(Thethaovanhoa.vn) - Liệu những cầu thủ vừa đánh bại Australia 3-0 và bất bại ở vòng bảng của giải U16 Đông Nam Á đang diễn ra ở Campuchia có phải là một lứa trẻ tài năng nữa của BĐVN?
- U16 Việt Nam 2016 có hay hơn U16 Việt Nam thời Văn Quyến?
- U16 Singapore 0-3 U16 Việt Nam: Hiên ngang vào bán kết
- U16 Việt Nam sớm vào bán kết
Người ta đã bắt đầu làm phép so sánh năng lực chinh phục giữa U16 Việt Nam vào thời điểm hiện tại và ĐT U16 Việt Nam của những Văn Quyến, Như Thuật…, từng lọt vào bán kết giải châu Á năm 2000.
Thiếu niên anh hùng
Bóng đá Việt Nam trong quá khứ và cả hiện tại luôn không thiếu hào kiệt, ngay ở tuổi thiếu niên. Cách đây 16 năm, Văn Quyến và đồng đội từng tạo cơn địa chấn ở VCK U16 châu Á tổ chức trên sân nhà Chi Lăng, khi đánh bại Trung Quốc, để lần đầu tiên giúp bóng đá Việt Nam lọt vào đến bán kết một giải đấu cấp châu lục. Thế hệ của Văn Quyến ngày đó đến giờ đều thành công ở các mức độ khác nhau, nhưng không một lần nào nữa chạm lại được ánh hào quang xưa.
Sau giải vô địch Đông Nam Á, đội U16 Việt Nam (áo trắng) sẽ tập huấn tại Trung Quốc.Ảnh: Myanmar Football Federation
Cũng có người cho rằng, lứa cầu thủ trẻ cách đây 16 năm chính là tiền đề để chúng ta giành chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, cũng như lọt vào tứ kết VCK Asian Cup 2007 trên sân nhà trước đó. Và họ mới thực sự là những cầu thủ tài năng, có đẳng cấp, thậm chí “trên cơ” cả Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…, nôm na là “những đứa trẻ nhà bầu Đức”, mà Học viện HAGL Arsenal JMG vừa xuất xưởng cách đây đôi ba năm. Nhưng, mọi so sánh đều khập khiễng.
Với lứa U16 Việt Nam vừa giành ngôi nhất bảng A, tại VCK U16 Đông Nam Á 2016 với thành tích bất bại, chuyên gia Vũ Mạnh Hải cho rằng, đẳng cấp chơi bóng giữa các thế hệ là không tương đồng. “Trình độ cầu thủ bây giờ tốt hơn, tầm vóc tốt hơn, lối chơi vì thế cũng tốt hơn. Còn về mặt danh tiếng, lứa U16 Việt Nam lúc này không thể so được với U16 của Văn Quyến hay lứa U19 của Công Phượng được”, cựu danh thủ Thể Công (cũ) chia sẻ với Thể thao & Văn hoá.
Không chỉ chuyên gia Vũ Mạnh Hải thừa nhận sự đa năng và tính hiện đại, từ khâu đào tạo đến việc định hình lối chơi của cầu thủ trẻ bây giờ vượt xa so với ngày xưa, mà qua tham khảo rất nhiều HLV ở Học viện PVF, đều có đồng quan điểm này. “Ở tuổi đó, thế hệ của chúng tôi không thể chơi bóng được như họ”, HLV Nguyễn Ngọc Thanh của lò PVF nói. “Nhìn cách Tuấn Anh và Xuân Trường chơi bóng, cầm trận đấu, tôi thấy họ ở một đẳng cấp khác”, Thành Lương thừa nhận.
Danh tiếng và tầm ảnh hưởng sâu rộng giữa các thế hệ, vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng. Nếu lịch sử còn nguyên giá trị, cùng với sự tiến bộ - giúp sức của công nghệ, khoa học và y học thể thao, các điều kiện phát triển, U16 là hạn mức cuối cùng quyết định năng lực chơi bóng – phát triển của một cầu thủ: Hoặc theo tiếp con đường bóng đá chuyên nghiệp, hoặc quay lại nghiệp bút nghiên, chuyển nghề. Trước năm 2015, giải đấu này vẫn được gọi là VCK U17 Đông Nam Á.
