội tuyển U23 Việt Nam sau khi tạo cơn địa chấn ở Thường Châu (Trung Quốc), tiếp tục phát huy được hào khí để lọt vào bán kết ASIAD 18, 7 tháng sau đó. Đấy là hiệu ứng - sự phát triển tự nhiên ở cấp độ các ĐTQG, tuy nhiên tiếc rằng, giải VĐQG lại không tiếp được hiệu ứng tích cực ấy, với chất lượng chuyên môn có thể nói là đi xuống.
Cũng như 2 năm trước, dù đội tuyển U20 Việt Nam không giành được chiến thắng nào tại FIFA U20 World Cup trên đất Hàn Quốc, thì về lối chơi và sự ổn định nhân sự kéo dài từ VCK U19 châu Á 2016, vẫn được duy trì. Con người chính là trung tâm và bằng chứng là 2 năm sau, đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn do không thể bảo lưu vấn đề nhân sự, nên đã thua thảm.
Trở lại với đội tuyển Việt Nam của thuyền trưởng Park Hang Seo. Đã có những phác thảo lộ trình cho đội bóng có thể tiến đến trận đấu cuối cùng, chỉ với điều kiện nếu chúng ta chơi đúng sức và không mắc phải sai số nghiêm trọng nào như các kỳ AFF Cup 2014 và 2016. Nhưng, bản chất của bóng đá là rủi ro, là tai nạn, bao gồm cả những tai nạn ngoài ý muốn của tất cả.
Lịch thi đấu và bảng đấu (bảng A), về lý thuyết là tương đối thuận lợi với đội tuyển Việt Nam, song thực tế không có trận đấu nào là dễ dàng cả. Lịch sử hơn 20 năm các cấp độ giải đấu khu vực, cả Malaysia và Myanmar đều hơn một lần loại Việt Nam khỏi cuộc chơi. Đấy là bởi chúng ta không những chưa hiểu về họ, ngoài ra, còn mang tâm lý chủ quan.
Chính sự chủ quan đã khiến bóng đá Việt Nam bị Myanmar loại ở bán kết SEA Games 24 (Korat, năm 2007), bị Malaysia bỏ lại ở chung kết SEA Games 25 (Vietiane, năm 2009), ở bán kết AFF Suzuki Cup 2010 và đến giải đấu năm 2012, thì thậm chí còn bật bãi ngay sau vòng đấu bảng… Đó là giai đoạn bóng đá Việt Nam cũng khá thừa tài năng ở các cấp độ ĐTQG.
Tự thất bại không đẻ ra thành công. Với những thành công bước đầu trong năm 2018, đương nhiên là tín hiệu tích cực, nhưng không thể ngồi đó mà hoan hỉ được. Bóng đá là sự tích lũy, kế thừa và nâng cấp liên tục, không một đội bóng nào thành công mãi được, song nếu không nỗ lực, thì chỉ có lụn bại mà thôi. Nói bóng đá như người bơi ngược dòng nước là thế.
Để năm 2018 có khép lại một cách đại cát hay không, không phải chuyện riêng của ông Park, mà nó là thái độ ứng xử, là vấn đề của cả nền bóng đá.
TÙY PHONG
Tags