(Thethaovanhoa.vn) - Đã có những cá nhân sẵn sàng vươn lên để làm cột trụ ở đội tuyển sau cuộc chia tay của Công Vinh, Thành Lương…
- AFF Suzuki Cup 2016: Thái Lan xuất sắc nhất, Indonesia bất ngờ nhất & tuyển Việt Nam thất vọng nhất
- Tuyển Việt Nam thèm khát 'người hùng' của Thái Lan
- Cẩm nang tránh thua của tuyển Việt Nam
Tôi thậm chí không quan tâm đến nó, mà chỉ tập trung vào các trận đấu sắp tới, trong màu áo của đội bóng chủ quản HAGL…”, tiền vệ ĐTQG, Lương Xuân Trường trả lời Thể thao & Văn hoá cuối tuần như thế.
Chúng ta đã được nghe và đọc nhiều về những ứng xử thông minh của tiền vệ trẻ người Tuyên Quang, bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng mẹ đẻ. Xuân Trường chính là một trong những cái tên ưu tú bậc nhất thế hệ của anh. “Ở độ tuổi đó, chúng tôi không thể chơi được thứ bóng đá như Xuân Trường, Tuấn Anh đã và đang chơi”, cầu thủ từng 3 lần đoạt QBV Việt Nam, Phạm Phành Lương từng chia sẻ.
Xán lạn đầu ra đội tuyển quốc gia
Xuân Trường có thể không phải là cầu thủ Việt Nam thành công nhất trong năm 2016, nhưng chắc chắn anh là cầu thủ có đẳng cấp bậc nhất nền bóng đá, khi được ra sân một số trận đấu ở K-League (giải đấu cao nhất của Hàn Quốc), trong màu áo Incheon United, dù xuất phát điểm chỉ ngang với Công Phượng, Tuấn Anh, khi ra nước ngoài thi đấu với nhiều hơn các mục đích thương mại, quảng bá. Và, ĐTQG trong tương lai gần, sẽ được xây dựng xung quanh các cái tên này, những cầu thủ trẻ đương thời và là của hiếm của nền bóng đá trong khoảng 15 năm đổ lại.
Văn Toàn, Văn Thanh là hai trong số những cầu thủ trẻ nhưng bắt đầu có kinh nghiệmẢnh: Phạm Tuân
Lịch sử đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam, kể từ sau “thế hệ vàng”, với công thức – mô hình cũ, tức là sử dụng thuần tuý nguồn nội lực, với các thầy là những cựu cầu thủ sau giải nghệ, khá nhất từng sản sinh ra Văn Quyến, Quốc Vượng, Công Vinh, sau này có thêm Thành Lương, Văn Quyết. Với thầy ngoại và công thức đào tạo ngoại, chế độ dinh dưỡng được cải thiện, Học viện HAGL Arsenal JMG cho ra lò Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn…, có thể nói là tiềm năng hơn nhiều. Để phát triển nền bóng đá tự cường phải là khâu đào tạo.
Năm 2010, khi ĐT U19 Việt Nam dưới thời HLV Triệu Quang Hà được thành lập đá giải khu vực, và chơi các trận đấu ở vòng loại U19 châu lục, đồng thời giành thành tích cao ở lần đầu tiên tham dự giải U21 quốc tế Báo Thanh Niên (tổ chức tại TP.HCM), tính đến thời điểm này, khoảng 1/3 bị rơi rụng vì nhiều lý do khác nhau. Văn Quyết và Vũ Minh Tuấn là 2 trong số ít ỏi thuộc lứa này, vẫn đang chơi bóng trong màu áo ĐT Việt Nam, số còn lại, tiếp tục phát triển sự nghiệp cấp CLB như Tiến Duy, Hải Huy, Quốc Phương, Hoa Hùng, Văn Nam, Hữu Khôi, Anh Quang…
Từ khâu đào tạo trẻ, đến đầu ra là các ĐTQG trẻ, U23, rồi ĐTQG, việc tính toán xác suất là khâu cần thiết quan trọng. Bộ đôi tiền đạo ĐT U19 Việt Nam đầu năm 1999 dười thời HLV Riedl, sau này chỉ còn Việt Thắng tiếp tục thăng tiến, người còn lại chấn thương, giải nghệ, chuyển hướng theo nghiệp một phóng viên ảnh thể thao. Phải nhắc U19, bởi đây là nấc thang quan trọng, quyết định sự nghiệp chơi bóng chuyên nghiệp của cầu thủ. Một nửa trong số này sẽ khoác áo ĐT U23 (hoặc Olympic QG) và 1/3 sẽ có cơ hội chơi bóng trong màu áo ĐT Việt Nam.
Theo biểu đồ này, với những gì đã và đang diễn ra, việc HAGL Arsenal JMG với 16 cầu thủ đầu vào khoá 1 của Học viện (năm 2007), hiện còn Công Phượng, Xuân Trường, Vũ Văn Thanh, Văn Toàn, Tuấn Anh, Nguyễn Phong Hồng Duy, Nguyễn Văn Sơn và Trần Hữu Đông Triều, Lê Đức Lương, như thế đã được cho là nhiều. 4 cái tên đầu tiên vừa trở về từ AFF Suzuki Cup 2016, trong khi Tuấn Anh không may gặp chấn thương trước giải, còn Hồng Duy không được gọi triệu tập, để đảm bảo suất trên Tuyển cho một đôi cái tên khác chưa chắc xứng đáng bằng.
