(Thethaovanhoa.vn) - Từng là “ông kẹ” của khu vực, ĐT Thái Lan cũng mất 12 năm để trở lại ngôi vương AFF Cup 2014. Người Thái tin tưởng, nhẫn nại với từng quyết định HLV Kiatisuk Senamuang. Bây giờ, VFF và cả dư luận cũng cần một thái độ như thế với tân HLV ĐTQG Nguyễn Hữu Thắng.
- Đài Loan 'bể' kế hoạch do thám tuyển Việt Nam
- Tuyển Việt Nam thắp sáng bầu trời không bằng ngôi sao
- Công Vinh: 'Người truyền lửa' của tuyển Việt Nam
Bản thân HLV Trương Việt Hoàng, cựu danh thủ CLB Thể Công và ĐT Việt Nam, vẫn chưa quên được thất bại đau đớn tại chung kết Tiger Cup 1998. Năm ấy, chàng tiền vệ tài hoa này có pha ghi bàn để đời hạ ĐT Thái Lan với tỉ số 3-0 tại bán kết trên sân Hàng Đẫy. Nghiệt ngã thay, ở trận chung kết, thầy trò Alfred Riedl lại thua đau ĐT Singapore, với bàn thắng duy nhất bằng lưng của trung vệ Sasi Kumar.
Nhớ lại thất bại đau đớn 18 năm trước, Việt Hoàng cho biết: “Đến tận giờ, tôi và đồng đội cũ vẫn chưa quên thất bại năm ấy. Bóng đá nghiệt ngã, khó lường ở chỗ ấy. Cứ tưởng chức vô địch đến tận tay rồi mà vẫn không thể vượt qua được nút thắt cuối cùng. Trong bóng đá, đôi khi cũng cần may mắn. Bán kết AFF Cup 2014, ĐT Việt Nam từng thắng 2-1 trên sân Malaysia nhưng rồi lại thua cay đắng 2-4 tại sân Mỹ Đình. Giống như chúng tôi 18 năm trước, thua đau thế không thể ngủ được, quên được, nhưng vẫn phải sống bởi mọi thứ đâu thể dừng lại”.
Nếu tính từ trận chung kết SEA Games 1995, bóng đá Việt Nam luôn thất bại mỗi khi đối diện với người Thái. Họ là số 1, anh cả của của khu vực “vùng trũng” này. Tuy nhiên, ĐT xứ chùa vàng cũng trải qua 12 năm dài chờ đợi để trở lại ngôi vô địch ĐNA vào năm 2014.
Bàn việc này, Việt Hoàng, HLV đội đang dẫn đầu V-League 2016, đánh giá: “Bóng đá như cuộc sống đều có lúc thăng, lúc trầm. Thái Lan từng khủng hoảng nhưng họ chấp nhận bỏ qua thành tích để rồi đạt thành công về cả lối chơi và thành quả dưới thời Kiatisuk. Nhìn xa hơn, ĐT Đức từng mất thời gian dài từ bỏ lối chơi khoa học, chặt chẽ để chuyển sang lối chơi cống hiến, vị nghệ thuật hơn. Họ từng thất bại dù là chủ nhà World Cup 2016. Nhưng từ World Cup 2010, họ xây dựng tập thể chơi bóng đẹp mắt, hiệu quả. Chức vô địch năm 2014 chứng minh sự đúng đắn, đầu tư của người Đức”.
Nhìn lại ĐTQG lúc này, HLV Việt Hoàng tâm đắc với con đường mà đồng nghiệp Hữu Thắng lựa chọn. Đó là kiên nhẫn đi theo lối đá phù hợp, thể lực thể trạng của người Việt. Sự từng trải, chất đàn ông từ thời cầu thủ của cựu đội trưởng SLNA sẽ là điều kiện “cần và đủ” để xây dựng lại ĐTQG, sau khủng hoảng hậu chức vô địch AFF Cup 2008.
Bận bịu tập huấn cùng CLB Hải Phòng tại Quảng Ninh, HLV Việt Hoàng vẫn cập nhật từng tin tức 2 trận giao hữu vừa qua của ĐT Việt Nam với CLB Hà Nội T&T và Than Quảng Ninh. Anh chia sẻ: “Chỗ chúng tôi tập luyện mạng di động yếu, TV xem cũng không rõ. Khi ĐT Việt Nam thi đấu xong, anh em, đồng nghiệp cũng gọi điện tâm sự. Họ khen ngợi lối đá của ĐT dưới thời HLV Hữu Thắng rõ ràng, có đường nét. Ai cũng mừng nếu ĐTQG tiếp tục theo lộ trình của Hữu Thắng trong khoảng 1-2 năm nữa, chúng ta sẽ có một ĐT Việt Nam mới mẻ, có bản sắc rõ ràng”.
Điều danh thủ này lo lắng cho đồng nghiệp đó là sức ép thành tích từ VFF và dư luận, bởi đôi khi tình yêu từ CĐV quá lớn cũng phản tác dụng, tạo tác động không tốt đến lộ trình mà HLV Hữu Thắng mới bắt đầu thai nghén và đưa vào lắp ghép, lựa chọn cầu thủ ưng ý.
Đúng là bóng đá đỉnh cao luôn đòi hỏi thành tích, nhưng thành công không tự nhiên mà có. Nhìn bài học người Đức hay Thái Lan đã trải qua, chúng ta không thể vội vã đốt cháy giai đoạn. Với HLV Hữu Thắng và học trò bây giờ đó là thời gian và sự kiên nhẫn, theo quan điểm của HLV Việt Hoàng.
Ngọc Lan
Thể thao & Văn hóa
Tags