(Thethaovanhoa.vn) - Khác với các đàn anh như Xuân Trường, Tuấn Anh hay Công Phượng, ở tuổi 20, Văn Hậu đã thu thập mọi thành tích, trước khi xuất ngoại.
Từ các chức vô địch hệ thống giải đấu quốc nội trong nhiều năm, đến danh hiệu cùng các ĐTQG. Hậu đã và đang là cầu thủ Việt Nam hay nhất thế hệ của anh và trước đó, chứ không đơn thuần chỉ là tiềm năng nhất, dù Hậu (sinh năm 1999) ít hơn Quang Hải 2 tuổi và kém lứa của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường..., 4 tuổi.
Một cầu thủ tài năng bậc nhất nền bóng đá, có xứng đáng được kỳ vọng không? Xứng đáng. Nhưng kỳ vọng, cổ vũ chứ đừng thương hại, hay tệ hơn... làm hại thần tượng.
Cũng lại khác với đại đa số các cầu thủ HAGL từng xuất ngoại, Văn Hậu có người đại diện và đội ngũ tư vấn, thậm chí làm truyền thông. Công việc của Hậu chỉ là tập luyện, cố gắng và cố gắng.
Tuy giải VĐQG Hà Lan đã thụt lại so với 5 giải đấu lớn nhất cựu lục địa, nhưng xứ hoa tuy-líp vẫn là một trong những nền bóng đá hàng đầu châu Âu và thế giới. Điều đó có nghĩa rằng, việc tìm suất đá chính là rất khó khăn và ngay cả điều này, Văn Hậu cũng đã được dạy hàng trăm lần trước ngày lên đường.
Nếu Văn Hậu chưa có cơ hội ra sân chính thức trong màu áo SC Heereveen, thì hoặc Hậu đã cố gắng chưa đủ, hoặc khác nữa là năng lực của Hậu chưa đủ đáp ứng đòi hỏi. Vế đầu là chủ quan (có thể cải thiện được), vế còn lại là khách quan và nó thuộc về vấn đề thẩm định của đôi ba bên, trước khi đặt bút ký hợp đồng.
Về cơ bản, tham vọng xuất khẩu cầu thủ của bầu Đức đã thất bại với lứa của Công Phượng, nhưng nền bóng đá biết ơn ông chủ Học viện Hàm Rồng, như một người đi tiên phong. Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường như hoa tiêu, dẫn lái và không bị cho là nạn nhân của việc “bán lúa non”.
Nếu không có những người sẵn sàng hy sinh để mở lối, chúng ta vẫn mãi chỉ đứng sau rặng tre. Trước đó, từ Lê Huỳnh Đức đến Lương Trung Tuấn, Lê Công Vinh..., dù cũng không mấy thành công, nhưng cũng đã ghi công lớn.
Cầu thủ tài năng bậc nhất của bóng đá Việt Nam như đã nhắc, Đoàn Văn Hậu, vẫn còn đầy đủ thời gian và cơ hội. Chúng ta vẫn biết ngay đến Son Heung Min, cầu thủ châu Á xuất sắc nhất trong hơn nửa thập niên qua, cũng không thành công ngay sau khi chuyển đến Đức.
Và xuất phát điểm của Son cũng không giống Văn Hậu, khi tuổi thơ đã được chu du khắp thế giới; bóng đá Hàn Quốc kể cả là bóng đá học đường, càng ở đẳng cấp khác so với bóng đá Việt Nam. Son là cầu thủ trưởng thành từ bóng đá học đường, được đào tạo và thuộc diện tài năng thiên bẩm.
Văn Hậu có thể sẽ cố gắng trụ lại SC Heereveen, hoặc cũng có thể chuyển CLB ở hạng thấp hơn, hoặc qua “nước thứ 3” trước khi trở lại. Đấy là việc của Hậu, người đại diện và đội bóng sở hữu anh. Nó không phải việc của chúng ta, càng không thuộc về các “HLV online”.
Nhắc lại, tuổi 20 phần lớn chúng ta đều đang còn ngồi ghế nhà trường và nghe bài “Hành trình tuổi 20” hối thúc vượt “núi cao, sông dài”. Chỉ một số ít những người 20 tuổi đạt được những thành tựu, trong nhiều địa hạt khác nhau của xã hội.
Bóng đá có thể là một ngoại lệ, nhưng ngoại lệ chỉ dành cho những “thiếu niên anh hùng”, dám mạo hiểm, đón nhận thách thức. Trong 20 năm qua, chỉ Công Vinh, Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng và giờ là Văn Hậu được tận hưởng (là tận hưởng chứ không phải chịu đựng) cảm giác chinh phục.
Sau tất cả, nền bóng đá Việt Nam chưa đủ năng lực xuất khẩu cầu thủ đến các giải đấu hàng đầu châu lục và thế giới, kể cả là bán lẻ. Nhưng, ký gửi thì được! Văn Hậu không từ bỏ và chúng ta cũng sẽ không từ bỏ tham vọng chinh phục.
Tùy Phong
Tags