Sự khác biệt lớn và dễ nhận ra nhất, giữa các thế hệ cầu thủ trẻ Việt Nam trước đây và bây giờ, là nguồn gốc cầu thủ, cũng như gốc gác các “xưởng sản xuất”, lò đào tạo. Cách đây 16 năm, HLV Nguyễn Văn Thịnh dùng thuần các học trò do chính tay ông đào tạo ở lò SLNA; đến năm 2013, lứa U19 của Công Phượng hầu hết đều từ lò HAGL Arsenal JMG. ĐT U16 của HLV Đinh Thế Nam thì đa dạng hơn về xuất xứ, trong đó, nổi bật với 3 cái nôi đang lên là Hà Nội T&T, Viettel và PVF.
Thiếu niên anh hùng, lịch sử bóng đá Việt Nam trước và sau hội nhập, thời nào cũng có. Nhưng để phát triển sự nghiệp chuyên nghiệp, chinh phục đỉnh cao, lại là một câu chuyện khác. Nên nhớ trước lứa này, ĐT U17 Việt Nam từng 2 lần lên ngôi ở các VCK khu vực. Nhưng chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, khi những Công Vinh, Như Thành, Việt Thắng (lứa cầu thủ sinh năm 84 & 85 cộng lại, cùng các đàn anh đầu 8X) lập công là lần vinh quang duy nhất của cả nền bóng đá.
Đi mãi cũng thành đường?
Thất bại không là mẹ thành công như nhiều người vẫn nghĩ, thậm chí, nền bóng đá Việt Nam đã quá quen với những thất bại, dễ khiến nó trở thành thuộc tính. Bóng đá bây giờ, đừng kỳ vọng đi mãi sẽ thành đường, mà chỉ thành con đường mòn nếu không có được phương pháp làm khoa học, cầu thị và cầu tiến. ĐT U16 Việt Nam dưới thời HLV Đinh Thế Nam, một mẫu cầu thủ kỹ thuật điêu luyện, một ông chủ trận đấu thời còn thi đấu, đang nhận được sự kỳ vọng rất lớn.
Lối chơi bóng ngắn, di chuyển liên tục và những đường ban bật như thêu hoa dệt gấm, được cho là kim chỉ nam của không chỉ ĐT U16 Việt Nam, mà với tất cả các cấp độ ĐTQG Việt Nam khác, vào thời điểm hiện tại. Đơn giản, nó hợp với cơ địa và thuộc tính của người Việt Nam nhất. Chúng ta gần như không có sự lựa chọn khác, ngoài sự giúp sức của dinh dưỡng, khoa và y học thể thao như đã nhắc ở trên. HLV Đinh Thế Nam và các học trò “đánh úp” ngôi nhất bảng A theo cách đó.
Trước khi đến với VCK U16 châu Á 2016 tại Campuchia, ĐT U16 Việt Nam không được đánh giá cao, thậm chí chúng ta còn bị xếp vào nhóm hạt giống số 5, bằng với U16 Brunei và chỉ hơn U16 Philippines (nhóm 6). Nhưng, các thành tựu (chiến thắng) không tự nhiên đến, mà tất cả đều được gầy dựng. Hơn 3 tuần quần thảo – tập trận ở quê nhà khó thu kết quả tốt, nếu trong tay HLV Đinh Thế Nam không tập hợp được hơn 20 cầu thủ trẻ có tố chất, trải dài khắp cả nước.
Đào tạo trẻ là chân đế, là khâu đầu tiên quan trọng, quyết định sự thành bại, khơi nguồn năng lực chinh phục tầm cao của nền bóng đá, đấy là quy luật rồi. Thế nên, nếu lứa cầu thủ U16 Việt Nam bây giờ, có thể viết tiếp trang sử, chính là điều kiện cần để khích lệ, thu hút các nguồn lực đầu tư. Các trận bán kết và chung kết giải U16 Đông Nam Á diễn ra trong tuần này, với bóng đá trẻ Việt Nam, mới chỉ là sự khởi đầu.
Sau giải đấu ở Campuchia, ĐT U16 Việt Nam sẽ hướng đến VCK U16 châu Á tại Ấn Độ (9/2016), nơi mà chúng ta sẽ phải đối đầu với những đối thủ mạnh tại bảng B là Nhật Bản, Australia và Kyrgyzstan. Xét về sự tiến bộ có tích luỹ, chúng ta không phải không có cơ hội. Đi cùng ĐT U16 Việt Nam từ những ngày đầu hội quân, trợ lý HLV Nguyễn Thế Anh tỏ ra rất tự tin về cơ hội đi tiếp ở giải châu Á tới đây, dù vẫn phải thừa nhận, Thái Lan là số 1 Đông Nam Á.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Tags