Các cầu thủ mà Học viện HAGL Arsenal JMG xuất xưởng lần đầu năm 2013, chắc chắn sẽ giữ “trung quân” trên bình diện các ĐTQG tới đây, mà khởi đầu có thể là SEA Games 2017 (tổ chức tại Malaysia). Kế đó mới tới lứa U19 Việt Nam vừa giành suất dự VCK World Cup U20 thế giới dưới thời Hoàng Anh Tuấn, rồi U16 Việt Nam từng đá tứ kết giải châu Á 2016, khi Đinh Thế Nam làm HLV trưởng. Với nguồn lực khá dồi dào các cầu thủ trẻ từ HAGL Arsenal JMG, Viettel, PVF, Hà Nội T&T…, chúng ta có quyền kỳ vọng ở thì tương lai.Môi trường thi đấu sẽ quyết định
Cầu thủ trẻ cần điều gì nhất?! Họ cần các trận đấu, cần cơ hội ra sân tại các giải đấu có đẳng cấp tương đối, để tích luỹ, học hỏi và phát triển sự nghiệp. Năm 2004, khi Công Vinh lần đầu tiên được vinh danh QBV Việt Nam ở tuổi 19, anh vẫn còn khá vô danh khi mới được chơi đội 1 SLNA một mùa V-League và ĐT Việt Nam với bộ đôi tiền đạo một già, một trẻ là Huỳnh Đức và Công Vinh, đã bị loại ngay tại vòng bảng AFF Cup, khi giải đấu được tổ chức trên sân nhà. Tức là về mặt danh tiếng, QBV Công Vinh khi đó còn kém xa ứng viên Xuân Trường lúc này.
Nhưng, như đã nhắc, tất cả đều có điểm khởi đầu và sự nghiệp chơi bóng chuyên nghiệp của một cầu thủ cũng thế. Thêm trường hợp Lê Đức Lương được ra nước ngoài thi đấu mới đây, Học viện HAGL Arsenal JMG thực sự là mô hình kiểu mẫu về đào tạo và xuất khẩu cầu thủ, có thể nói là xưa nay hiếm. Xuân Trường đã có 4 trận đấu ra sân trong màu áo Incheon United, và nếu nhân với hệ số 3, nó tương đương với 12 trận đá ở V-League; trong khi, các đồng môn của anh vừa trải qua mùa V-League thứ 2 trong sự nghiệp. Tất nhiên, so sánh là rất khiên cưỡng.
Môi trường thi đấu, phát triển sự nghiệp có vai trò quan trọng, quyết định sự thăng tiến của một cầu thủ sau đào tạo trẻ. K-League cùa Xuân Trường, hay J-League 2 với Công Phượng, Tuấn Anh…, là những giải đấu ở đẳng cấp hàng đầu châu lục. Nhưng, V-League cũng không hẳn là vất đi. Thực tế hơn, đây là sân chơi lý tưởng để người trẻ phấn đấu. Hai lứa cầu thủ thế hệ đầu 8x, vô địch AFF Suzuki Cup 2008, đều thuần tuý chơi ở V-League. Họ được dẫn dắt bởi phù thuỷ Henrique Calisto và may mắn đã mỉm cười với ĐT Việt Nam, mỉm cười với chính họ.
Khi hệ thống các giải bóng đá trẻ quốc gia là chưa bao giờ đủ cho cầu thủ trẻ thi thố, việc giải hạng Nhất sụt giảm số lượng CLB nghiêm trọng trong những năm gần đây, thực sự rất đáng lo ngại. Nếu nhà tổ chức không thể kiện toàn, phát triển và nâng cấp các giải bóng đá chuyên nghiệp, ĐTQG sẽ chỉ hớt được phần ngọn, thiếu chiều sâu bền vững, bởi bóng đá Việt Nam thực sự chưa đủ năng lực xuất khẩu cầu thủ.
ĐT U19 Việt Nam năm 2014 và gần như tất cả số này, đều đã và đang tiếp tục sự nghiệp chơi bóng chuyên nghiệp, bao gồm: Lê Văn Trường (HAGL), Phí Minh Long (Hà Nội), Vũ Tuyên Quang (Hà Nội), Vũ Văn Đài (Hà Nội), Trần Hữu Đông Triều (HAGL), Nguyễn Văn Quý (HAGL), Ksor Uc (HAGL), Hoàng Văn Khánh (SLNA), Trương Văn Thiết (Viettel), Phạm Đức Huy (Hà Nội), Lê Văn Sơn (HAGL), Lê Văn Đạo (SLNA), Nguyễn Văn Giang (HN T&T), Nguyễn Hữu Anh Tài (HAGL), Nguyễn Đồng Tháp (Đồng Tháp), Nguyễn Tuấn Anh (HAGL), Nguyễn Công Phượng (HAGL), Lương Xuân Trường (HAGL), Phan Thanh Hậu (HAGL), Trần Minh Vương (HAGL), Phạm Trùm Tỉnh (Khánh Hoà), Đỗ Duy Mạnh (Hà Nội), Tô Nhất Phong (Hà Nội), Vũ Văn Thanh (HAGL), Hoàng Thanh Tùng (HAGL), Nguyễn Hữu Dũng (Thanh Hoá), Nguyễn Quang Huy (HAGL), Nguyễn Phong Hồng Duy (HAGL), Nguyễn Viết Huy (Hà Nội), Nguyễn Văn Toàn (HAGL), Lâm Ti Phông (Khánh Hoà), Nguyễn Minh Thái (TDC Bình Dương), Lưu Công Sơn (Viettel). |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Tags