(Thethaovanhoa.vn) - Thực ra, không đến nỗi nghiêm trọng đến vậy. Người ta nói đội tuyển Việt Nam đang trở thành bệnh-viện-dã-chiến, với liên tiếp các ca chấn thương trong mấy ngày qua, khi thầy trò HLV Park Hang Seo tập luyện chuẩn bị cho trận đấu quan trọng với Malaysia. Bởi chấn thương trong bóng đá là điều bình thường.
Giai đoạn HLV Toshiya Miura làm việc với các cấp độ ĐTQG, các ca chấn thương xuất hiện nhan nhản. Nó liên quan đến các bài tập quá nặng trên mặt sân không đảm bảo chất lượng và cầu thủ gần như không có thời gian hồi phục. Lập luận này trở nên có cơ sở hơn, khi ông Miura dẫn dắt CLB TP.HCM và điều tương tự xảy ra, khiến đội bóng được đầu tư rất lớn này phải đánh vật với mục tiêu trụ hạng, thay vì có thể mơ màu huy chương.
Nhưng, ngay cả ông Miura cũng chưa từng đối diện với nỗi ám ảnh lớn như người tiền nhiệm Henrique Calisto. Trước các trận bán kết với Malaysia ở AFF Suzuki Cup 2010, ông "Tô" cụt non nửa đội hình chính. Đó là lý do chúng ta thua trắng 0-2 ở Bukit Jalil, với 2 pha vồ hụt bóng của Tấn Trường đã trở thành kinh điển. Ngày đó, thuyền trưởng người Bồ đã quyết định đem Quang Thanh chống nạng qua Malaysia, như một liệu pháp tâm lý chiến tựa như đã thực hiện với Nguyễn Văn Sỹ ở Tiger Cup 2002, nhưng bất thành.
Trở lại với tình hình chấn thương của đội tuyển Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Sau Xuân Trường, đến Huy Toàn, rồi Nguyên Mạnh. Trước đó, chắc chắn HLV Park Hang Seo đã mất Đình Trọng và Phan Văn Đức. Đó đều là các trụ cột của các ĐTQG Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo.
Có hàng tỷ nguyên nhân dẫn đến chấn thương trong thể thao, song có thể phân loại thành vài nguyên nhân chính: Quá tải (dẫn đến tự chấn thương), va cham trong tập luyện, thi đấu và giáo án không phù hợp với thể trạng của VĐV. Đình Trọng là một dạng quá tải trong thi đấu, anh tự bị chấn thương sau một pha đổi trụ chuyển hướng đột ngột, trong một trận đấu của CLB Hà Nội tại V-League 2019. Các bác sỹ cũng khẳng định Xuân Trường không va chạm với ai trước khi anh bị chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước gối phải…
Phần lớn các ca chấn thương trong những ngày qua, thường rơi vào các trường hợp có tiền sử chấn thương, thậm chí là tiền sử phẫu thuật. Như vậy, hoặc họ bị tái phát chấn thương cũ, hoặc chấn thương cũ chưa thực sự lành lặn mà cố tập luyện, thi đấu, khiến phát sinh chấn thương mới, bởi những bộ cơ - khớp trên cơ thể có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Ví như nếu chằng trước yếu, chằng sau sẽ phải gánh lực nhiều hơn, gối phải yếu, gối trái hoạt động nhiều hơn. Và với các chấn thương đầu gối, thì cột sống và cơ lưng sẽ phải chịu lực nhiều hơn… Và nó dẫn đến các ca chấn thương trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung.
Các cầu thủ, vì thế cần được theo dõi và báo cáo đầy đủ thể trạng, cũng như tình hình chấn thương, từ cấp CLB đến các cấp độ ĐTQG, chứ không phải đợi "mất bò mới lo làm chuồng". Về điều này, sự phối hợp giữa các bác sỹ đội tuyển và CLB vẫn còn tương đối lỏng lẻo. Bản thân cầu thủ cũng không phải lúc nào cũng thành khẩn, khi cơ thể của mỗi chúng ta được ví như bác sỹ riêng.
HLV Park Hang Seo là một người tỷ mỉ và rất giỏi tùy cơ ứng biến. Đội tuyển đã mất Đình Trọng ở AFC Asian Cup 2019, nhưng Quế Hải, Tiến Dũng, Văn Hậu, Trọng Hoàng và cả Duy Mạnh đã làm rất tốt, trên hành trình vào đến tứ kết giải đấu. Từ VCK U23 châu Á ở Thường Chân 2018, đến ASIAD 18 ở Indonesia, AFF Suzuki Cup 2019 và AFC Asian Cup 2019 như đã nhắc. Thậm chí ngay lúc này, với 31 tuyển thủ đang hội quân ở Hà Nội, HLV Park Hang Seo đã có đầy đủ các phương án: 1 vị trí luôn có nhiều hơn 2 cầu thủ dự phòng.
Người hâm mộ có thể lo lắng đôi chút, nhưng đừng sốt sắng quá mà hỏng việc của HLV Park Hang Seo. Chấn thương, chuyện bình thường trong bóng đá ấy mà!
Tùy Phong
Tags